Người đưa giống cam Vinh về trồng dưới chân núi Con Voi
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 15:01 - 14/10/2016
Mạnh dạn đầu tư
Thời điểm này cam đang trĩu quả, báo hiệu một năm thu hoạch khấm khá, trao đổi với ông trong ngôi nhà cấp 4, mái ngói khang trang, được biết ông là Bùi Thanh Quyên (1939) tóc đã bạc, những nếp nhăn đã lộ rõ, nhưng nhìn những bước đi của ông vẫn còn khoẻ lắm.
Ông Bùi Thanh Quyên chia sẻ với PV
Khi biết mục đích chúng tôi đến gặp ông, ngay lập tức ông đưa chúng tôi mục sở thị vườn cam trĩu quả của gia đình, ông Quên chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi có trồng mấy khóm măng bát độ, nhưng không hiệu quả, măng không bán được. Năm 1976, khi lên đây theo lời kêu gọi di dời dân của nhà nước, tôi có mang theo một số giống cam ở quê lên trồng, trong đó cây cam Đường cho sai quả, nhưng khi chín quả không mọng, không có nhiều nước”.
“Năm 2010, tôi quyết định xuống Hưng Yên để tìm hiểu về kỹ thuật trồng cam, qua học hỏi sao cây cam Đường của mình trồng cho quả không có nhiều nước. Nông dân trồng cam dưới Hưng Yên nói chắc do tôi không tưới nước cho cây thường xuyên và chăm bón không đúng cách, quả nhiên đúng như vậy. Khi về tôi có lấy thêm một số giống cam khác về trồng thí điểm, hơn một năm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật của bà con dưới Hưng Yên hướng dẫn nhận thấy cây cam Vinh phát triển rất tốt, thích nghi với khí hậu, đất đai nơi này và đã cho thu hoạch” – ông Quên cho biết thêm.
Những cây cam được ông chăm sóc rất kỹ cho ra rất nhiều quả
Với những thành quả đạt được ban đầu, năm 2014, ông Quyên bàn với gia đình đầu tư khoảng 400 triệu phá bỏ những khóm măng bát độ mở rộng diện tích, xuống Hưng Yên để lấy cây giống về trồng với diện tích khoảng hơn 2ha. Sau khi được trồng và chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật chỉ sau 1 năm đồi cam Vinh của ông cho sai quả và quả rất to. Năm đầu cây cam cho ra quả lúc đó giá thị trường dao động từ 50 - 60 nghìn/kg,nhưng ông khống bán mà để cho gia đình ăn và biếu hàng xóm, mặt khác cũng là để lấy thương hiệu.
Hứa hẹn một mùa bội thu
Ông Quyên chia sẻ, ngoài trồng chủ lực là cam Vinh, gia đình ông còn trồng thêm các loại cây ăn quả khác như: bưởi diễn, dưa hấu, chanh đào,... Riêng dưa hấu năm 2015, gia đình ông trồng năm đầu tiên xen kẽ giữa cây cam bán được hơn 20 triệu đồng.
Theo ông Quyên, trong quá trình chăm sóc cây cam cũng gặp khó khăn về cách chăm bón, cây mắc một số loại bệnh như rầy, mò đỏ, sâu cuốn lá,... Ngoài ra, ông Quyên cũng áp dụng khoa học kỹ thuật xây bể chứa nước và hệ thống tưới tiêu cho hơn 2ha cam Vinh, song nơi trồng cam không tập trung ở một chỗ không liền thửa, nên cũng gặp khó khăn không ít cho khâu chăm sóc.
Ông Quyên rất vui mừng với những thành quả đạt được
Sắp tới ông Quyên sẽ đầu tư thêm vườn ươm giống cây cam Vinh để phục vụ cho bà con trong và ngoài xã. Chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật trồng cây cam Vinh trên đất đồi của gia đình với bà con, ông nói: “Về chăm sóc cây cứ đến tháng 11 âm lịch là phải chăm bón. Cách chăm bón phải đánh cho đất tơi xốp xung quanh gốc cây vơi đường kính 30 - 40 cm. Sau đó bón phân chủ yếu là phân chuồng (tốt nhất là phân trâu) và thêm một ít tro (đốt từ rơm) trộn với nhau. Đặc biệt nếu muốn quả ngọt, thơm thêm một ít đậu tương và ngô xay thành bột trộn với nhau dải xuống xung quanh gốc cây rồi phủ đất lên. Phải chú ý phòng bệnh cho cây, tưới tiêu đầy đủ để cây có dinh dưỡng tốt nhất.
Đến cuối năm nay, với diện tích hơn 2ha và sản lượng ước đạt 2 - 3 tấn sẽ có nguồn thu rất lớn cho gia đình ông Bùi Thanh Quyên - người đã mạnh dạn đưa giống cam Vinh về trồng trên đất đồi của xã Lương Sơn.