THỨ BA, NGÀY 26 THÁNG 11 NĂM 2024 06:48

Bảo vệ trẻ em tại các khu công nghiệp

 

Trẻ bị xâm hại vì sao nhãng của bố mẹ

Tình trạng trẻ em là con của công nhân làm việc tại các khu công nghiệp bị bạo hành, xâm hại không phải là hiếm. Bà Huỳnh Thị Giắc, một cán bộ làm công tác trẻ em tại tỉnh Bình Dương cho biết, ở gần các khu công nghiệp trẻ em bị xâm hại hoặc bạo hành rất nhiều. Con còn nhỏ nhưng bố mẹ đã đưa đi gửi trẻ, thậm chí hết ca bố mẹ vẫn đăng ký làm thêm để trang trải cuộc sống nên không có thời gian quan tâm con. Bố mẹ đi làm nhưng rất lo lắng, không yên tâm khi phải đưa con đi gửi. Theo bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH  tỉnh Bình Dương: “Con của công nhân tại các khu công nghiệp có hoàn cảnh khó khăn hơn con em địa phương. Cha mẹ các em là công nhân, đi làm không có thời gian chăm sóc cho con cái, lại thường xuyên thay đổi nơi ở dẫn đến quản lý rất khó khăn”..

Thực tế, đã có không ít trẻ em sống cùng bố mẹ tại các khu công nghiệp bị bạo hành, xâm hại. Chị Nguyễn Thị A. hiện đang làm việc tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương vẫn luôn dằn vặt và tự trách cứ bản thân khi nhắc lại câu chuyện xảy đến với con mình… Chị là công nhân trong một xí nghiệp dệt may. Vợ chồng anh chị đều quê ở miền Tây di cư tới Bình Dương mưu sinh, phải thuê trọ trong một căn phòng tạm bợ. Ngày tồi tệ ấy xảy ra khi vợ chồng chị đều phải đi làm ca đêm, để con ở nhà một mình. Gã hàng xóm đốn mạt đã lợi dụng sự thiếu cảnh giác của gia đình, lẻn vào nhà xâm hại cháu nhỏ. Khi anh chị biết chuyện, thì hành vi này đã được gã đồi bại thực hiện không chỉ 1 lần… “Mình nghĩ rằng mình xa quê lập nghiệp chỉ vì con mà giờ con bị như vậy, đúng là lúc đó không biết kiếm tiền để làm gì. Lúc nào cũng day dứt. Quá muộn màng, mà nó đau đớn, cắn rứt tới khi nhắm mắt vẫn thấy thương con”, chị A nghẹn nghào chia sẻ.

Nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực đang là một thực trạng báo động ở các vùng có mật độ khu công nghiệp lớn. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương: Năm 2016, trên địa bản tỉnh có hơn 30 trẻ em bị xâm hại và bạo lực, phần lớn các em là con các gia đình nhập cư, công nhân lao động. Một trong những giải pháp để tháo gỡ vấn đề này là giúp lao động nhập cư tìm nơi an toàn để gửi con em mình, nhất là trẻ ở độ tuổi mầm non.

Các em nhỏ học tại Trường mầm non tư thục Hài Mỹ được miễn phí hoàn toàn.

Mô hình trông trẻ miễn phí cho con công nhân tại khu công nghiệp

Thực tế, hiện nay, số lượng trường mầm non chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tại các cụm, khu công nghiệp. Để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương đã triển khai mô hình trường mầm non cho trẻ em là con các gia đình công nhân, do doanh nghiệp xây dựng và chịu sự giám sát của chính quyền địa phương. Mô hình này nằm trong Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020” do Chính phủ ban hành. 11 trường mầm non đã đi vào hoạt động, các lớp học được tổ chức thường xuyên, nhận trông giữ trẻ cả trong và ngoài giờ theo ca làm việc của cha mẹ. Phần lớn chi phí học tập và sinh hoạt của các em đều do doanh nghiệp chi trả.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng cho biết thêm, để giải quyết vấn đề thiếu nhà trẻ cho con em của công nhân tại các khu công nghiệp, Bình Dương đã triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”. Cán bộ Hội liên hiệp phụ nữ phối hợp ngành GD&ĐT, LĐ-TB&XH khảo sát một số cơ sở trông trẻ ngoài công lập, nếu cơ sở nào có đủ điều kiện sẽ được  hỗ trợ xây dựng thành điểm trường mầm non. Phòng GD&ĐT sẽ cử 1 hiệu trưởng công lập hàng tuần đến các trường ngoài công lập để quản lý về chuyên môn. Còn chính quyền địa phương quản lý về lĩnh vực hành chính. 

Trường mầm non tư thục Hài Mỹ là một trong những trường mầm non nhận được sự hỗ trợ của Đề án. Cô giáo Đỗ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng trường mầm non Hài Mỹ cho biết: “Từ khi thành lập trường chỉ là 70 bé bây giờ đã lên tới 400 bé. Số lượng trẻ gửi tăng nhanh điều này chứng tỏ phụ huynh rất tin tưởng trường, mang lại sự yên tâm để phụ huynh làm việc”.

Các em nhỏ học tại tường mầm non tư thục Hài Mỹ được miễn 100% học phí. Đây là điều kiện thu hút trẻ đến học, giúp cha mẹ yên tâm làm việc. Mô hình cũng góp phần đảm bảo an toàn cho con em trong các gia đình công nhân tại các khu cộng nghiệp. Việc hình thành các khu công nghiệp, tập trung nhiều người lao động là nhu cầu tất yếu của quá trình phát triển. Tuy nhiên đi đôi với sự phát triển này cần đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng các nhu cầu cuộc sống của công nhân và bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em tại các khu công nghiệp. Trách nhiệm này thuộc về các địa phương khi xây dựng khu công nghiệp.   

VI THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh