CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:20

Kiểm toán "khui" nhiều vấn đề tại các DN Nhà nước

 

Lãng phí vốn lớn khi đầu tư bất động sản

Tuần vừa qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã công bố  Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014. Trong đó KTNN đã khui ra rất nhiều vấn đề cân đối ngân sách, tài chính và quản lý vốn tại các DN có vốn của các Tập đoàn (TĐ), Tổng Công ty (TCT) của Nhà nước.

KTNN khẳng định, nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, một số đơn vị xóa nợ khi chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải trả chưa thu hồi được vốn cho Nhà nước.

Tổng Công ty HUD đang "sa lầy" với nhiều dự án bất động sản


Đặc biệt, nhiều TĐ, TCT quản lý và sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn, thua lỗ; mua sắm thanh lý tài sản không đúng quy định. Nhiều đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả vẫn kéo dài.... Hầu hết các TĐ, TCT có hoạt động đầu tư bất động sản còn dự án chậm tiến độ, số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí lớn. Có thể kể đến như Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) có 3 dự án, Petro Vietnam 4 dự án, Vinalines 1 dự án…

Theo KTNN, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2014 của nhiều doanh nghiệp giảm mạnh, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giảm 10,45%, Vinaconex giảm 3,3%, Tổng công ty Lâm nghiệp giảm 3,5%, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP Hồ Chí Minh giảm 2,64%... Trong đó, đáng chú ý là các công ty thua lỗ như Vinalines 3.478 tỷ đồng, Tổng CT 15 lỗ 471 tỷ đồng, Mía đường II lỗ 15,18 tỷ đồng...

Nhiều TĐ, TCT quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Trong đó có MobiFone có 312,8 tỷ đồng (chiếm hơn 30,4% nợ phải thu); Công ty VNPT-Global 14,39 tỷ đồng, Hapro 376 tỷ đồng, Tổng Công ty Hóa chất dầu khí 110 tỷ đồng; Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) 86 tỷ đồng...

Từ 2017, Chính phủ dừng cấp bảo lãnh dự án

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, thông tin, báo cáo đối với các dự án được Chính phủ bảo lãnh.

Ảnh minh họa.

 

Đối với những dự án bảo lãnh kém hiệu quả, Thủ tướng phải yêu cầu báo cáo định kỳ và giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể.

Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ lưu ý: Trong năm 2016, xem xét kỹ các dự án ngay từ giai đoạn phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh để hạn chế dần bảo lãnh Chính phủ. Từ năm 2017, tạm dừng phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công. Trường hợp đặc biệt cấp thiết, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cấp bảo lãnh Chính phủ đối với từng trường hợp cụ thể”.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến 31/12/2015, tổng số cam kết bảo lãnh Chính phủ là gần 26 tỷ USD, trong đó bảo lãnh vay nước ngoài hơn 21,8 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 84%. Tổng số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh đến thời điểm trên là khoảng 21 tỷ USD. Con số này chiếm khoảng 17,8% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.

Công ty đa cấp MLM bị rút giấy phép

Tuần qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã chính thức tuyên bố thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam.

MLM liên tục bị phạt hành chính vì vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp thời gian gần đây

 

Trong thời gian qua, trên cơ sở đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp và phản ánh của truyền thông, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành điều tra, xác minh các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp của MLM.

Đáng chú ý, trong quá trình thanh tra cũng cho thấy, đối với sản phẩm Cà phê dưỡng sinh MLM Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam mua với giá 190.500 đồng (chưa bao gồm thuế VAT), nhưng công ty bán cho nhà phân phối với giá 575.000 đồng. Mức chệnh lệch mua vào- bán ra đối với sản phẩm này là 3 lần!

Việc thu hồi Giấy chứng nhận của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp không giải phóng các doanh nghiệp này khỏi các nghĩa vụ của mình trước pháp luật, trong đó có nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối và người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp của doanh nghiệp, Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định.

Gần 17% doanh nghiệp Việt không biết gì về TPP

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo về mức độ sẵn sàng tham gia hội nhập quốc tế của DN trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Số lượng khảo sát gồm 3.500 DN công nghiệp chế biến, chế tạo được chọn ngẫu nhiên, trong đó có 200 DN thuộc nhà nước, 100 DN có vốn đầu tư nước ngoài và 2.200 DN ngoài nhà nước để tiến hành điều tra.

 Ảnh minh họa.

 

Trong số các DN được hỏi, có tới 94,5% DN cho biết, họ biết đến một hoặc nhiều hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia. Chỉ có 5,5% DN không biết đến bất kỳ hiệp định nào.

Phân theo loại hiệp định, kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ các DN được hỏi biết đến Cộng đồng kinh tế ASEAN đạt cao nhất với 83,8% (16,2% không biết); tiếp đến là Hiệp định TPP 82,2% (16,8% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Nhật Bản 66,8% (33.2% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu 64,1% (35,9% không biết); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc 62,7% (37,3% không biết).

Tuy nhiên, về mức độ hội nhập, các DN tại Việt Nam khá tự ti về năng lực cạnh tranh của mình. Theo kết quả khảo sát, chỉ có gần 32% DN tự tin cho rằng DN hiện đang mạnh và rất mạnh về chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Về khả năng quản lý của DN, cũng chỉ có 26,4% DN đánh giá mạnh và rất mạnh. Về giá thành sản phẩm/dịch vụ và nguồn cung ổn định, chỉ có khoảng 25% DN cho rằng DN tương đối mạnh và rất mạnh. Về vốn đầu tư, tình hình có vẻ kém khả quan nhất vì chỉ có 17,5% DN cho rằng tương đối mạnh và rất mạnh về vốn.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh