Nguồn vốn ưu đãi chắp cánh những ước mơ
- Tra cứu phẫu thuật
- 16:02 - 11/06/2015
Phao cứu sinh của hộ nghèo
Là một trong những hộ gia đình được vay vốn từ Chương trình tín dụng HSSV, chị Nguyễn Thị Thu ở xóm Cao (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 con. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Khi con nhận giấy trúng tuyển thì bố mẹ vui, nhưng kèm theo đó là nỗi lo về tài chính, bởi thu nhập của cả nhà chỉ trông chờ vào 6 sào ruộng”.
Theo lời chị Thu, kinh tế eo hẹp nên chị xoay sở đủ kiểu mà vẫn không đủ tiền đóng học cho con. Bữa ăn cũng khi no, khi đói, dù rằng ngoài mùa vụ chị đã phải đi hái chè thuê ở khắp xã. Thế nên, trong một cuộc họp thôn, biết việc Ngân hàng chính sách - Xã hội cho vay vốn đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, chị mừng lắm vì đã có cứu cánh để các con thực hiện ước mơ đến giảng đường.
Thời gian đầu, chị chỉ vay cho đứa con lớn, sinh năm 1988, theo học tại Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên; đến năm 2012, chị mạnh dạn vay đến 30 triệu đồng để cả ba người con cùng có tiền trang trải chi phí học tập (10 triệu đồng/HSSV/năm). Đến nay, hai con của chị đã ra trường và có việc làm ổn định, vợ chồng chị đã trả được một phần nợ.
Nhờ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã chắp cánh cho con em mình thực hiện ước mơ đến trường.
Cùng ở huyện Đại Từ, anh Nguyễn Văn Giàu (xóm Trung Na, xã Tiên Hội) cũng có hai con thi đỗ đại học. Năm 2007, anh làm thủ tục vay vốn chương trình HSSV của Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện cho con đi học. Từ hoàn cảnh gia đình mình, anh Giàu ghi nhận: “Nguồn vốn thực sự là phao cứu sinh, là trợ lực lớn giúp các con tôi theo đuổi ước mơ tới trường. Đến nay, cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định, kinh tế gia đình phần nào giảm bớt khó khăn”.
Sinh viên Lầu Văn Sì, quê ở xã Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) cũng nhờ nguồn vốn vay mà thay đổi cuộc sống trong tương lai. Sì có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt, bố mất sớm, mẹ đi bước nữa, để lại 4 anh em cho bà nội với mảnh rẫy nhỏ lưng chừng núi.
Trở thành sinh viên của trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên với Lầu Văn Sì vừa là niềm vui lớn, nhưng cũng là nỗi lo chưa có lời giải đáp. Do đó, khi tiếp cận được nguồn vay ngân hàng theo Chương trình tín dụng HSSV, Sì đã rất vui mừng vì có thể tiếp tục theo đuổi con đường học hành.
Sì tâm sự: "Khi đó bà nội dồn đến những kg thóc cuối cùng, vay mượn khắp họ hàng, làng trên xóm dưới cũng được khoảng 2 triệu đồng, bởi nhiều người ngại không muốn cho gia đình nghèo thiếu quanh năm như nhà mình vay. Trong hoàn cảnh ấy, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã thực sự là phao cứu sinh cho ước mơ được học tiếp của mình”.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc Ban HSSV và các đối tượng khác, Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho biết, sau 7 năm triển khai Quyết định số 157, Chương trình tín dụng HSSV đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, được cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn rất đồng tình ủng hộ.
Nhà nước đã dành một phần nguồn lực để cung cấp tín dụng ưu đãi cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập trong thời gian theo học tại các trường chuyên nghiệp và dạy nghề, thực hiện công bằng xã hội, đảm bảo cho mọi người đều có cơ hội tiếp cận dịch vụ giáo dục, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho sự phát triển của đất nước.
Đây là một chương trình tín dụng chính sách có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, cá nhân từ Trung ương đến địa phương cùng tham gia thực hiện từ khâu tạo lập, huy động nguồn vốn đến việc tổ chức cho vay, thu hồi và xử lý nợ.
Chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, trực tiếp là 4 tổ chức Hội: Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh Niên đã tạo thành sức mạnh của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần thực hiện xã hội hóa công tác cho vay, dân chủ, công khai trong việc bình xét về đối tượng thụ hưởng cũng như quản lý, sử dụng vốn vay.
Sự tham gia tích cực của các tổ Tiết kiệm và vay vốn từ việc bình xét, xác nhận đối tượng, hướng dẫn thủ tục vay, đến việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và trả nợ tiền vay khi đến hạn. Đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách đồng thời thường xuyên tuyên truyền để người vay nâng cao ý thức, phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay.
Tính đến 31/7/2014, tổng dư nợ Chương trình tín dụng HSSV đạt 34.376 tỷ đồng (tăng 118 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện Chương trình theo Quyết định số 51/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), với 1.810.166 HSSV được vay vốn, số hộ gia đình còn dư nợ là 1.271.209 hộ, doanh số cho vay đạt 1.798 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 4.679 tỷ đồng. |