CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

Kinh nghiệm quốc tế trong phòng, chống tác hại thuốc lá

 

Trường Sĩ quan Phòng hóa phối hợp với Văn phòng Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) và Phòng Quân y, Cục Hậu cần Binh chủng Hóa học tổ chức tuyên truyền về tác hại của thuốc lá.

 

Gánh nặng do thuốc lá

Hệ lụy của việc sử dụng thuốc lá còn làm gia tăng đói nghèo.Thứ nhất, ở các hộ gia đình nghèo, sử dụng thuốc lá lấy đi một phần ngân sách hộ gia đình mà lẽ ra đã có thể dùng cho những tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, giáo dục, mua sắm tư liệu sản xuất…, là những điều kiện cần thiết giúp họ giảm nghèo.

Thứ hai, người nghèo sử dụng thuốc lá dễ mắc bệnh hơn do điều kiện dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe hạn chế. Khi mắc bệnh, do áp lực kinh tế, họ thường có xu hướng bỏ qua những dấu hiệu sớm của bệnh và chỉ quan tâm khi mọi chuyện đã trở nên quá muộn. Việc điều trị các bệnh như ung thư, tim mạch ở giai đoạn muộn thường có kết quả rất hạn chế, vô cùng tốn kém và thường vượt quá khả năng kinh tế của phần lớn các bệnh nhân nghèo.

Thứ ba, sự suy giảm khả năng lao động, sự thiếu vắng lực lượng lao động chính do ốm đau, mất sớm khiến cho thu nhập của các hộ gia đình ngày càng suy giảm, gánh nặng cơm áo rơi vào phụ nữ và trẻ em. Những đứa trẻ trong những gia đình này sẽ phải bỏ học để bắt đầu lao động kiếm sống từ rất sớm và một vòng xoắy nghèo đói mới lại bắt đầu.

Một trong những tác động tức thời của việc tăng thuế là sẽ khiến một bộ phận những người hút thuốc bỏ thuốc, ngăn cản những người bắt đầu hút thuốc đặc biệt là thanh thiếu niên và người nghèo. Do đó, tăng thuế thuốc lá có thể làm giảm mức độ bệnh tật và tỷ lệ tử vong liên quan đến thuốc lá, giảm đói nghèo. Đồng thời, tăng thuế còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai của đất nước và cải thiện năng suất lao động.

Kinh nghiệm nước ngoài

Phillipines: Năm 2012, chính phủ Philiipines tiến hành cải cách chính sách thuế, theo đó, đặt ra lộ trình để thống nhất một mức thuế năm 2017 và tăng mạnh thuế với các sản phẩm thuốc lá trong 5 năm tới và từ 2018 điều chỉnh thuế hàng năm với mức tăng 4%. Nhờ có cải cách thuế, ngân sách dành cho y tế năm 2014 đã tăng 57% so với mức năm 2013 và số tiền đó giúp chính phủ tăng số hộ nghèo được hưởng bảo hiểm y tế từ 5,2 triệu lên 14,7 triệu gia đình.

Thái Lan: Trong giai đoạn 1994-2012, Chính phủ Thái Lan thực hiện 10 lần tăng thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt thuốc lá của Thái Lan đã tăng từ 65% lên 87% (nếu áp dụng cách tính của Việt Nam thì mức thuế 87% trên giá bán lẻ của Thái Lan hiện nay tương đương 567% thuế theo giá xuất xưởng của Việt Nam). Lợi ích quốc gia này đạt được đó là: Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 59% năm 1991 xuống 41,6% năm 2011. Thu ngân sách chính phủ tăng gấp 3 lần (từ 20 tỷ năm 1994 lên gần 60 tỷ bath năm 2012), trong khi đó sản lượng nội địa vẫn dao động khoảng 2 tỷ bao/năm. Ước tính số ca tử vong sớm tránh được từ việc áp dụng chính sách thuế là khoảng 300.000 người trong giai đoạn 1991 - 2026.

 

Các trường học cần đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến giới trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

 

Nam Phi: Trong các năm 1961-1990 khi giá thuốc lá liên tục giảm, tiêu dùng thuốc lá ở quốc gia này đã gia tăng nhanh chóng từ mức 517 triệu bao lên 1.868 triệu bao. Khi chính phủ tiến hành cải cách thuế, giá thuốc lá bắt đầu gia tăng liên tục; giai đoạn 1990 - 2010, tiêu thụ thuốc lá cũng giảm xuống 1.272 triệu bao.Thổ Nhĩ Kỳ: Thực hiện 3 lần tăng thuế và tăng mức sàn thuế đơn vị năm 2005, 2010 và 2011, giá thuốc lá giai đoạn này đã tăng 195%, những lợi ích mà quốc gia này thu được là: Mức tiêu thụ thuốc lá giảm từ 106,7 tỷ điếu năm 2005 xuống còn 90,8 tỷ điếu vào năm 2011; doanh thu từ thuế thuốc lá của chính phủ tăng 124% (từ 7,1 tỷ lira năm 2005 lên 15,9 tỷ lira năm 2011); ước tính cho thấy tăng giá thuốc lá năm 2010 làm giảm số người hút thuốc tới 590.000 người và cứu sống 340.000 người.

Pháp: Kinh nghiệm của Pháp cho thấy, trong giai đoạn 1980 - 2010, giá tương đối của thuốc lá đã tăng 300%, mức tiêu thụ thuốc lá bình quân trên nam giới trưởng thành đã giảm một nửa, thu ngân sách của chính phủ tăng 2 lần và tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới trưởng thành giảm rõ rệt.

 

Thông điệp trong ảnh.

 

Việt Nam: Việc sử dụng thuốc lá đang là vấn đề đáng báo động. Theo số liệu của Bộ Y tế, hiện số người hút thuốc ở nam giới tuổi trưởng thành khoảng 15 triệu, chiếm khoảng 42,7%, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc. Việt Nam có hơn 40.000 người chết mỗi năm.

Nhận thức rõ nguy cơ của thuốc lá đối với vấn đề sức khỏe của cộng đồng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chương trình, biện pháp để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá, hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường không khói thuốc, góp phần giảm bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho người dân. Chúng ta đã điều chỉnh thuế về một mức năm 2006 và tăng thuế năm 2008, thực tế đã chứng minh tiêu dùng thuốc lá giảm vào năm 2008 (3.897 triệu bao năm 2007 xuống còn 3,571 triệu bao năm 2008), trong khi doanh thu thuế thu được từ 2008 cao hơn so với 2007 là hơn 1.000 tỷ đồng.

Nỗ lực từ Chính phủ và cộng đồng xã hội đã bước đầu làm chuyển biến nhận thức và hành vi về vấn đề sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, kết quả trên thực tế còn nhiều hạn chế và công cuộc kiểm soát phòng ngừa tác hại của thuốc lá, bảo vệ sức khỏe nhân dân còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể, cá nhân trong công cuộc phòng, chống tác hại của thuốc lá.

LÊ KIM NGÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh