Thảm họa hạt nhân vẫn khiến người Nhật đau đầu
- Tây Y
- 16:25 - 12/03/2016
Ngay sau ca phẫu thuật ngày 11/3/2011, cụ Soichi Saito bắt đầu cảm nhận được sự rung chuyển của mặt đất và chứng kiến thiết bị y tế lần lượt đổ ập xuống sàn nhà. Cơn địa chấn mạnh đến mức làm dịch chuyển đảo Honshu hơn 2 mét về phía đông.
Trong khi người dân vẫn chưa hết bàng hoàng vì động đất, dư chấn đã kéo theo những cơn sóng khổng lồ cao đến 40 m, nhấn chìm nhiều toà nhà dưới nước. Thảm hoạ kép khiến hơn 20.000 người thiệt mạng hoặc mất tích, hàng trăm nghìn người mất nhà cửa.
Túi đựng đất nhiễm xạ được chất đống bên bãi biển ở Naraha, gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Những chiếc túi nilon chứa đầy đất nhiễm xạ và các mảnh vụn còn nằm rải rác trên nhiều cánh đồng bỏ hoang. Ảnh: Reuters |
Bệnh nhân 65 tuổi nhớ lại khoảnh khắc ông nhìn về phía cánh cửa sổ một cách bất lực khi cơn sóng nhấn chìm cả thành phố dưới chân. Suy nghĩ đầu tiên trong đầu ông khi đó là nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. "Nếu sóng thần khiến nhà máy không thể làm mát các lò phản ứng, nó sẽ là một thảm họa", ông nói.
Trở về nhà, gia đình ông Saito được yêu cầu di tản càng nhanh càng nhanh càng tốt. Theo CNN, có lẽ gia đình Saito cũng như nhiều hộ dân khác ở Nhật Bản, không hề biết rằng thảm hoạ tại nhà máy Fukushima có thể diễn ra nhanh đến như vậy.
Nóng chảy hạt nhân
Trong 50 phút xảy ra động đất, bức tường sóng cao 10 m đã nuốt trọn cả nhà máy. Trong tầng hầm, máy phát điện khẩn cấp nhanh chóng bị ngập, ảnh hưởng đến hệ thống làm mát và khiến các thanh nhiên liệu lò phản ứng bắt đầu tan chảy, rò rỉ phóng xạ chết người ra vào khu vực xung quanh.
Trong vòng 16 giờ, các thanh nhiên liệu trong một lò phản ứng đã gần như tan chảy hoàn toàn. 88 ngày sau, chính phủ chính thức thừa nhận khủng hoảng hạt nhân Fukushima, thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất sau "cơn ác mộng" Chernobyl năm 1986.
Nước là nguyên nhân gây hiện tượng nóng chảy hạt nhân, nhưng cũng là cách duy nhất để ngăn chặn. Công ty điện lực TEPCO đã bơm hàng trăm tấn nước vào nhà máy Fukushima để làm mát các lò phản ứng và ngăn chặn dòng chảy chất phóng xạ. Khoảng 800.000 tấn nước nhiễm xạ, đủ để lấp đầy 315 hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic, đang được lưu trữ trong các bể chứa trong khu vực.
Chính phủ Nhật đã chi hơn 1,5 tỷ USD để thu thập đất nhiễm phóng xạ từ các vùng lân cận. Tại nhiều nơi trên khắp cả nước, chúng được chất đầy trong hàng nghìn chiếc túi đen. Hiện chưa rõ cách xử lý đất và nước nhiễm xạ, nhưng TEPCO ước tính hoạt động này có thể kéo dài đến 40 năm.
"Vẫn còn một lượng lớn chất phóng xạ không được kiểm soát, ở dạng lỏng, đang rò rỉ vào lòng đất và từ từ chảy ra các đại dương. Nó rất nguy hiểm cho tương lai sau này", nhà vận động môi trường Jan Vande Putte của tổ chức Hoà bình xanh cho biết.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2012, cho thấy sau sự cố Fukushima, "nguy cơ rủi ro y tế được dự đoán vẫn còn thấp". Tại hai nơi có mức độ bức xạ cao nhất, WHO cảnh báo nguy cơ hình thành các dạng ung thư như bạch cầu hơn 4-7%.
Đối với những người sống gần khu vực hạn chế, sức khoẻ là mối quan tâm hàng đầu. Máy đếm Geiger được đặt trong khuôn viên một trường mẫu giáo ở Fukushima và giáo viên thường xuyên kiểm tra mức độ bức xạ trong thức ăn của trẻ.
Hiệu trưởng Michiko Saito nói rằng, vì mối đe dọa tiềm ẩn từ bức xạ là vô hình, các biện pháp phòng ngừa đều rất cần thiết. Trong khi đó Toshiki Aso, người có hai con học tại trường, nói rằng "cha mẹ nào cũng sẽ lo lắng về mức độ phơi nhiễm bức xạ có thể xảy ra với con cái".
Người biểu tình phản đối năng lượng hạt nhân trước trụ sở Công ty điện TEPCO, đơn vị điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ngày 11/3. Ảnh: Reuters |
Không thể quay trở lại
Vì sự cố ở nhà máy Fukushima, hơn 300.000 người sống ở lân cận đã được sơ tán. 5 năm sau, hàng nghìn người, chủ yếu là người lớn tuổi, vẫn sống trong các khu nhà tạm.
Bà Setsuko Matsumoto, 65 tuổi, có một hiệu làm tóc ở Futaba, thị trấn trong khu vực hạn chế vẫn được coi là không thể sinh sống vì bức xạ. Dù cư dân Futaba có thể ghé thăm ngôi nhà cũ của mình, người phụ nữ này đã không làm vậy suốt hai năm qua. Bà luôn có cảm giác đau đớn và ám ảnh khi bước chân trên căn phòng trước đây từng là nơi tổ chức ngày kỷ niệm hay họp mặt gia đình.
"Trước đây, cả gia đình tôi đều sống ở Futaba, chỉ cách nhau bằng đường đi bộ. Giờ thì tôi đang sống cô đơn một mình", bà Matsumoto nói.
Gia đình ly tán là một trong những câu chuyện phổ biến của người sơ tán khỏi Fukushima. "Chúng tôi hiện sống ở nhiều nơi khác nhau. Tôi hy vọng quay lại quê hương khi còn sống, nhưng tôi biết là không thể", cụ Eiko Hasegawa, 90 tuổi, buồn rầu nói.
Chiến thắng căn bệnh quái ác, nhưng cụ Saito đang phải đối đầu với một cuộc chiến khác là tình trạng ô nhiễm đang biến quê hương ông thành một "thị trấn ma". Cửa hàng và nhà hàng bị bỏ hoang đầy rẫy trên đường phố, nhà ga xe lửa thành đống đổ nát, trang trại cũ trở nên hoang tàn sau 5 năm không ai để mắt. Trong tiệm giặt là, những chiếc giá đỡ đã bị phủ đầy bụi và mạng nhện. Khu nhà kính của ông Saito đã mọc đầy cỏ dại, hạt giống rải rác khắp nơi và các thiết bị nông nghiệp đều chìm dưới lớp bụi dày.
"Không có sự tái thiết nào hết. Chính phủ nói với chúng tôi rằng, nhà máy điện hạt nhân sẽ là một điều tốt. Nhưng khi thảm họa xảy ra, họ không biết cách để đối phó với nó", ông cho hay.
Công nhân và phóng viên mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang khi đến khu tập trung các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy Fukushima. Ảnh: Reuters |
Làn sóng tranh cãi
Câu chuyện Fukushima đã tác động đến cam kết năng lượng hạt nhân của chính phủ Nhật Bản. Trước đó, 50 lò phản ứng hạt nhân trên cả nước là nguồn cung cấp 30% năng lượng điện. Nhưng điều này đã kết thúc vào ngày 5/2/2012, khi lò phản ứng hoạt động cuối cùng ở Hokkaido phải đóng cửa để kiểm tra.
Thảm hoạ hạt nhân đã gây nhiều khó khăn cho Nhật Bản, buộc đất nước mặt trời mọc nhập khẩu 80% nhiên liệu. Giá điện gia dụng tăng 19% giai đoạn 2011-2015, lượng khí thải carbon dioxide tăng vọt.
Lệnh tạm dừng kéo dài đến tháng 8/2015, khi một lò phản ứng được khởi động lại ở Sendai. Nó kéo theo các cuộc biểu tình bên ngoài nhà máy và nơi ở của Thủ tướng Shinzo Abe tại thủ đô Tokyo. Thủ tướng Abe sau đó đã tuyên bố rằng nhà máy này và các cơ sở khác đang trong quá trình khởi động lại "đều qua quy trình kiểm tra an toàn khắt khe nhất thế giới". Nhưng làn sóng chỉ trích và phản đối quyết định khởi động các lò phản ứng vẫn dâng cao.
Theo một kết quả thăm dò chính thức, trước thảm hoạ kép, khoảng 70% dân số Nhật Bản ủng hộ năng lượng hạt nhân, nhưng con số đã giảm xuống 36% sau "cơn ác mộng" Fukushima. Trong khi đó, ý kiến phản đối năng lượng hạt nhân tăng đến 50, thậm chí 70%.
Là người phản đối năng lượng hạt nhân, cựu thủ tướng Naoto Kan nhiều lần kêu gọi chính phủ Nhật Bản từ bỏ các nhà máy hiện nay. "Chính sách hạt nhân an toàn nhất là không có bất kỳ nhà máy nào hết", ông phát biểu năm 2012.
Sau khi nhà máy Sendai được khởi động lại, Ai Kashiwagi, thành viên tổ chức Hòa bình xanh Nhật Bản, nhận định rằng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, nhiệt có nhiều tiềm năng và có thể là phương án thay thế. Còn theo kết quả thăm dò của NHK hồi tháng 2, chỉ 20% cho rằng các lò phản ứng nên được khởi động lại.
Lấy minh chứng là các lò phản ứng được xây ở vành đai động đất và nhà máy Sendai, nơi chỉ cách một ngọn núi lửa hoạt động 30 km, Vande Putte cho rằng Nhật Bản đã "không rút ra bài học từ Fukushima". Ông khẳng định tại đất nước mặt trời mọc, không có nơi nào an toàn cho lò phản ứng hạt nhân và những gì con người đã chứng kiến ở Fukushima đều có thể xảy ra tại lò phản ứng khác.
"Chính phủ nên dừng tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Tôi không muốn có thêm bất cứ ai phải chịu nỗi đau khổ mà chúng tôi đã trải qua", Toshiki Aso, cư dân sống sót sau đại hoạ lịch sử, nói.