CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:05

NSND Anh Tú: Sân khấu mãi là thánh đường

 

* Anh suy nghĩ gì về tình hình sân khấu hiện nay. Bản thân anh - một diễn viên thành danh, một nhà quản lý phải chịu những áp lực gì khi dựng vở mới?

- Sân khấu đang khó khăn thì ai cũng biết nhưng tôi thấy, nếu có kịch bản hay, dàn dựng tốt cộng với thiên thời địa lợi nữa thì cũng dễ thành công. Ở đâu cũng thế thôi, món ăn mà khán giả không bao giờ chán là những vở chính kịch lay động lòng người. Khán giả càng xa mình thì mình càng phải cố gắng, chứ làm  ẩu thì... chết. Với tôi, sân khấu đã, đang và mãi mãi là một thánh đường, nhưng không phải một thánh đường khô khan. Tôi muốn ở thánh đường đó, tín đồ kéo đến đông như hội. Tôi chỉ chịu áp lực duy nhất: Những gì mình làm có chinh phục được khán giả và người trong nghề hay không. 

 

NSND Anh Tú. 

 

* Có ý kiến cho rằng, trong tình hình hiện nay, sân khấu buộc phải xã hội hóa. Theo anh, sân khấu Bắc có thể đi theo phương thức xã hội hóa như TP Hồ Chí Minh được không?

- Theo tôi, sân khấu Bắc vẫn làm được xã hội hóa nhưng phải có sự giúp đỡ của nhà nước, cụ thể là phải có rạp diễn, mà cái này vượt khỏi khả năng của cá nhân hay doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ có thể thuê vài ba nhà văn hóa, trong khi công năng của nó không dành cho sân khấu. Ngay cả những sân khấu tư nhân trong TPHCM cũng thuê nhà văn hóa, rồi cải tạo lại, nói gì thì nói độ chuyên nghiệp vẫn không cao, vì sân khấu chưa đúng chuẩn, chưa nói đến chuyện họ chỉ cho thuê 10, 15 năm,  sau đó mời anh... chuyển. Diễn như thế, chúng ta chưa thể phát huy được hết sức mạnh của sân khấu. Tôi thấy cũng lạ, chúng ta giải phóng đất nước đã lâu, phát triển về kinh tế, cơ sở hạ tầng cao, nhưng một cái rạp diễn dành cho sân khấu với đúng chức năng thì chưa có, thậm chí nhiều rạp biến mất thành chỗ bán đồ nội thất, bia hơi.

* Anh có khó tính quá không khi cho rằng chúng ta chưa có rạp diễn đạt chuẩn, bởi ở Hà Nội, rất nhiều sân khấu gần nhau và được tu sửa cách đây không lâu?

- Chúng ta có nhiều rạp nhưng những rạp này không thực sự đúng chuẩn sân khấu mà người làm nghề mơ ước. Rạp diễn của Nhà hát kịch Việt Nam đã quá nhỏ bé lại nhếch nhác thật không xứng với danh xưng là Anh cả đỏ trong làng sân khấu với 65 năm tuổi đời vinh quang. Rạp diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ cũng đã quá cũ rồi. Có những sân khấu mới được xây dựng hay tu sửa nhưng khi diễn vở mới thì thiếu đủ thứ.  Đối với người làm nghề và khán giả thì Nhà hát Lớn vẫn là một điểm diễn lý tưởng song nơi đây chỉ có vẻ sang trọng chứ công năng thực sự lại không dành cho sân khấu mà phù hợp hơn với các chương trình âm nhạc.

* Theo anh, xã hội hóa tác động thế nào đến sự khác nhau giữa diễn viên sân khấu Bắc và Nam?

- Ở TP Hồ Chí Minh, các diễn viên bị khai thác nhiều quá, tối diễn kịch, ngày đi đóng phim, cứ triền miên như thế cũng đâu phải tốt. Sức người có hạn, nhất là sức để diễn xuất càng có hạn. Nếu cứ bay sô thì khó chăm chút cho vai diễn của mình. Diễn viên ngoài Bắc cũng nhiều người đi sô, đóng phim, lồng tiếng, nhưng hễ có vai trên sân khấu thì toàn tâm toàn ýý cho kịch. Làm nhiều, bị phân tán, sức lực lại có hạn thì rõ ràng là không tốt bằng làm ít nhưng tập trung. Tuy nhiên, làm ít quá cũng dở. Như tôi, buổi sáng dựng kịch cho một nơi, chiều đi dạy, chiều tối lại dựng, đêm đi diễn. Có giai đoạn, tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim truyền hình, có đoàn phim vì tôi mà sẵn sàng thay đối bối cảnh và các thứ khác song tôi đều phải từ chối vì muốn dành công sức cho sân khấu. Thú thật, tôi cũng đấu tranh nhiều lắm bởi đóng phim truyền hình thù lao cao, vài chục đến hàng trăm triệu trong một, hai tháng là bình thường nhưng không tham quá được. Tôi có được ngày hôm nay là nhờ sân khấu nên tôi muốn dốc sức cho sân khấu chứ không thể mải mê kiếm tiền.

* Nhưng sân khấu hiện nay, như anh nói là đang rất khó khăn, các Nhà hát có mấy khi sáng đèn?

- Lứa nghệ sĩ tụi tôi quen năng động, chứ không ngồi chờ ngân sách. Khi rảnh, chúng tôi tranh thủ nghĩ ra kế hoạch của riêng mình. Phải tự nghĩ ra việc cho mình và cho anh em, như thế mọi người mới gắn kết được với nhau.

 

 

* Để tìm được nguồn vốn từ xã hội hóa, anh phải mất bao lâu?

- Việc này không dễ, cách đây đã lâu, tôi gửi dự án mang tên “Giọt lệ giữa không trung” đi các nơi nhưng chờ đợi mãi mà càng thấy mù mịt, có khi họ vứt vào sọt rác rồi cũng nên. Dự án của tôi là chuyển những trích đoạn tuồng, chèo  hay nhất thành nhạc kịch, kịch hình thể và múa đương đại. Cái này, tôi lấy cảm hứng từ câu thơ: “Trái đất ba phân tư nước mắt. Đi như giọt lệ giữa không trung”. Hàng ngày, theo dõi tin tức, tôi thấy trái đất của chúng ta chẳng bao giờ yên bình, chỗ này động đất, chỗ kia bị đánh bom, khúng bố. Và tôi nghĩ đến những tích tuồng cổ của ta như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Đổng Kim Lân, Khương Linh Tá….  đầy tính nhân văn cao cả, lòng nhân ái. Tôi thấy, những tích này rất hay song khán giả của sân khấu truyền thống hiện nay ít quá nên mình thử sử dụng ngôn ngữ khác cho trẻ trung xem sao. Kiểu này, thế giới làm nhiều rồi, họ không giữ nguyên classic nữa mà phá cách đi. Nhưng cái này ngân sách không cấp nên phải tìm tài trợ. Gửi đi, ai đọc cũng khen hay nhưng tất cả đều từ chối. Xin tài trợ, như người đi câu ấy, có cái mình làm luôn được, có cái phải biết chờ đợi.

* Điều gì khiến anh tâm huyết với ý nghĩ, thế giới vẫn còn quá nhiều nước mắt?

- Tôi thấy, cuộc sống hàng ngày vẫn còn đói nghèo và nhiều điều phi lý. Người nghệ sĩ trước hết phải là công dân tốt. Ở Hà Nội, chưa nói đến ngoại thành, chỉ cần ra khỏi trung tâm thôi, đã thấy  cuộc sống “nhếch nhác” rồi. Chúng tôi đi diễn cho trẻ em bị nhiễm HIV, chúng xem mà không khóc, chỉ cười làm mình rớt nước mắt. Thân phận mình nhỏ bé, không thể thay đổi được điều gì to tát thì lo làm nghệ thuật cho tốt vậy.

* Có phải chính vì thế mà anh thích dựng kịch kinh điển ở thời buổi mà hài kịch đang lên ngôi? Có vở nào anh muốn dựng mà chưa có cơ hội?

- Tôi muốn dựng các tác phẩm kinh điển để dàn viễn viên trẻ có cơ hội thử sức, bộc lộ được tài năng và thiếu sót của mình. Mà nếu không dựng kịch kinh điển thì khán giả sẽ thiệt thòi, không được thưởng thức tinh hoa nghệ thuật thế giới. Tôi mong muốn được dựng lại vở “Vũ Như Tô”. Tầm tư tưởng của vở diễn khiến “Vũ Như Tô” chắc chắn có một sức sống lâu bền trên sân khấu. Ở vị trí của một diễn viên, nhân vật Vũ Như Tô cũng là vai diễn ám ảnh tôi nhiều nhất, tác động đến con người tôi lớn nhất. Nói thực lòng, tôi đã may mắn được trưởng thành nhờ Vũ Như Tô, cả về nghề nghiệp lẫn nhân cách.

* Còn một vở chính kịch mới ở thời đại mà chúng ta đang sống đây?

- Quả thật sân khấu đang cực hiếm những tác phẩm mới mang hơi thở cuộc sống. Tôi luôn tìm kiếm những người viết trẻ với những kịch bản có cái nhìn mới song điều này thực sự khó. Sân khấu đôi khi cần những cái nhỏ thôi song phải có giá trị, không nhất thiết cái gì cũng phải to tát, hoành tráng. Có những vở diễn tôi dựng rất đơn giản, chỉ quanh quanh hỉ, nộ ái ố, bạn bè nhưng lay động lòng người. Đề cập đến vấn đề lớn là cần thiết nhưng đừng quên những cái nhỏ mà ý nghĩa.

* Nhìn anh suốt ngày lăn lộn với sân khấu, thật khó tin là đã có thời gian anh định bỏ kịch để đi... buôn?

- Có thời sân khấu khó khăn, nhiều nghệ sỹ chuyển qua kinh doanh và không ít người thành công.  Lúc đó tôi đã ba mươi mà chưa có gì trong tay nên nghĩ phải làm cái gì đó và quyết định hùn vốn mở nhà hàng. Khi ấy, tôi quyết chí lắm, nếu kinh doanh thành công sẽ rời nghiệp diễn. Song tôi đã quá ngây thơ, thương trường là chiến trường, mà tôi không phải là chiến binh giỏi trên mặt trận này. Nhà hàng làm ăn ế ẩm khiến tôi buộc phải bỏ cuộc với một gánh nợ trên vai. Mẹ và những người thân đã phải bán đồ đạc để trả nợ giúp tôi trong mấy năm trời. Thất bại trong việc kinh doanh khiến tôi hiểu ra rằng, sân khấu mới là máu thịt và cuộc sống của mình.

KIM NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh