Tỉnh Bắc Ninh được chọn 'làm điểm' về giết mổ, chế biến lợn
- Tây Y
- 18:34 - 30/06/2017
Để xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, tỉnh Bắc Ninh đã giao cho Cty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam thực hiện Dự án giết mổ lợn tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, trở thành đơn vị đầu mối cung cấp thịt lợn sạch cho các tỉnh phía Bắc và xuất khẩu.
Lò giết mổ đạt tiêu chuẩn (ảnh minh họa)
Đây cũng là nơi để các nước nhập khẩu thịt lợn đến để thẩm định điều kiện xuất khẩu thịt lợn và là giải pháp để từng bước chấm dứt hoạt đông giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y và ATTP. Dự án có mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng trên diện tích 10ha với công suất giết mổ 2.000 con/ngày. Khả năng dự trữ đông lạnh khoảng 5.000 tấn.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bắc Ninh được chọn là tỉnh thí điểm tập trung đột phá vào khâu chế biến thực phẩm - khâu mà ngành nông nghiệp Việt Nam đang yếu nhất. Bộ trưởng gợi ý: Cùng với việc đầu tư dây chuyền giết mổ, cấp đông hiện đại, đồng bộ, chủ đầu tư cần đa dạng hóa sản phẩm chế biến như làm xúc xích, thịt hộp cấp đông, thịt lợn sữa, lợn quay…
“Nhu cầu của người tiêu dùng rất đa dạng chứ không phải chỉ có thịt cấp đông. 1kg thịt hun khói nhập về có giá 800.000 - 1.000.000 đồng nên ngoài dây chuyền giết mổ, chủ đầu tư cần quan tâm đến việc chế biến để đa dạng hóa sản phẩm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh (ảnh Khương Lực)
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, những tháng đầu năm nay, việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn hết sức khó khăn một phần là do chất lượng của chúng ta chưa đảm bảo và giá thành cao. Vì vậy, mô hình chuỗi thực phẩm sạch của Bắc Ninh sẽ được chọn là mô hình điểm để xây dựng các chuỗi giá trị thực phẩm theo hướng đầu tư vào chế biến sâu.
Để thực hiện được điều này, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT và các địa phương phải rà soát lại quy hoạch chăn nuôi, gắn quy hoạch với nhu cầu thị trường và năng lực tổ chức sản xuất. Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm túc việc dự báo thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại để xuất khẩu.