THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:18

Tình muộn

 

Bé gái tội nghiệp như không biết phận mình, vẫn hát líu lo bài hát mà cha nó dạy. Mải hát nó không để ý cho đến khi con bé nghe tiếng “huỵch” đằng sau, ngoảnh lại và hoảng hốt khi thấy cha nó ngã sõng soài bên đường. Chiếc đàn ghi ta văng sang một bên. Nó vội tìm cách đỡ cha dậy, nhưng không được, nó nhìn quanh và hốt hoảng kêu cứu mọi người.

Nghe tiếng kêu, chị chủ quán gần đó vội chạỵ lại cùng con bé đỡ người đàn ông lên và dìu về quán. Chị lấy nước cho người đàn ông uống, cốc nước mát làm cha con bé tỉnh dần...

Trưa hôm đó chị đãi hai cha con một bữa cơm rau đạm bạc. Trong bữa ăn anh kể cho chị nghe về cuộc đời mình.

Anh tên Quân, sinh ra tại một vùng quê ven sông Hồng quanh năm nước đỏ phù sa, anh có đôi mắt sáng như bao người, từng đi bộ đội và tham gia nhiều trận đánh lớn. Trong một trận chiến ác liệt trên đất bạn Lào, quân địch thua đau và bỏ chạy tán loạn, chúng gọi máy bay đến, từng loạt, từng loạt bom napan cháy đỏ rực trời. Khu rừng trước mặt anh bỗng chốc như một biển lửa thiêu đốt anh và đồng đội.

Anh bị bỏng nặng và ngất đi. Đồng đội tìm thấy anh bên gốc cây cụt cháy xém, đưa anh về hậu cứ. Anh bất tỉnh bao lâu không biết nữa. Khi tỉnh lại trước mặt anh là một màu đen tối. Anh đau đớn biết mình bị mù cả hai mắt...

Với những vết thương trên người và đôi mắt bị mù anh được đưa ra Bắc điều trị và an dưỡng. Anh được xuất ngũ.

Ngày trở về, anh đau đớn khi hay tin vợ anh đã mất khi cứa giúp bà con chạy lũ, để lại đứa con thơ dại.

Quá  đau buồn và quẫn bách anh bỏ làng ra đi cùng con gái tội nghiệp kiếm sống bằng nghề hát rong.

Trưa nay, phần vì đói, phần vì vết thương cũ tái phát làm anh gục xuống. May nhờ có chị cứu giúp.

Anh bảo, không biết phải cảm ơn thế nào... Nếu không có chị chắc tôi nguy mất, âu cũng là...

Rồi chị kể cho anh về cuộc đời chị. Quê chị ở thôn Đông, đảm đang hay làm lại có chút duyên thầm nên tuổi đôi mươi có nhiều chàng trai trồng cây si. Chị nhận lời yêu anh bộ đội đóng quân ở đơn vị pháo cao xạ ven làng. Tình yêu thời chiến thật đơn giản, lúc cưới nhau lại càng giản đơn nhưng vui vẻ đậm chất lính.

“Chính quyền xã và đơn vị đứng ra lo liệu cho em và anh ấy mọi thứ” - chị kể. - Phù rể là những chàng lính pháo khỏe mạnh, chững chạc trong bộ quân phục màu xanh, còn phù dâu là những cô thôn nữ áo xanh áo đỏ thật duyên dáng. Cũng đầy đủ bánh kẹo trầu cau và các tiết mục văn nghệ mừng cho đôi uyên ương”...

Nhưng như các cụ ta nói: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Em và anh ấy chỉ được ở gần nhau mười ngày thì đơn vị được lệnh chuyển quân vào miền Trung tăng cường cho chiến dịch ngày càng ác liệt hơn.

“Thế rồi anh ấy ra đi mà không bao giờ trở về nữa anh ạ.”- chị ngậm ngùi.

Sài Gòn giải phóng. Ba tháng sau có giấy báo tử gửi về xã. Ngày nhận giấy báo tử anh ấy hy sinh cùng hơn nửa đơn vị pháo, em tưởng như mình không sống nổi nữa, nước mắt gần như cạn kiệt, mấy lần ngất đi rồi lại tỉnh, em đau đớn, thẫn thờ, gào thét với cái thai trong bụng đã sang tháng thứ bảy. Mọi người động viên, tận tình chăm lo cho em.

Rồi thời gian cũng dần nguôi ngoai khi chàng pháo thủ con ra đời. Em nuôi con với bao vất vả, khó khan và thiếu thốn. Thằng bé lớn lên với sự đùm bọc của ông bà, gia đình và bà con lối xóm.

Những đêm mưa ngồi ngắm con ngủ em lại nhớ anh ấy vô cùng. Có những đêm nằm mơ em thấy anh ấy vẫn còn sống và bị vùi dưới căn hầm dã chiến, mặt gầy và  đen, râu tóc bù xù nhớp nháp... Em gào to cầu cứu mọi người đến giúp!

Tỉnh dậy thẫn thờ nhìn con, nhìn đêm đen đặc quánh và hiểu rằng em đã mất anh ấy vĩnh viễn.

Rồi nỗi nhớ cũng dần nguôi ngoai với những lo toan cuộc sống, em như con sông tràn đầy sóng nước luôn muốn tuôn ra biển cả, như cái cây tràn đầy sinh lực luôn muốn cống hiến. Em lao vào công việc để vơi đi nỗi buồn, nỗi nhớ nhung.

“Mải nói chuyện, cháu nhà em đi học về rồi. Con chào bác đi con”. -Nói rồi chị ôm lấy thằng bé. 

“Ai đây hả mẹ?”- Thằng bé hỏi. Chị không trả lời con.

Chiều tà, mặt trời đỏ ối đang từ từ khuất dần bên kia con sông Đuống. Người đàn ông bảo con gái thu xếp đồ để đi. Anh nói: “Cảm ơn chị, bữa cơm thật ấm cúng, cảm ơn vì câu chuyện chị kể. Có lẽ không bao giờ cha con tôi quên được chị, quên được nơi này. Giờ cha con tôi phải đi”.

Chị cố giấu đi những giọt nước mắt, nói: “Giờ muộn rồi cha con anh định đi đâu...hay là...”. Người đàn ông vội xua tay: “Không được đâu, không thể làm phiền chị nữa, tôi phải đi thôi”.

 Chị nghẹn ngào: “Mẹ con em mong anh và cháu sớm quay lại. Vùng đất này quý người lắm đó anh...”.

Anh nắm chặt tay chị nhủ thầm: Anh sẽ sớm quay lại với em, quay lại với mảnh đất ấm tình người này.

QUANG TRỊNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh