CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:27

Đột phá để giành huy chương

Nhìn nhận hạn chế, tồn tại

 Lần đầu tiên tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN vào năm 2001, trải qua 10 kỳ thi, đoàn Việt Nam luôn trong nhóm 4 nước đứng đầu (cùng với Thái Lan, Indonesia và Malaysia) và đã 3 lần giành giải nhất toàn đoàn. Tháng 10/2014, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10.

Tại kỳ thi này, đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành giải Nhất thuyết phục với 16 HCV, 7 HCB, 7 HCĐ và 11 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

Tuy nhiên, trải qua 4 lần tham dự các kỳ thi tay nghề thế giới, đoàn Việt Nam mới đạt chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc. Các chuyên gia quốc tế nhận xét, thí sinh Việt Nam có nhiều tiềm năng, ưu thế như chủ động, sáng tạo, cần cù, khéo tay, có thế mạnh ở các nghề: Mộc dân dụng- mỹ nghệ, điện tử, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn, hàn, xây gạch, ốp lát sàn và tường...

thí sinh Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, năm 2014.Thí sinh Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, năm 2014.

Song, để giành được huy chương tại đấu trường thế giới, cần nhìn nhận, phân tích những hạn chế, tồn tại để có bước điều chỉnh phù hợp. Vì sao thi tay nghề ASEAN, chúng ta luôn đạt thành tích cao và đứng trong tốp đầu, nhưng tại các kỳ thi thế giới, thành tích của đoàn Việt Nam lại không cao?

Có nhiều nguyên nhân. Trước tiên, đó là công tác chuẩn bị huấn luyện cho các thí sinh chưa theo kịp với các nước trong khu vực, đặc biệt trong các ngành thuộc lĩnh vực điện tử, khoa học, công nghệ, cũng như sự thay đổi phương thức ra đề thi của thế giới theo xu hướng của các ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ.

Năng lực ngoại ngữ yếu, tâm lý thi đấu thiếu tự tin, thể lực hạn chế, ít có điều kiện để cọ sát, giao lưu, học hỏi với các thí sinh của các quốc gia mạnh công nghệ, có nền tảng giáo dục dạy nghề tốt, luôn đạt các giải cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Brazil,... là những điểm yếu  của các thí sinh Việt Nam cần khắc phục.

Bên cạnh đó, hiện chúng ta còn thiếu những chuyên gia có năng lực chuyên môn tốt, ngoại ngữ giỏi, kinh nghiệm huấn luyện tạo được bước đột phá cho thí sinh tại đấu trường thế giới.

Do kinh phí hạn hẹp, nên việc đầu tư cho công tác huấn luyện, đào tạo còn hạn chế, chưa huy động được sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các ngành công nghiệp sản xuất và dịch vụ trong việc huấn luyện, đào tạo thí sinh gắn với thực tiễn sản xuất và yêu cầu cao về kỹ năng, công nghệ, thiết bị,...mà đề thi yêu cầu.thí sinh Việt Nam tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10, năm 2014.

Cần bước đột phá, thay đổi

Để giành kết quả tốt tại Kỳ thi tay nghề thế giới tới đây, BTC Kỳ thi tay nghề quốc gia (Tổng cục Dạy nghề) đã chủ động tích cực, đổi mới công tác đào tạo, huấn luyện thí sinh, khắc phục những khó khăn, hạn chế của thí sinh dự thi và đề ra một số nhiệm vụ cụ thể:

Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp quan tâm chủ động huấn luyện các thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43 và chuẩn bị nguồn thí sinh tham dự các kỳ thi tiếp theo; tăng cường công tác xã hội hóa với sự tham gia của ngành công nghiệp sản xuất, dịch vụ, đặc biệt là tranh thủ sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam tham gia huấn luyện thí sinh, như:

Tập đoàn Samsung (nghề thiết kế Kỹ thuật cơ khí-CAD; giải pháp phần mềm công nghệ thông tin); Cty TNHH Denso Việt Nam (nghề điều khiển công nghiệp; phay CNC); Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trung tâm đào tạo Toyota tại Nhật Bản và Hiệp hội phát triển năng lực hướng nghiệp Nhật Bản Javada (nghề khuôn đúc; kỹ thuật khuôn đúc nhựa); Cty TNHH Dịch vụ Vikotec (nghề hàn)...

Qua việc huấn luyện, các thí sinh không những tiếp cận với các thiết bị, công nghệ hiện đại nhất được sử dụng tại kỳ thi thế giới sắp tới, mà còn có cơ hội tiếp cận với phương pháp đào tạo, huấn luyện hiện đại, hiệu quả của cường quốc về công nghệ như: Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Đối với các nghề còn lại, Tổng cục Dạy nghề tổ chức huấn luyện tại các cơ sở dạy nghề uy tín, có thế mạnh và kinh nghiệm huấn luyện do các chuyên gia trong nước đảm nhận với thời gian 5 tháng (từ 2/3/2015 đến 31/7/2015).

Để công tác chuẩn bị và dự thi Kỳ thi tay nghề thế giới đạt kết quả cao, rất cần sự tham gia của các giáo viên, chuyên gia kỹ thuật, đặc biệt với các chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, tranh thủ năng lực chuyên môn, kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện của họ.

Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích cho thí sinh đạt giải cao như ngoài việc khen thưởng theo quy định, sẽ kiến nghị công nhận bậc kỹ năng nghề quốc gia tương ứng, phù hợp với thành tích thí sinh đạt được.

Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, đoàn thí sinh Việt Nam sẽ lần đầu tiên giành được huy chương tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 43.

Đoàn Việt Nam dự Kỳ thi tay nghề thế giới 2015 ở 13 nghề: Cơ điện tử; công nghệ ô tô; đường ống nước; thiết kế trang Web; xây gạch; mộc mỹ nghệ; hàn; nghề thiết kế kỹ thuật cơ khí-CAD; giải pháp phần mềm công nghệ thông tin; điều khiển công nghiệp; phay CNC; khuôn đúc; kỹ thuật khuôn đúc nhựa. 

TS. Nguyễn Chí Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh