THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:07

Tìm đầu ra cho nông sản người nghèo

 

Người dân miền núi vẫn giữ thói quen sản xuất tự cung tự cấp nên gần như không có hàng hóa bán. Khi tham gia phát triển sản xuất hàng hóa thì nỗi lo: được mùa – mất giá luôn thường trực nên việc vận động người dân tham gia sản xuất lớn, tận dụng lợi thế địa phương gặp nhiều khó khăn.

Hướng dẫn người dân thực hành sản xuất các loại nông sản ngay trên đồng ruộng

 

Sau khi thu hoạch lạc, các hộ gia đình ở xã Hóa Hợp, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đều đầy ắp lạc và điều khiến người dân quan tâm nhất vẫn là giá lạc. Lạc được mùa, người dân chưa kịp mừng thì việc thương lái thu mua với giá thấp khiến nhiều người dân không còn mặn mà với việc trồng lạc dù mảnh đất nơi đây, cây lạc được xác định là cây chủ lực.

Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp Nguyễn Thanh Quyết cho biết, thực hiện chủ trương của huyện về mở rộng vùng lạc nguyên liệu, xã vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích và sử dụng giống mới. Toàn xã trồng được 156 ha, đạt 148,6% kế hoạch; năng suất đạt 26 tạ/ha, vượt kế hoạch đề ra; sản lượng đạt gần 410 tấn. Tuy nhiên, giá lạc năm nay giảm mạnh so với năm trước cho nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống của người dân.

Để giải quyết bài toán được mùa, mất giá, bên cạnh việc quy hoạch, phát triển các loại nông sản phù hợp nhu cầu của thị trường thì việc liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã được các địa phương trong tỉnh chú trọng. Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình (SRDP) là “bà đỡ” mát tay cho việc xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, trong đó, có các sản phẩm ở vùng cao. Mô hình liên kết giữa người nông dân huyện Minh Hóa với Công ty TNHH Diến Hồng, có trụ sở tại đây, là một minh chứng sinh động cho cách làm này. Theo Giám đốc Công ty TNHH Diến Hồng Trần Văn Diến, để chủ động nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp tiến hành liên kết nông dân trồng lạc, cung cấp giống, phân bón hữu cơ và bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Với mô hình liên kết này, bước đầu người trồng lạc ở một số nơi tại huyện Minh Hóa yên tâm về đầu ra của cây công nghiệp ngắn ngày này, nhất là vào mùa cao điểm thu hoạch lạc vụ đông-xuân hằng năm.

Dự án Phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo tỉnh Quảng Bình cấp vốn cho người nghèo. 

 

Lãnh đạo Dự án SRDP cho biết, sau 5 năm triển khai, dự án SRDP đã thực hiện được 15 chuỗi giá trị gồm bò, dê, gà, ong, thỏ, ngô, sim, nấm, nghệ, cà gai leo, keo, lạc, lúa, bưởi và dưa lưới tại 40 xã thuộc 6 huyện. Tính đến tháng 8-2018, đã có 230 tiểu dự án CSA của 213 THT, 4 HTX và 13 hộ gia đình được tiểu ban CSA cấp tỉnh và huyện phê duyệt nhận tài trợ. Tổng số hộ hưởng lợi từ các tiểu dự án CSA là gần 2.700 hộ, trong đó có gần 1.930 hộ nghèo, cận nghèo (chiếm 72,4%, cao hơn 2,5 lần về số lượng mục tiêu); đại diện hộ gia đình tham gia là nữ chiếm 63,5% và là người dân tộc thiểu số chiếm 5,5%. Các tiểu dự án cũng đã giúp cho các hộ hưởng lợi có những thay đổi tích cực về tập quán, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng quy mô sản xuất, cải thiện năng suất, chất lượng và thu nhập, đồng thời thực hiện các hoạt động chung trong HTX, THT và liên kết với doanh nghiệp.

Đến nay, chuỗi giá trị ngô và bò được thực hiện hiệu quả ở các vùng khó khăn. Đối với cây ngô, thay vì trồng để lấy hạt như trước đây, căn cứ nhu cầu thị trường đã được trồng lấy thân làm thức ăn cho bò. Nếu trồng lấy hạt, một năm chỉ có hai vụ, còn trồng lấy thân có thể đạt bốn vụ, để cung cấp cho các doanh nghiệp chăn nuôi bò trên địa bàn. Nhờ vậy, giá trị trên một đơn vị diện tích tăng gấp hai lần. Về chăn nuôi bò, thay vì trước đây, nuôi bò sinh sản, dự án xây dựng chuỗi theo hướng bò vỗ béo với chu trình ngắn. Sau khi được tập huấn kỹ thuật, nông dân nhận bò của doanh nghiệp về chăm sóc, ba tháng sau doanh nghiệp thu mua lại sản phẩm. Hiện, bà con ở các huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình tỏ ra hào hứng với cách làm này.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh