THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:57

Thứ trưởng Công an: 'Hồ sơ vụ PVC rất dày’

(ảnh nguồn Internet)

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội quanh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng liên quan ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang).

- Tổng Bí thư đã giao Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra việc để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng ở Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Diễn tiến điều tra như thế nào thưa ông?

- Cơ quan chức năng đang làm. Về hồ sơ thì không chỉ vài trang mà quá trình nhiều năm, hồ sơ phải rất dày, cùng với đó là các dự án, các quyết định. Đây là tổng công ty lớn, có nhiều dự án, nhiều chỗ đầu tư, hiệu quả ra sao thì phải làm việc mới rõ được.

- Con số thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng ở PVC được xác định thế nào?

- Số liệu hơn 3.200 tỷ đồng là trên cơ sở tài liệu thanh tra, về điều tra thì phải chứng minh liên quan đến tội phạm, bây giờ chưa thể nói rõ được. Đây là một công ty lớn, có công ty mẹ và các công ty con, hạch toán theo công ty. Có thể những sai phạm xảy ra ở công ty con nhưng liên quan đến chỉ đạo, điều hành của công ty mẹ. Cái này phải có thời gian để chứng minh.

- Dự kiến thời gian điều tra kéo dài bao lâu?

- Phải theo quy định của luật, theo thời hạn về giải quyết tin báo tố giác tội phạm, rồi thời hạn về điều tra. Tất nhiên chúng tôi phải cố gắng làm sớm vì đây là những vấn đề mà Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, trách nhiệm của ngành công an là phải làm sớm.

Ví dụ thời hạn điều tra các vụ nghiêm trọng từ khi khởi tố là khoảng 4 tháng. Riêng án kinh tế có thể kéo dài hơn, vì chứng minh tội phạm về kinh tế rất phức tạp, nhất là vấn đề liên quan chứng cứ, không đơn thuần như một vụ giết người, hiện trường có, dấu vết có, thủ phạm nhận tội thì xác minh dễ hơn.

- Trong quá khứ, PVC từng liên quan một vụ án kinh tế khác, sự việc đến nay kết luận ra sao?

- Năm 2012 có vụ án liên quan một công ty nằm trong PVC, khi đó tôi chưa phụ trách nên chưa nắm kỹ. Tôi nhớ vụ án đó đã bị khởi tố, điều tra, bây giờ đang tiếp tục làm rõ.

- Ngoài ông Trịnh Xuân Thanh, Tổng bí thư cũng chỉ đạo xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc bổ nhiệm ông Thanh, cấp biển số xe công trái quy định, việc này được xem xét như thế nào?

Cái đó phải theo kết quả điều tra, ai vi phạm thì người đó phải chịu trách nhiệm. Không riêng ông Trịnh Xuân Thanh, mà những người có trách nhiệm về thiệt hại hoặc vi phạm luật đều phải bị xử lý.

Bộ đang cho thanh tra toàn bộ việc quản lý cấp biển số xe của công an tỉnh Hậu Giang để rút kinh nghiệm chỉ đạo trong ngành. Thông tư, quy định của Bộ như thế nào thì phải thực hiện nghiêm túc, nề nếp, công khai, minh bạch. Đây là yêu cầu cải cách về quản lý nhà nước.

- Cơ quan điều tra đối diện những áp lực nào khi vào cuộc vụ việc này?

- Về nghề điều tra thì rất nhiều áp lực, kể cả án hình sự, án kinh tế, án ma tuý. Ví dụ án hình sự, án ma tuý thì tính nguy hiểm rất cao. Tội phạm kinh tế thường có học hành cơ bản, nắm bắt các nguyên tắc kinh tế, hiểu pháp luật, nên sự đối phó của người ta rất kín đáo, muốn tìm ra chứng cứ thì phải phân tích, đánh giá rất cao. 

Tất nhiên là có áp lực về quan hệ, nhưng với những người làm điều tra thì phải công khai minh bạch, nghiêm túc, kể cả áp lực nào cũng vậy thôi, đều phải theo pháp luật. Bản thân tôi cũng vậy, luôn phải lấy chữ tuân thủ pháp luật làm đầu, thì mới không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, như vậy mình mới thanh thản được.

VnExpress

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh