THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 09:09

Tìm đâu 'ngọc nữ' sân khấu?

 

 

Đốt đuốc tìm vàng?

Bất ngờ với nhiều khán giả khi nữ diễn viên “bị ghét nhất màn ảnh” Diễm Hương luôn được chọn đóng vai mỹ nhân tài sắc vẹn toàn, số phận bi thương trên sân khấu kịch. Điều này ban đầu khiến cô cũng ít nhiều ngại ngùng. Diễm Hương từng chia sẻ cảm xúc với báo chí khi được giao vai Thúy Kiều: “Kiều qua diễn tả của cụ Nguyễn Du “Một hai nghiêng nước nghiêng thành”. Còn Hương tự thấy mình khi bước ra sân khấu không được như thế mà vẻ ngoài của Hương thuộc diện phụ nữ ghê gớm thì đúng hơn”. Cô kể, chính đạo diễn, NSND Anh Tú đã động viên để cô tự tin vào vai mỹ nhân tuyệt sắc của văn chương Việt: “Theo cháu ngoài cuộc sống có ai đẹp được như Kiều của cụ Nguyễn Du không? Không, đúng không! Vậy cháu cứ tự tin mà làm”. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, NSND Anh Tú cũng lại “bào chữa” cho việc chọn nàng Kiều theo kiểu của mình: Diễn viên Nhà hát cũng đông đấy nhưng để tìm ra được một cô Kiều tài sắc vẹn toàn như tâm tưởng của người Việt quả là “đốt đuốc tìm vàng”. Về chuyện này, có vẻ đạo diễn “Chuyện nàng Kiều” đang đổ lỗi sang khán giả Việt. Ai chẳng biết vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp không có thực, khi Nguyễn Du phóng bút so nhan sắc nàng với mây trời, non nước, hoa lá: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”… Không thể có nàng Kiều như vậy trên trái đất này, chứ đừng nói trong phạm vi diễn viên nhà hát, song khán giả có quyền mặc định người đã đóng Kiều phải đẹp.

Sau khi hóa thành nàng Kiều, Diễm Hương lại được đạo diễn Singapore “chọn mặt gửi vàng” vai Lâm Đại Ngọc, mỹ nhân bạc mệnh trong tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc. NSND Lệ Ngọc tiết lộ ngoài lề: Chính đạo diễn Chua Soo Pong cũng chưa ưng ý với dung nhan nàng Lâm Đại Ngọc của Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng không còn lựa chọn khác. Ưu điểm nổi bật của Diễm Hương theo NSND Lệ Ngọc là “thông minh, diễn xuất tốt”, còn nhược điểm cho vai diễn mỹ nữ đương nhiên là ngoại hình.

Không chỉ Nhà hát Kịch Việt Nam mới khan hiếm “ngọc nữ”, Nhà hát Kịch Hà Nội, vai Tám Bính, người đàn bà đẹp trong “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, được trao cho NSƯT Thu Hà. Mỹ nhân “lá ngọc cành vàng” một thuở cho dù vẫn còn đẹp, cũng đã ngấp nghé tuổi 50, người xem không khỏi đặt câu hỏi: Không hiểu mỹ nữ kế cận Thu Hà đã xuất hiện chưa?

 

NSƯT Thu Hà vai Tám Bính (Bỉ vỏ).

 

Mỹ nhân đã chạy sang nghề khác?

Bàn về nhan sắc diễn viên sân khấu, NSƯT Lâm Tùng, Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng: “Thời điểm nào cũng có người xấu, người đẹp. Có những người ngoài đời không đẹp lắm nhưng lại rất lộng lẫy khi lên sân khấu. Khi người ta có sức hút trời cho, bước lên sân khấu là đã hấp dẫn. Nghệ sĩ thiên về tài năng, đẹp, xấu chỉ dành cho các cuộc thi sắc đẹp. Với nghệ thuật, sắc đẹp chỉ là sự bổ trợ cho tài năng chứ không phải yếu tố chính. Nhà hát không phải đơn vị tuyển người đẹp mà là tuyển nghệ sĩ, vì thế yếu tố tài năng đặt lên hàng đầu”. Tuy nhiên, anh cũng phải thừa nhận: “Tất nhiên, càng đẹp càng tốt, nhưng đẹp mà không biết diễn thì chẳng để làm gì”.

Từng được ví như cặp “tiên đồng - ngọc nữ” trên sân khấu, chính là Quốc Chiêm - Lâm Bằng trong  “Nàng Sita”, vở diễn gây sốt một thời. Rõ ràng, đạo diễn rất chú trọng phần nhìn của khán giả nên mới chọn Lâm Bằng vào vai Sita, mặc dù Lâm Bằng không có giọng ca, phải sử dụng người hát thế. Và khán giả đã phát cuồng với “nàng Sita”, cho dù vẫn râm ran truyền nhau: Nàng ấy không biết hát. Nhưng đặt câu hỏi ngược lại: Nếu nàng ấy hát hay như người hát thế - NSND Thúy Mùi, nhưng lại không có nhan sắc đắm say, liệu “Nàng Sita” có thành cơn sốt một thời? Ai dám chắc. 

Hỏi NSND Lệ Ngọc: “Bà nghĩ sao khi Thúy Kiều, Lâm Đại Ngọc trên sân khấu ta lại có vẻ đuối  sắc?”. Bà cười lớn: Gọi là “ép cung”. Lúc phân vai cực chẳng đã thôi. Vì không còn ai hơn”. NSND Lệ Ngọc còn thừa nhận ngay cả vai Tiết Bảo Thoa trong vở “Hồng lâu mộng” vừa qua cũng không chọn được diễn viên ưng ý về mặt hình thức. Diễn viên vừa đẹp, vừa tài hay nói cách khác diễn viên sở hữu cả thanh lẫn sắc, không dễ tìm ở nhà hát trong thời buổi này.

 

Nàng Kiều (Diễm Hương đóng) trên sân khấu.

 

NSND Lệ Ngọc lí giải tình trạng thiếu “ngọc nữ” sân khấu: “Người đẹp có tài đi làm nghề khác, họ không làm nghề này vì đồng lương quá ít ỏi, không thể sống chết vì nghệ thuật như thời chúng tôi được. Bọn tôi đã hy sinh cả cuộc đời, 40 năm trên sân khấu rồi, với đồng lương chết đói, nhưng bây giờ các cháu không cần sống vì nghệ thuật, lúc nào các cháu còn ở đây (nhà hát) thì mình còn mừng, còn các cháu không ở nữa thì cũng không làm gì được”. Theo bà, những diễn viên kém sắc vẫn phải vào vai mỹ nhân cũng là một cực hình: “Họ khổ lắm chứ nhưng cũng đành phải làm thôi”.

Nhà phê bình Ngô Thảo, người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sân khấu, từng hai nhiệm kỳ là Phó tổng thư ký thường trực Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đồng quan điểm với NSND Lệ Ngọc: “Trước đây, những người có tài có sắc thường lựa chọn nghệ thuật làm nghiệp. Vì lúc bấy giờ xã hội còn trọng vọng nên họ sống được. Ngày nay nghề này không nuôi sống được bất cứ ai. Diễn viên trong Nam ngoài Bắc đời sống đều thấp. Những người làm nghệ thuật truyền thống, tuồng, chèo, cải lương, đời sống rất thấp, kịch cũng thấp, không ai dại gì cho con cái vào những ngành đó cả. Cho nên nghệ thuật truyền thống không tuyển được người có nhan sắc, mặc dù xưa kia, nhan sắc là một tiêu chuẩn, dù gì cũng cần phải có sắc thì thanh mới phát huy được, có thanh mà không có sắc thì hát phía sau”.

Nhà phê bình tổng kết: “Nghề gì kiếm sống được thì tất cả những người tài năng đều xông vào. Lời kêu gọi của cuộc sống luôn tạo thành dòng chảy không cần tuyên truyền mà vẫn đầy sức hút. Còn sân khấu bây giờ như dòng kênh trễ nải, không ai thông minh mà nhảy vào đó cả. Không lấy gì làm lạ nếu các đoàn nghệ thuật bây giờ không còn có những người vừa có thanh, vừa có sắc. Ngay tại các cuộc thi tài năng trẻ mới diễn ra, tìm được những người có thanh, có sắc cũng hiếm vô cùng”.

Tiến sĩ Phạm Chí Thành, Trưởng khoa kịch hát dân tộc, ĐH Sân khấu Điện ảnh, cũng công nhận một sự thật, đi tìm mỹ nhân trên sân khấu thời nay quá khó: “Trào lưu, sở thích của lớp trẻ đi vào sân khấu không được như xưa, nên để tuyển lựa khó hơn, không được người toàn diện”. Tuy nhiên, theo tiến sĩ phần sắc trên sân khấu có kém chút vẫn có thể chấp nhận: “Sân khấu ở xa, sắc hơi yếu có thể khắc phục, không giống như điện ảnh. Còn hơn có sắc mà không có thanh thì cực khó khắc phục”. Thôi thì giữa hai thứ hại, chọn thứ bớt hại hơn, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” vậy.         

ĐÀO NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh