THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:41

Phạm Tuấn Thạch, đại diện Việt Nam tham dự FameLab quốc tế 2016

 

Thí sinh Phạm Tuấn Thạch sẽ đại diện Việt Nam tới Anh tham gia FameLab Quốc tế

Với bài thuyết trình về Tế bào gốc máu và Thú cưng, thí sinh Phạm Tuấn Thạh,  Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã trở thành quán quân Việt Nam của FameLab 2016. Bài dự thi của Phạm Tuấn Thạch đã thuyết phục ban giám khảo về nội dung và sự chính xác về khoa học cũng như khả năng trình bày dễ hiểu và cuốn hút. Tháng 6 tới, Tuấn Thạch sẽ đại diện Việt Nam tới Anh tham gia FameLab Quốc tế tại Liên hoan Khoa học Cheltenham cùng các quán quân từ 30 quốc gia trên khắp các châu lục.

Cuộc thi FameLab nằm trong chiến lược chung của Hội đồng Anh trong việc thúc đẩy Giáo dục STEM tại Việt Nam. STEM là viết tắt cho các bộ môn Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học, những chuyên ngành quan trọng quyết định sự phát triển về kinh tế và xã hội. Các chương trình Giáo dục STEM của Hội đồng Anh và các đối tác Việt Nam hỗ trợ trao đổi kiến thức và hợp tác giữa Vương quốc Anh và Việt Nam về phương pháp sư phạm và nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của các bộ môn này.

Với mục tiêu này, cuộc thi FameLab đưa các chủ đề khoa học quan trọng đến gần với công chúng và khơi gợi công chúng tìm hiểu về khoa học khi nội dung thuyết trình được giới hạn trong vòng 3 phút và đặt yêu cầu về tính chính xác về mặt khoa học song song với sự dễ hiểu và lôi cuốn dành cho khán giả.

Đêm chung kết FameLab 2016, cuộc thi truyền thông khoa học duy nhất tại Việt Nam diễn ra với 12 thí sinh là các nhà khoa học trẻ, giảng viên, sinh viên từ nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ khác nhau ở nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam đã tranh tài và thể hiện niềm đam mê với khoa học và truyền thông khoa học.

Hội đồng ban giám khảo gồm GS. Mai Trọng Nhuận, Chuyên gia cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng và nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội; nhà báo Nhật Hoa, Giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục VTV7 và PGS Lê Anh Vinh, Phó Chủ nhiệm khoa Sư phạm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội.

FameLab được khởi động từ năm 2005 tại Vương quốc Anh trong Liên hoan Khoa học Cheltenham Science Festival và đã trở thành mô hình thành công tiêu biểu để đào tạo và hướng dẫn các cá nhân, nhà khoa học, kỹ sư, giảng viên về cách thức kết nối với công chúng thông qua việc trình bày đề tài khoa học của họ. Người tham dự FameLab trình bày một chủ đề về khoa học, công nghệ và kỹ thuật để kết nối và hấp dẫn người nghe trong tối đa ba (3) phút.

Tới nay, Cheltenham Science Festival đã cộng tác với Hội đồng Anh để tổ chức cuộc thi FameLab  tại hơn 25 quốc gia. Tại Mỹ, Hội đồng Anh hợp tác cùng Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đồng tài trợ để tổ chức cuộc thi này dành cho nhà khoa học, người nghiên cứu và sinh viên trong lĩnh vực khoa học hành tinh.

Cuộc thi không chỉ giới hạn ở giảng viên, nhà nghiên cứu, giáo viên, cuộc thi hướng tới tất cả các cá nhân có đam mê khám phá và yêu thích khoa học. 12 thí sinh có bài trình bày ấn tượng nhất trong vòng tuyển chọn đã trải qua khóa đào tạo kỹ năng truyền thông khoa học với Tiến sỹ Emily Grossman, chuyên gia truyền thông lĩnh vực khoa học đến từ Vương quốc Anh. 

Lê Hoàng/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh