Tín dụng đen nở rộ dịp cuối năm
- Pháp luật
- 11:14 - 07/12/2022
Khi trở lại một huyện ngoại thành Hà Nội công tác, nhiều người dân đã phản ánh về hoạt động tín dụng đen đang ngày càng nở rộ và có những hành vi côn đồ thách thức pháp luật. Rất nhiều năm nay, các cơ quan báo chí cũng đã có nhiều loạt bài viết phản ánh về những mất mát và đau thương mà người dân.
Thời gian gần đây, theo lời kêu cứu của một số người dân thì hành vi và thủ đoạn của những kẻ hoạt động cho vay nặng lãi ngày càng trở lên ngang tàng và côn đồ. Bằng những thủ đoạn dụ dỗ con mồi sập bẫy, lún sâu vào nợ nần trên những chiếu bạc.
Chuyện đã qua nhưng ông N.X.T (Hà Nội) vẫn bức xúc vì tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng không biết bằng cách nào vẫn tồn tại và lộ liễu, thách thức pháp luật.
“Thôn tôi có hai trường hợp bị lôi kéo vào đánh bạc và chúng cho vay đến khi, người vay không thể trả thì chúng đánh. Có một người phải bỏ trốn hơn một năm nay biệt tăm biệt tích. Có những người bị đánh thì gia đình đã lo trả thì chúng mới thôi. Có những người phải bán cả ruộng đất để trả nợ cho chúng”, ông T bức xúc cho biết.
Tại nhiều nơi ở vùng ven đô, ghi nhận của phóng viên cho thấy tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền được được dán tại các cột điện, tường rào... với các nội dung như "cho vay tiền nhanh gọn, bảo mật", "cho vay tiền giải ngân trong ngày"... kèm theo đó là số điện thoại của người cho vay, thậm chí tại các khu công nghiệp, chợ...
Chị T. nhân viên làm nghề dịch vụ tại Hà Nội được một nhóm đối tượng gạ cho bốc "bát họ" với số tiền 20 triệu đồng. Cắt lãi ngay từ đầu, T. chỉ được nhận 16 triệu đồng, mỗi ngày phải đóng từ 150 - 200 ngàn đồng cho đến khi hết nợ. Và để làm tin, T. phải gửi cho các đối tượng giấy tờ tùy thân như giấy CMND, ảnh chân dung, ảnh chụp trang cá nhân trên mạng xã hội Facebook, Zalo... Do không thể gom đủ tiền trả lãi và gốc cho các đối tượng. các đối tượng còn quay phim, chụp ảnh chị và con gái mới 7 tuổi dọa đưa lên mạng xã hội. Và do lo sợ bị đưa ảnh, thông tin lên mạng nên chị T phải cắn răng trả nợ không dám tố cáo.
Được biết, trong năm 2021, trên địa bàn huyện Gia Lâm, một đường dây tín dụng đen do các đối tượng có tiền án tiền sự điều hành đã bị lực lượng công an triệt phá. Theo tài liệu điều tra, ổ nhóm này đã lợi dụng vào vỏ bọc là các tiệm cầm đồ, công ty hỗ trợ tài chính, để hoạt động rộng khắp nhiều quận, huyện ở TP Hà Nội với số tiền hàng chục tỷ đồng, lãi suất lên đến 300%/năm. Các đối tượng sẵn sàng sử dụng vũ lực để uy hiếp buộc con nợ phải trả.
Càng cuối năm, số vụ việc liên quan đến tín dụng "đen" càng phức tạp nhưng số đối tượng đòi nợ thuê bị xử lý chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để ngăn chặn các hành vi phạm pháp liên quan đến tín dụng “đen”, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; huy động lực lượng đấu tranh, xử lý các ổ nhóm đòi nợ thuê. Chính quyền địa phương cần nêu cao vai trò, trách nhiệm ở cơ sở trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt, người bị hại hãy mạnh dạn tố giác tội phạm, không để tín dụng "đen" lộng hành.