CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:09

Tìm giải pháp nâng cao giá trị cam Vinh

Cam Vinh với hương vị thơm, ngọt được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật

Khi tiến hành khảo sát, tìm hiểu hiện trạng Cam Vinh theo chỉ dẫn địa lý và các vùng trồng cam trọng điểm trên địa bàn tỉnh, có một thực tế là người trồng cam đang loay hoay tìm kiếm giải pháp kỹ thuật, quy trình canh tác theo cách mà mình cho là đúng nhất. Từ việc lựa chọn giống cam; cách lai ghép mắt giống; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…  tất cả gần như được tiến hành rất cảm tính. Với việc phát triển quá “nóng” diện tích trồng cam như hiện nay, nếu không có sự thống nhất trong quy trình kỹ thuật sẽ tạo ra những hệ lụy về môi trường, chất lượng Cam Vinh nói chung. Đi tìm câu trả lời về vấn đề này, chúng tôi ít nhiều giải tỏa được băn khoăn sau khi có các buổi tìm hiểu thực tế tại huyện Quỳ Hợp, nơi có khoảng 2.500 ha cam, chiếm hơn 50% diện tích trồng Cam Vinh trên địa bàn toàn tỉnh. 

Ở huyện Quỳ Hợp, đã ban hành được nghị quyết, đề án về phát triển vùng nguyên liệu cam Quỳ Hợp theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của nghị quyết, đề án là sẽ xây dựng được vùng cam nguyên liệu mang thương hiệu “Cam Quỳ Hợp” với diện tích 3.000 ha. Trong đó, có 70% sản phẩm cam khi xuất bán sẽ có thương hiệu, nhãn hiệu; 50% diện tích cam được sản xuất theo quy trình VietGAP. Huyện Quỳ Hợp xác định, phải tìm được doanh nghiệp làm đầu tàu dẫn dắt. Và người được lựa chọn tiên phong, làm cuộc “cách mạng cam” là ông Nguyễn Giang Hoài - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện. 

Cam được bày bán tại ngã 3 Săng Lẻ (Quỳ Hợp).

Được tạo điều kiện, ông Nguyễn Giang Hoài đã nhận gần 20ha đất tại đồi Lìn, xã Minh Hợp và trồng được 8 ha cam Xã Đoài lòng vàng. Với tâm niệm, muốn Cam Vinh có được vị thế đích thực trên thị trường, phải tạo ra một chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng, vì vậy, ngay từ khâu chọn giống, ông Hoài đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Viện cây trồng Trung ương. Vườn cam được tưới bằng công nghệ nhỏ giọt của Israel; được bón phân hữu cơ đã qua xử lý men vi sinh do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (Sở KH&CN) cung ứng. Trong quá trình phát triển, cây cam được theo dõi chặt chẽ, nếu có biểu hiện lâm sàng về bệnh dịch, các hình ảnh, mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển đến một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt của Nhật Bản để xác định nguyên nhân, có các biện pháp xử lý kịp thời... 

Đến nay, vườn cam đã trồng của ông Nguyễn Giang Hoài tròn 3 năm tuổi, đã ra quả bói và được người trồng cam trong vùng công nhận là “tuyệt đẹp”. Riêng với ông Hoài, có suy nghĩ là phải đầu tư xây dựng 1 trung tâm thí nghiệm dành riêng cho cam, để ở đó, khách hàng có thể trực tiếp test mẫu cam để yên tâm về ATVSTP. Đồng thời, phải gắn thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý cho quả cam, để người tiêu dùng có căn cứ để truy xuất nguồn gốc cam được trồng tại lô nào, vườn nào. Ông Hoài cũng tính đến việc bảo quản cam để Cam Vinh luôn có mặt trên thị trường. Để làm việc này, ông đã liên kết với Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh để được cung cấp một loại hợp chất enzim an toàn phủ ngoài vỏ, đảm bảo quả cam sẽ giữ được trong thời gian 6 tháng…

Ông Nguyễn Giang Hoài nói: “Người trồng cam lâu nay giống như những “kiêu binh”, tự hài lòng với dăm, bảy trăm triệu đồng mà 1 ha cam mang lại. Nhưng thực tế, Cam Vinh sẽ thành công hơn thế rất nhiều lần nếu biết kết hợp các khâu, các quy trình để tạo ra chuỗi giá trị...”. Ý kiến của ông Nguyễn Giang Hoài hoàn toàn có cơ sở. Bởi thực tế, tổng diện tích dành cho cây cam ở Nghệ An lớn nhưng rất manh mún; và tất cả đều nằm trong tay các ông chủ có tư duy tiểu nông cả trong sản xuất lẫn kinh doanh. Vì vậy, cách mà ông Nguyễn Giang Hoài đã thực hiện với vườn cam mẫu, và những dự định ông đang ấp ủ rất cần để người trồng cam nghiên cứu, áp dụng.

Xây dựng nhãn hiệu riêng

Trên địa bàn tỉnh, ngoài các địa phương trồng cam có danh sách trong Chỉ dẫn địa lý, thì hiện có thêm một số địa phương khác trồng. Điều này bên cạnh việc “làm giàu” thêm các vùng cam của tỉnh, thì đã làm gia tăng cuộc cạnh tranh ngầm giữa các vùng, nhà vườn trong tiêu thụ cam trên thị trường. Chủ vườn nào, địa phương nào cũng khẳng định cam của mình là chất lượng nhất, vô hình trung tạo nên một cuộc đua “dìm” sản phẩm của nhau, ảnh hưởng đến thương hiệu Cam Vinh, khiến người tiêu dùng vốn đã bối rối trong lựa chọn Cam Vinh, lại càng thêm bị nhiễu loạn thông tin. 

Cam ở Yên Thành được trồng từ lâu đời với giống cam chanh thuộc dòng cam Vân Du.

Đã có một số người làm cam nhận thức được điều này. Ví như ông Dương Minh Tấn - Giám đốc HTX cam Tấn Thanh đã chia sẻ rằng, vì “vàng thau lẫn lộn” nên ông và 8 hộ trồng cam khác mới phải nhóm tại để thành lập HTX, tự xây dựng quy trình sản xuất và đăng ký nhãn hiệu riêng cho cam mình sản xuất được. Ông Tấn nói: “Điều lo ngại là cam ngon cũng như cam dở, quy trình chăm sóc tốt cũng như không tốt đều gắn mác Cam Vinh để đưa ra thị trường. Vậy nên chúng tôi là những người sản xuất lấy chất lượng cam làm tiêu chí hàng đầu, thế nhưng bị tác động tiêu cực bởi những cách làm ngắn hạn, ăn non…”. Ở Quỳ Hợp, ngoài HTX Tấn Thanh, đã có thêm 3 HTX trồng cam được thành lập quy tụ hàng chục hộ tham gia. Mỗi HTX đều đăng ký một nhãn hiệu cam riêng.

Hiện nay, phần lớn các huyện có diện tích cam cũng nhận thức được điều này, và đều cho rằng cần phải đưa nhãn hiệu riêng của từng vùng, địa phương vào sản phẩm cam quả có chung chỉ dẫn địa lý. Ví như vùng cam của huyện Anh Sơn, ở xã Đỉnh Sơn là nơi gắn với tên tuổi cây cam Bãi Phủ. Lãnh đạo xã Đỉnh Sơn và người dân ở đây đã nhận thức cây cam là loại nông sản đem lại hiệu quả kinh tế, vậy nên mong muốn huyện Anh Sơn giúp tái tạo lại nhãn hiệu cam Bãi Phủ.

Còn theo ông Phan Đình Đạt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳ Hợp, để phân khu các vùng cam khác nhau, việc tiến hành thực hiện nhãn hiệu riêng biệt là điều cần thiết, qua đó vừa có thể giám sát, theo dõi quy trình trồng và chăm sóc đáp ứng tiêu chuẩn, vừa buộc các nhà vườn, hộ trồng cam phải áp dụng mọi biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm cam quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Dưới Chỉ dẫn địa lý chung Cam Vinh, là các nhãn hiệu: Cam Quỳ Hợp, cam Yên Thành, cam Nghĩa Đàn, cam Tân Kỳ, cam Hưng Nguyên… Căn cứ vào đó, người tiêu dùng có thể lựa chọn Cam Vinh ở địa phương nào mà họ có nhu cầu. 

Phải rõ vai trò của hiệp hội và Nhà nước

Cho đến nay người trồng cam vẫn chưa hết bàn luận về Lễ hội cam Cao Phong được tổ chức hoành tráng ở tỉnh Hòa Bình. Và không ít người mong mỏi “giá như Cam Vinh có một ngày hội như Ngày hội hoa hướng dương sắp sửa diễn ra trên đất Phủ Quỳ. Cái đích của “giá như…”, là mong muốn việc giới thiệu, quảng bá cho Cam Vinh được tốt hơn. 

Giống cam Xã Đoài lòng vàng được trồng nhiều ở Yên Thành.

Theo thống kê chưa đầy đủ, bình quân mỗi năm Nghệ An sản xuất và đưa ra thị trường hàng chục ngàn tấn cam tươi. Số lượng hàng chục ngàn tấn cam này được tiêu thụ bởi tư thương là chủ yếu. Lý do một phần bởi người nông dân chưa biết làm thị trường và không có khả năng để quảng bá thương hiệu; mà, hoạt động này chỉ có thể thực hiện nếu có sự vào cuộc của hiệp hội và các cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên, vai trò của các “thành phần” này còn mờ nhạt.

Từ năm 2008, Hiệp hội Cam Vinh đã ra đời. Dù đã có một số những thành quả như tham gia góp phần giúp cho Cam Vinh có tiếng tăm trên thị trường; người trồng cam nâng cao được giá trị sản xuất, tuy nhiên, như Chủ tịch Hiệp hội Cam Vinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Xuân Thành - ông Hoàng Minh nói, thì hiệp hội đang “có rất nhiều bất cập”, “có danh mà không có thực”.

Để giải quyết những vấn đề liên quan đến Cam Vinh, theo ông Hoàng Minh, tỉnh cần phải kiện toàn lại hiệp hội và ban hành quyết định cụ thể để sắp xếp, bố trí giao trách nhiệm cho các thành viên cụ thể. Ngoài ra, cần hình thành các tổ chức hội ở các địa phương có cây nông sản này. Thông qua tổ chức hội cơ sở, người trồng cam sẽ có cơ hội để giao lưu học hỏi lẫn nhau, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất; liên danh, liên kết để tạo ra chuỗi giá trị đầu - cuối. Khi hiệp hội đảm bảo đủ các yếu tố cần thiết, sẽ kết nối các vùng, các hộ trồng cam tham gia vào các khâu, quy trình sản xuất; góp phần cùng cơ quan Nhà nước giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà Cam Vinh đang gặp phải như: thị trường, quảng bá thương hiệu…

Về vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, dù đã có sự quan tâm đến cây cam nhưng chưa đủ để nâng tầm thương hiệu Cam Vinh tiến xa so với giá trị thực. Rất nhiều người ở tỉnh đã được nghe, được thấy về Cam Cao Phong và lễ hội cam do tỉnh Hòa Bình tổ chức. Và đều có chung nhận xét, chất lượng Cam Cao Phong dù thua sút Cam Vinh, nhưng đã có được doanh nghiệp lớn bao tiêu sản phẩm, được bảo lãnh chất lượng… Sở dĩ như vậy là nhờ tỉnh Hòa Bình quan tâm công tác quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Qua đó có thể hiểu, vai trò cơ quan quản lý nhà nước là hết sức quan trọng. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là cấp tỉnh cần nghiên cứu để có các giải pháp quản lý thị trường, tìm kiếm đối tác lớn, ổn định để tiêu thụ sản phẩm và thực hiện chiến lược quảng bá thương hiệu.

Các vùng cam ở Nghệ An có thể gắn với các sự kiện văn hóa, du lịch để nâng tầm giá trị.

Về việc quảng bá thương hiệu, Nghệ An thường có các sự kiện lịch sử văn hóa, lễ hội lớn. Tại đây, có thể lồng ghép, giới thiệu các đặc sản địa phương trong đó có Cam Vinh. Hiện nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật (Sở KH&CN Nghệ An) đã nghiên cứu, chuyển giao được một hoạt chất enzim bảo quản cam quả vô hại với sức khỏe con người và môi trường; giữ được cam chín vào mùa Đông nhưng đảm bảo thơm ngon giữa mùa Hè. Chính vì vậy, Cam Vinh hoàn toàn có thể có mặt tại các lễ hội, sự kiện lịch sử văn hóa diễn ra mà không đúng vào mùa cam chín. 

Cũng liên quan đến công tác quảng bá thương hiệu cho Cam Vinh, ngoài khía cạnh kinh tế, cần nên xem Cam Vinh là một sản phẩm du lịch; các vùng cam là những địa chỉ du lịch khi hệ thống giao thông khu vực miền Tây Nghệ An hiện đã rất thuận lợi. 

Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông: “Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tiến hành khảo sát và tài trợ cho 5 hộ trồng cam ở xã Yên Khê thực hiện chuỗi giá trị, từ quy trình canh tác đến khi chế biến sản phẩm cuối cùng. Theo đó, vào mùa cam năm 2017 huyện Con Cuông sẽ có các sản phẩm như rượu cam, cam ép…”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh