CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:56

Tôn vinh lao động trẻ có kỹ năng nghề

 

Theo Ban tổ chức, cứ 2 năm một lần, Kỳ thi tay nghề Quốc gia lại được tổ chức nhằm tôn vinh lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện tay nghề, thi thợ giỏi ở các cấp, các ngành; khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, tạo nguồn bồi dưỡng lao động có tay nghề cao cho đội tuyển quốc gia tham dự Kỳ thi khu vực và thế giới. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao giải cho các thí sinh đoạt giải nhất tại kỳ thi. (Ảnh P.Tuấn)


Theo đó, Ban tổ chức Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016 này có 488 thí sinh thuộc 58 Đoàn chính thức tham dự thi tay nghề quốc gia năm 2016, trong đó có 6 Bộ, ngành; 3 tập đoàn và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 59 thí sinh nữ, chiếm 12,1%. Nghề Dịch vụ nhà hàng có tỷ lệ thí sinh nữ cao nhất, 22 thí sinh nữ/59 thí sinh dự thi.

Qua kỳ thi tay nghề quốc gia sẽ lựa chọn thí sinh đạt giải cao tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI năm 2016 tại Malaysia hướng tới Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 44 năm 2017 tại Abu Dhabi - Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất. 

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm với các thí sinh đoạt giải nhất.


Theo đánh giá Kỳ thi là một ngày Hội ý nghĩa, nơi những người học nghề, lao động trẻ cả nước cùng chia sẻ, thắt chặt tình đoàn kết và hướng tới mục đích lớn là nâng cao kỹ năng cho người lao động, thúc đẩy dạy nghề phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Mặt khác là cơ hội để lĩnh vực dạy nghề trong cả nước cọ sát, học hỏi phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thúc đẩy phong trào dạy và học nghề; tìm ra những mô hình đào tạo, rèn luyện hiện đại, hiệu quả cho lao động có tay nghề cao góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề 2011 – 2020 là: nâng cao “chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ bế mạc. 


Phát biểu tại Lễ bế mạc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chăm lo của toàn xã hội, sự nghiệp dạy nghề đã phát triển mạnh mẽ, từng bước đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Mạng lưới cơ sở dạy nghề mở rộng, phân bố tương đối hợp lý; quy mô đào tạo ngày càng tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng đã được cải thiện, chất lượng và hiệu quả dạy nghề chuyển biến tích cực, đào tạo nghề gắn với sử dụng lao động. Sở dĩ có được những kết quả trên, là nhờ sự cố gắng chung của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp và đặc biệt là đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên học nghề đã thực hiện tốt phong trào thi đua dạy tốt – học tốt, tăng cường đào tạo kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP không chỉ đưa đến các cơ hội, mà còn tạo ra nhiều thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam, yêu cầu cần phải nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Huỳnh Văn Tí trao bằng khen của Bộ cho các tập thể cá, cá nhân có thành tích cao tại kỳ thi.


Tại lễ bế mạc, PGS.TS Cao Văn Sâm Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Việc tổ chức thi tay nghề quốc gia 02 năm một lần là hết sức có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phong trào dạy và học nghề, rèn luyện kỹ năng nghề của lực lượng lao động trẻ; tìm ra những mô hình đào tạo tiên tiến, hiệu quả để đào tạo ra lực lượng lao động có trình độ kỹ năng nghề cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển dạy nghề 2011 – 2020 là: nâng cao “chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”.

PGS.TS Cao Văn Sâm cho biết thêm: Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016 đã thu hút sự tham gia của gần 500 thí sinh đến từ 49 tỉnh thành, 6 Bộ ngành và 3 Tập đoàn trên khắp cả nước tranh tài ở 25 nghề có nhu cầu nhân lực cao trong nước, khu vực và thế giới.  Điều đó là minh chứng xác thực nhất cho thấy sức hút và vai trò của Kỳ thi trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các địa phương, bộ ban ngành và các tập đoàn.

Nhiều đại biểu trung ương và địa phương tham dự Lễ bế mạc Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ IX năm 2016.


Thông qua Kỳ thi, các thí sinh và chuyên gia đã có cơ hội cọ sát, học hỏi và trao đổi những kỹ năng, công nghệ mới, qua đó nâng cao trình độ, phương pháp dạy và học nghề. Kỳ thi tay nghề quốc gia lần thứ IX năm 2016 diễn ra thành công tốt đẹp là nhờ các Hội đồng thi do các Bộ: Công Thương, Văn hóa- Thể thaoDu lịch, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì và các trường đăng cai: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng nghề Du lịch Huế, Cao đẳng Xây dựng công trình đô thị, Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Cao đẳng nghề Công nghệ, Kinh tế và Chế biến lâm sản đã đồng lòng, cố gắng, bảo đảm tổ chức Kỳ thi diễn ra một cách an toàn, minh bạch, trung thực. Có thể nói, sự thành công của Kỳ thi đã, đang và sẽ lan tỏa ảnh hưởng tích cực không chỉ đến phong trào dạy và học nghề trên cả nước mà còn đối với công cuộc phát triển nguồn nhân lực quốc gia.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung biểu dương các thí sinh đoạt giải cao tại Kỳ thi, Bộ trưởng hi vọng: Với kỹ năng tay nghề đã có, các thí sinh sẽ nỗ lực rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm để có sự chuẩn bị tốt nhất để giành được thành tích cao nhất tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XI năm 2016 và Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2017, qua đó khẳng định trình độ lao động Việt Nam có đủ khả năng để hội nhập vào thị trường lao động khu vực ASEAN và thế giới.

 

Kỳ thi tay nghề quốc gia được tổ chức từ ngày 23/5/2016 đến ngày 30/5/2016, với 25 nghề, được tổ chức tại 5 điểm thi. Kết thúc kỳ thi, Ban tổ chức đã trao giải cho 65 thí sinh đoạt giải nhất, 24 giải nhì, 57 giải ba và 221 giải khuyến khích. Có 10 đoàn đạt thành tích cao nhất, đứng đầu là đoàn Hà Nội, đoàn TP HCM đứng thứ 2. Cũng tại Lễ bế mạc lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Hiệp hội dạy nghề và Nghề CTXH, Trung ương đoàn TNCSHCM... đã trao tặng, bằng khen, giấy khen và các phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân và thành viên ban tổ chức đã có thành tích cao tại kỳ thi. 

 

Phạm Tuấn/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh