Tiêu hủy - Biện pháp tối ưu để kiểm soát thuốc lá nhập lậu
- Huyệt vị
- 22:46 - 16/10/2017
Lực lượng chức năng bắt giữ thuốc lá nhập lậu.
Buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp
Việt Nam là quốc gia có đường biên giới đất liền dài hơn 4.550km, giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đây là một thuận lợi trong phát triển giao thương với các nước. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu, trong đó có buôn lậu mặt hàng thuốc lá điếu, lợi dụng đặc thù biên giới này để hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo thống kê của tổ chức International Tax and Investment Center và Oxford Economics, trong 3 năm 2012, 2013 và 2014, có đến 61,2 tỉ điếu thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam.
Tại các tỉnh biên giới phía Nam, nhất là từ Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang, dù các lực lượng chống buôn lậu như: Bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường luôn nỗ lực, song tình hình buôn lậu thuốc lá điếu chỉ tạm lắng trong thời gian ngắn. Những tháng gần đây, hoạt động buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu nóng trở lại. Đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu gần như công khai, thách thức các nỗ lực chống buôn lậu vì buôn thuốc lá có lãi gấp 4-5 lần số vốn. Vì siêu lợi nhuận nên các đối tượng buôn lậu thuốc lá không chỉ mang vác, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ như lâu nay mà dùng cả ô tô, taxi, xe tải, thậm chí xe biển xanh hóa giá từ cơ quan nhà nước.
Tình trạng đối tượng buôn lậu thuốc lá tổ chức thành nhóm điều khiển xe máy chở hàng lậu di chuyển trên đường với tốc độ cao, gây tai nạn giao thông cho người dân gây bất bình trong dư luận.
Tình trạng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vào với số lượng ngày càng tăng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước như gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách. Năm 2012, con số thất thu thuế khoảng 6.500 tỉ đồng, sang năm 2013 là 6.700 tỉ đồng và mấy năm gần đây, con số lên đến khoảng 10.000 tỉ đồng/mỗi năm.Tại phía Bắc, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giớidiễn ra chủ yếu tại các tỉnh: Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai. Tại địa bàn miền Trung, buôn lậu chủ yếu diễn ra ở các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Trị…Trên tuyến biên giới Tây Nam, tình hình nghiêm trọng chủ yếu diễn ra tại các tỉnh: Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ chuẩn bị đem tiêu hủy
Riêng tỉnh Long An, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ vận chuyển, buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá nhập lậu.Đây là điểm nóng về buôn lậu trên biên giới với Campuchia. Chỉ riêng thuốc lá, từ đầu năm đến nay, các lực lượng của tỉnh Long An đã phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ vận chuyển, buôn lậu và tiêu thụ thuốc lá nhập lậu, trong đó tịch thu và tiêu hủy hơn 1,3 triệu gói thuốc lá các loại. Một trong những khó khăn đối với công tác chống buôn lậu ở Long An là một số mặt hàng do nước ngoài sản xuất đối với Việt Nam là hàng cấm nhưng đối với Campuchia lại được buôn bán tự do.
Tiêu hủy - một trong những biện pháp kiểm soát thuốc lá nhập lậu
Để công tác phòng chống tác hại thuốc lá nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng được kiểm soát có hiệu quả, ThS, BS Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng: “Chính phủ và các bộ ngành cần có chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, công an kiểm soát nghiêm ngặt thị trường nội địa. Theo đó, bắt toàn bộ thuốc lá nhập lậu tại các của hàng và phạt thật nặng, có vậy công tác chống buôn lậu mới hiệu quả. Thực tế những năm 1990, Chính phủ đã ra quyết định, bắt và phạt thật nặng các cửa hàng bán thuốc lá lậu, sau một thời gian tình trạng nhập lậu giảm đi rất nhiều. Vì vậy, Chính phủ nên cân nhắc việc cấm tất cả công chức dùng thuốc lá nhập lậu và bắt giữ thuốc lậu ở các cửa hàng bán lẻ. Đối với công tác xử lý, từ trước tới nay vẫn thực hiện phương pháp tiêu hủy thì Chính phủ nên tiếp tục thực hiện phương pháp này để đảm bảo kiểm soát thuốc lá nhập lậu được tốt hơn”.
WHO khuyến cáo Việt Nam tiếp tục tăng thuế thuốc lá để tăng thu ngân sách cho Chính phủ và giảm tiêu thụ sản phẩm độc hại này, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời với biện pháp tăng thuế thuốc lá, Chính phủ cần đẩy mạnh phòng chống thuốc lá nhập lậu như đã nêu ở trên.
Thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ hầu hết đều được mang đi tiêu hủy.
Để phòng, chống buôn lậu thuốc lá, thời gian tới, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mở nhiều cao điểm, đồng loạt ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm buôn lậu. Phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chống buôn lậu của Bộ Công an với lực lượng chống buôn lậu của hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường, cơ quan thuế và thanh tra ngành trao đổi thông tin tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, tuyến trọng điểm để bắt giữ xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá, tạo thành một mặt trận thống nhất, rộng rải để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ.