Về miền chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng
- Dược liệu
- 13:46 - 24/02/2015
Công cuộc hút cát lấn bãi biển vẫn đang được các ngư dân miệt mài triển khai.
Theo cha ông đi mở cõi
Về miền hạ Nghĩa Hưng, tôi tìm gặp ông Trần Văn Dung, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Điền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Điền - một trong những người đầu tiên “bắt sóng bạc phải cúi đầu, buộc biển sâu phải lùi bước” trong công cuộc khai hoang vùng đất quai đê lấn biển.
Ông Dung cho biết: “Năm 1987, tôi là người đầu tiên ra vùng đất này dựng lán, khai hoang. Gia đình phải vất vả phát quang lau sậy để đưa cói vào trồng. Sau một thời gian, hai mẫu ruộng cói đã hình thành và vụ cói đầu tiên đã cho thu nhập.
Khó khăn nhiều lắm, nhưng tôi tự động viên, cói sống được thì con người cũng sống được”. Từ những mảnh ruộng được be bờ không theo quy hoạch nào cả, dần dần mở ra cánh đồng cói bạt ngàn giữa vùng đất mà hàng chục năm trước chỉ toàn lau sậy hoang dại.
Ban đầu chỉ có gia đình ông Dung và vài hộ dân đi làm kinh tế mới, đến năm 1992 đã có hơn 100 hộ dân từ 24 xã trong huyện hội ngộ khai hoang trồng cói, trồng lúa mở quê mới. Ông Dung nhớ lại: “Thời đó, việc quai đê lấn biển khó khăn gian truân vì dân chúng đói khổ lắm. Ai đắp được một suất đất thì được cấp một suất lương thực”.
Đưa chúng tôi ra con đê mới, khoát tay về bãi sú vẹt xa tít tầm mắt, giọng ông chắc nịch: Vẫn đang lấn tiếp đấy, rộng lắm. Cách đây 5 năm tôi ra nhìn con sóng là biết sẽ bồi được 12km.
Ngao, sản vật của biển ban tặng người dân biển
Chỉ đứng trên bãi ngang dưới đê thấy sóng đập nhẹ, trời yên tĩnh, dáng sóng rồ lên là biết được bồi đến đâu. Người đông thì của cũng đông, bây giờ bồi nhanh lắm. Trước đây 20 năm chỉ lấn thêm được 2km, nhưng 17 năm vừa qua đã thêm gần 10km. Phía sông Đáy lấn ra biển được 9km, toàn đất thịt nặng phù sa và phía sông Ninh Cơ bồi được 4km đất cát. Một điều rất đặc biệt, có thể gọi là thiên phú là lũ lớn không bao giờ xảy ra ở đây.
Lũ chỉ xảy ra 2 bên sông. Dưới này là hạ lưu cửa biển nên không còn ảnh hưởng nữa.
Tuyến đê quốc gia huyện Nghĩa Hưng đang được kè kiên cố.
“Chắn sóng thành đê, biến biển thành đồng”
Để tìm hiểu ngọn ngành về lịch sử công cuộc quai đê, lấn biển ở miền hạ Nghĩa Hưng, chúng tôi được giới thiệu đến tìm gặp ông Phạm Văn Giảng (74 tuổi) từng làm Bí thư xã Nghĩa Hải những năm 1980.
Nhắc đến chuyện quai đê, mở đất, ông Giảng hồ hởi: “Đất là đất của triều đình, bồi là bồi của thiên nhiên. Thiên định rồi, mỗi năm trời phải bồi vào đây vài chục mét đất theo chiều ngang của bãi triều”. Theo ông Giảng, sau quá trình khai hoang lập làng là các công trình quai đê lấn biển theo truyền thống: “Lúa lấn cói, cói lấn vẹt và vẹt lấn biển”. Về địa thế, huyện Nghĩa Hưng nằm lọt giữa hai dòng sông.
Sông Đáy là ranh giới giữa Nghĩa Hưng (Nam Định) và Ninh Bình. Sông Ninh Cơ thì chia địa phận hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Cứ thế hai dòng sông ngày ngày bồi lắng tạo ra vùng đất này với những cái tên mới Nghĩa Thành, Nghĩa Lợi... chạy đến Nam Điền, Rạng Đông. Ông Giảng kể: “Cứ 20 năm đất lại vươn ra biển thêm 3- 5km. Năm 1930 việc quai đê đã hình thành 6 xã miền hạ. Tiếp đó đê Ông Hởn được hình thành năm 1957, đến 1975 đê Đại Hà được đắp”.
Những bãi ngao trên bãi biển Cồn Xanh.
Để mục sở thị vùng kinh tế mới Cồn Xanh, tôi được một ngư dân ở địa phương nhiệt tình chở xe máy chạy dọc gần 4km con đê lấn biển. Lúc triều cường lên, phía ngoài đê những ngọn sóng cuồn cuộn nối tiếp ấp vào thân đê kè đá kiên cố. Bên trong, các ao tôm, cá vẫn bình yên chờ ngày thu hoạch. Trên đường ra Cồn Xanh, tôi bắt gặp từng đoàn ngư dân miệt mài đạp xe, chở theo đồ nghề là chiếc cào ngao ra phía ngoài bãi để mưu sinh. Trong câu chuyện với chúng tôi, mắt của họ rực ánh nghị lực.
Ngư dân Bùi Văn Thảo ở đội 1 xã Nam Điền chia sẻ: “Ngày xưa dân mình đi bãi mưu sinh vất vả lắm, thức đêm dậy sớm đi bộ mỏi cả chân mới ra tới bãi, giờ thì đã khác, chỉ ngồi nhà bấm giờ nước thuỷ triều rút, đạp xe 15 phút là tới ngay bãi cào ngao, thu nhập từ nghề cào ngao đã khá và đỡ vất vả hơn trước nhiều”.
Xuyên qua những ao đầm ngợp mắt, chúng tôi vào thăm vợ chồng anh chị Khoa Thuỷ - ngư dân ở xã Nghĩa Lâm ra làm kinh tế mới từ năm 2009.
Trước khi bắt tay vào nghề thủy sản này, anh Khoa là công nhân ở một nhà máy đóng tàu ở Hải Phòng, chị Thuỷ từng đi xuất khẩu lao động bên Nhật Bản, cuối cùng họ về quê làm đầm thả cá, nuôi cua. Việc đấu thầu 6 ha đầm anh chị Khoa Thủy đã lãi tiền tỷ mỗi năm.
Đứng trước biển, tâm sự với chúng tôi, ông Lợi như tự sự với chính mình: “Thế hệ tôi chính là con cháu những nông dân nghèo khổ từng theo cha ông đi quai đê, lấn biển, mở mang đất mới. Và chúng tôi tiếp tục đổ mồ hôi, nước mắt theo bước chân tổ tiên mình”... Theo các nhà chuyên môn, mỗi năm huyện Nghĩa Hưng tiến ra biển khoảng 100m; trung bình cứ 20 năm lại một lần quai đê, lấn biển từ 3km đến 5km và có thêm từ 300ha đến 500ha đất bồi màu mỡ, phì nhiêu. Năm 2002, nhận thấy tiềm năng và ý nghĩa chiến lược của khu vực bãi bồi Cồn Xanh, Bộ Quốc phòng đã giao Quân khu 3 và Bộ CHQS tỉnh Nam Định thực hiện việc đắp đê lấn biển. Đầu năm 2008, sau 6 năm triển khai, con đê đã hoàn thành và được bàn giao lại cho huyện Nghĩa Hưng, tạo ra một vùng đất lấn biển rộng tới 820ha. |