THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:52

10 năm sau thảm hoạ sóng thần Ấn Độ Dương: Hồi sinh trên vùng đất chết

 

Hơn 225.000 người thiệt mạng

Sáng 26/12/2004, ngay sau lễ Giáng sinh, một trận động đất mạnh tới 9,3 độ Richter xảy ra ở vùng biển phía Tây Indonesia. Chỉ trong vòng vài giờ, những đợt sóng lớn, có những cơn sóng cao tới 30m  đã ập vào bờ biển của 14 quốc gia nằm dọc bờ Ấn Độ Dương như Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia... quét trôi nhà cửa, cơ sở vật chất hạ tầng và con người ra ngoài biển khơi.

Cơn sóng thần đã tàn phá ghê gớm trên suốt 5.000 km di chuyển trên đại dương - hơn 225.000 người đã thiệt mạng, hơn 1,8 triệu người mất nhà cửa.

Tỉnh AChe của Indonesia là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 170.000 người chết, tổn thất về kinh tế khi đó vào khoảng 4,5 tỷ USD.

Tại Thái Lan, số nạn nhân thiệt mạng được xác định là hơn 5.300 người, trong khi gần 3.000 người vẫn mất tích, trong đó chủ yếu là du khách nước ngoài.

Những con sông đã cuốn theo hàng trăm nghìn người.

Theo Trung tâm nhận dạng các nạn nhân sóng thần của Thái Lan, từ khi xảy ra thảm họa cho đến nay, nước này đã xác định được danh tính của hơn 3.000 nạn nhân và đã bàn giao thi thể cho thân nhân những người đã mất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 400 thi thể chưa xác định được danh tính vì xét nghiệm ADN không đem lại kết quả cụ thể.

Sự hồi sinh thần kỳ

Sau thảm họa, một hệ thống Cảnh báo sóng thần sớm được xây dựng tại các nước dọc Ấn Độ Dương đã chính thức hoạt động vào tháng 10/2011. Tổng cộng có 24 quốc gia tham gia hệ thống cảnh báo sóng thần sớm do Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cùng Nhật Bản hỗ trợ. Ngoài ra, các nước trên thế giới cũng đã quyên góp số tiền lên đến 13,5 tỷ USD và đưa chuyên gia đến để giúp tái thiết các khu vực xảy ra sóng thần.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhắc đến những kỷ niệm đau thương của thảm họa 10 năm trước, ông đánh giá cao sự hồi sinh mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt của nguời dân Ache nói riêng và của Indonesia nói chung, đồng thời nhấn mạnh, với sự hỗ trợ to lớn, khoảng 8 tỷ USD của cộng đồng quốc tế, nhất là Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như nỗ lực phục hồi và tái thiết sau thảm họa sóng thần của Chính phủ Indonesia với khoản đầu tư lên tới 6,7 tỷ USD.

Ngoài ra, ông cũng đề cao thỏa thuận hòa bình giữa lực lượng ly khai ở Ache với Chính phủ Indonesia và và quy chế “quyền tự trị đặc biệt” mà Chính phủ Indonesia dành cho Ache sau khi thảm họa xảy ra.

Khu vực này đã hồi sinh một cách "thần kỳ" và mạnh mẽ với việc xây dựng lại 20.000 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn chống động đất, 3.850km đường quốc lộ, giao thông, 1.600km thủy lợi, 677 trường học, 500 hội trường thị trấn, 72 trạm y tế, 8.000 giếng nước sạch, hơn 1.200 khu vệ sinh, nhiều khách sạn và sân bay hiện đại.

Về phần mình, Thống đốc Ache Zaini Abdullah nêu rõ, sự thay đổi to lớn của Ache khi cuộc sống bất ổn hàng chục năm do nội chiến tại đây đã chuyển thành vận hội mới và cuộc sống mới hòa bình, hạnh phúc, quyền tự trị cao và quyền bầu cử tự do của gần 5 triệu người dân Ache sau thảm họa sóng thần.

Ông Zaini Abdullah nhấn mạnh: Cơn sóng thần Ấn Độ Dương đã chỉ ra bài học lớn nhất là những tác động thường xuyên hơn với cường độ lớn hơn của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, đòi hỏi mỗi người phải có cái nhìn mới, nhận thức mới, ứng xử mới về cuộc sống cũng như các hành động của mình để bảo vệ môi trường sống và sự tồn tại của chính mình, cũng như sự hợp tác trong nước và quốc tế để đối phó với các thách thức chung mang tính toàn cầu.

Duy Anh (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh