THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:17

Hà Nam: Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,24%

 

Để đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, Hà Nam đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi dành cho hộ nghèo để hỗ trợ các gia đình phát triển sinh kế, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương và các Hội, đoàn thể đã triển khai thực hiện chính sách ữu đãi tín dụng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Mô hình nuôi thỏ giúp nhiều hộ ở Thanh Liêm tăng thu nhập.

 

Trong 6 tháng đầu năm có 351 lượt hộ nghèo được vay vốn với doanh số cho vay: 14.902 triệu đồng; 988 lượt hộ cận nghèo được vay vốn với doanh số cho vay: 34.703 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, đã có hàng trăm hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo; có 27 lượt sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với tổng doanh số cho vay 209 triệu đồng.

Thực hiện chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, giúp người nghèo có được tay nghề cần thiết, từ đó một bộ phận hộ nghèo có việc làm tại chỗ và cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo, trong 6 tháng đầu năm 2018, đã đào tạo khoảng 60 lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo là 120 triệu đồng.

Để người nghèo được chăm sóc tốt về sức khoẻ, khi ốm đau được khám chữa bệnh. Ngành Y tế, LĐ-TB&XH và cơ quan Bảo hiểm xã hội, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ về y tế cho người nghèo. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh thực hiện mua và cấp thẻ BHYT cho 11.007 người thuộc hộ nghèo, với tổng kinh phí là 3.863 triệu đồng; mua và cấp thẻ BHYT cho 24.060 người thuộc hộ cận nghèo, với tổng kinh phí là 8.445 triệu đồng (người thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tình Hà Nam được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT). Số lượt người nghèo được khám chữa bệnh miễn phí là 6.510 người với tổng kinh phí là 4.920 triệu đồng; số lượt người cận nghèo được khám chữa bệnh miễn phí là 9.757 người với tổng kinh phí là 4.020 triệu đồng.

Hỗ trợ về giáo dục và đào tạo là chính sách tích cực nhằm giúp cho con em hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện đến trường, ngành GD&ĐT trong tỉnh đã thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, chính sách hỗ trợ chi phí học tập, chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa và các khoản đóng góp khác cho 15.473 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí miễn, giảm và trợ cấp học bổng là: 11.964 triệu đồng, trong đó có 8.506 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo được miễn học phí với tổng kinh phí là 8.488 triệu đồng; 6.967 học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo được giảm học phí và các khoản đóng góp với tổng kinh phí là 3.476 triệu đồng.

Tặng nhà cho hộ nghèo.

 

Thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các hình thức trợ giúp lưu động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp cho người dân nghèo hiểu được quyền và trách nhiệm của mình trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các thủ tục cần thiết để người nghèo tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo của nhà nước. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, tặng quà cho hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được tỉnh Hà Nam triển khai kịp thời, đúng đối tượng.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến cho biết, trong 6 tháng đầu năm, các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vận động xã hội hóa và lồng ghép từ các chính sách dạy nghề, xây dựng nông thôn mới, các chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh; cơ bản bao phủ được số hộ nghèo, người nghèo và địa bàn xã còn khó khăn, người nghèo tiếp cận được các dịch vụ xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống để các hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Các chính sách, giải pháp giảm nghèo đã được triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống người dân đến tận cơ sở, từng hộ gia đình, mở ra cơ hội cho hàng trăm người nghèo, cận nghèo có vốn sản xuất, có việc làm để tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Nam vẫn còn một số khó khăn tồn tại. Đó là tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người dân được thụ hưởng từ cơ chế chính sách đối với hộ nghèo nên không có ý chí vươn lên thoát nghèo; Chuẩn nghèo thấp, có nhiều hộ đã thoát nghèo nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Hộ nghèo không được đầu tư bền vững, không có nền tảng nghề nghiệp vững chắc mặc dù đã được hưởng các chương trình, chính sách ưu đãi và được tạo điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Thoát ngèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Nhiều hộ đã vượt qua chuẩn nghèo, nhưng thu nhập không đảm bảo trang trải cuộc sống. Việc triển khai Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững còn chậm do phải chờ Hội đồng nhân dân phê duyệt mức hỗ trợ theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo, tỉnh Hà Nam đề nghị các Bộ, ngành cần từng bước đổi mới cơ chế triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, chuyển từ cơ chế tập trung sang phân cấp cho địa phương với sự tham gia tích cực của người dân; chuyển từ hình thức “cấp không” sang hỗ trợ, cho mượn; từ hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo chuyển sang hỗ trợ hộ nghèo, nhóm hộ nghèo và cộng đồng bằng các mô hình sản xuất...; đồng thời, có sự quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cho người dân. Cần có sự phân định và tách biệt rõ ràng nhóm đối tượng cần sự trợ giúp về trợ cấp xã hội như người khuyết tật, người cao tuổi để tránh tình trạng người dân lợi dụng chính sách để tách khẩu, cho cha mẹ, người thân không có khả năng lao động ra ở riêng.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh