THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:58

Tín dụng chính sách – Nguồn sinh kế cho phụ nữ nghèo

 

 

Giá trị nhân văn của nguồn vốn

16 năm về trước, chị Nguyễn Thị Hạnh ở thôn Kim Quan, xã Yên Viên, Gia Lâm (Hà Nội) cơ cực chống lại những bế tắc tưởng chừng không lối thoát. Chồng mất do căn bệnh thế kỷ, để lại đứa con gái - người duy nhất trong nhà không lây nhiễm. Bản thân chị, vừa chống chọi với mặc cảm, bệnh tật vừa gắng gượng mưu sinh nuôi con.

Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, chị đã được sự giới thiệu, động viên của Hội Phụ nữ Thôn Kim Quan để vay 32 triệu đồng từ NHCSXH đầu tư nuôi ngan, gà và mở một cửa hàng may. Gọi là cửa hàng, chứ thực tế chỉ là một căn phòng mái tôn rộng chưa đầy 10m2 và một chiếc máy may cũ kỹ. Từ nguồn vốn của NHCSXH cộng với  sự nỗ lực không mệt mỏi của chị Hạnh và sự đùm bọc của gia đình, chính quyền, hội, đoàn thể chị đã có cơ hội thay đổi cuộc đời.  Giờ đây, tuy mới thoát khỏi nghèo  nhưng hai mẹ con chị Hạnh đã có một ngôi nhà khang trang để ở - ngôi nhà Đại đoàn kết của Thôn trao tặng; một đàn ngan, gà  chừng trăm con và cửa hàng may ngày một đông khách. Cuộc sống của chị càng ý nghĩa hơn khi năm 2016, cô con gái thi đỗ vào trường Cao đẳng Dược Hà Nội.  

Nói về những dự tính trong tương lai, chị cho biết, sắp tới, chị sẽ vay tiếp 50 triệu từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của NHCSXH để mở rộng chăn nuôi. “Tôi sẽ làm việc bằng hai bằng ba, làm cho đồng vốn ưu đãi sinh sôi, nảy nở như đàn ngan, gà. Đó là cách tôi tri ân NHCSXH và những người đã từng chia ngọt sẻ bùi với mẹ con tôi trong những năm qua” - chị Hạnh quả quyết.

Còn chị Nguyễn Thị Hồng, thôn Chu Quyến 2, xã Chu Minh, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhìn lên căn nhà xây kiên cố còn thơm mùi vôi vữa mới và khoe: “Cuộc sống gia đình từng bước ổn định rồi. Con cái được học hành. Trong nhà đã sắm đủ các vật dụng cần thiết...”. Chị chia sẻ, chỉ 3 năm trước, gia đình vẫn thuộc hộ nghèo trong thôn, nguồn thu nhập chính trông vào mấy sào rau màu. Hễ có người ốm đau hoặc việc cần kíp, chị lại tất tả vay mượn khắp nơi.  Năm 2014, chị tham gia Tổ tiết kiệm vay vốn thôn Chu Quyến 2. Nguồn vốn đầu tiên chị được vay qua NHCSXH huyện Ba Vì 20 triệu đồng. Có vốn trong tay, chị mua 2 con lợn nái, đầu tư cải tạo chuồng trại. Nhờ cần mẫn chăn nuôi, tích cực học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, gia đình chị đã từng bước gây đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi đến nay đã có trong tay đàn lợn 80 con. Ngoài ra, gia đình tập trung sản xuất rau màu cung cấp cho thị trường. Nhìn cơ ngơi trị giá hàng trăm triệu đồng, ai cũng mừng cho hành trình “thoát nghèo” của chị.

 

 

3,5 triệu phụ nữ nghèo được vay vốn ưu đãi

Trong gần 14 năm qua, đã có hơn 29,6 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo (trong đó có 3,5 triệu hộ nghèo do phụ nữ làm chủ) và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng doanh số cho vay đạt trên 376 nghìn tỉ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,4 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 7,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, trên 104 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và trên 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc...

Là tổ chức chính trị - xã hội tham gia quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất từ NHCSXH với 61.406 tỷ đồng, chiếm 39,54%, trong nhiệm kỳ qua, Hội LHPN Việt Nam đã luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời, là nguồn lực thu hút, tập hợp hội viên Phụ nữ tham gia vào tổ chức Hội. Vì vậy, Hội LHPN Việt Nam đã luôn chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ nghèo vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề gắn với hướng dẫn tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra….Nhờ đó, việc thực hiện dịch vụ ủy thác tại các cấp Hội đạt hiệu quả cao. Hoạt động ủy thác của Hội LH Phụ nữ trong những năm qua luôn đáp ứng “5 nhất”: quản lý dư nợ lớn nhất (61.406 tỷ đồng); tăng trưởng hàng năm nhiều nhất; quản lý nhiều Tổ tiết kiệm và vay vốn nhất (72.090 tổ); quản lý số hộ vay vốn lớn nhất (hơn 2,6 triệu hộ), chất lượng tín dụng tốt nhất, nợ quá hạn chiếm 0,27%, thấp nhất trong các đoàn thể.

Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, một trong những định hướng của Hội trong thời gian tới là đẩy mạnh việc lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện dịch vụ ủy thác tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo phát triển sinh kế; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của cán bộ Hội cơ sở, Tổ TK&VV; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay...; tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho cán bộ các cấp và Tổ trưởng Tổ TK&VV. Đẩy mạnh công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp. Duy trì hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh