THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 09:16

Mới kiểm toán 4 trạm BOT đã rút ngắn được 5-11 năm thu phí

Rút ngắn thời gian thu phí 4 trạm BOT từ 5-11 năm
Một loạt kết luận được Kiểm toán nhà nước công bố mới đây cho thấy, các dự án BOT đường bộ mắc nhiều sai phạm, trong đó, đáng chú ý nhất tại các dự án này là thanh toán tiền thi công không đúng so với thực tế.
Điển hình tại dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước phát hiện chủ đầu tư thanh toán sai khối lượng khoảng 23 tỷ đồng và sai định mức, đơn giá hơn 3,3 tỷ đồng.
Tương tự, trong 234,5 tỷ đồng giá trị hợp đồng chưa thực hiện, kiểm toán cũng chỉ ra hơn 9,9 tỷ chênh lệch sai khối lượng. 


Dự án đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ được đầu tư theo hình thức BOT kể từ khi bắt đầu thu phí đến nay có nhiều tai tiếng: ảnh: Hoàng Lực.

Kiểm Toán Nhà nước cũng đã yêu cầu Công ty Trùng Phương phải giảm thanh toán chi phí đầu tư gần 26 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng 9,7 tỷ đồng...
Tiếp đó, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện những sai phạm tương tự tại dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, Quốc lộ 1A (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tính đến cuối năm 2015, dự án đã chi hơn 938 tỷ đồng đầu tư, nhưng con số thực tế được Kiểm toán chấp nhận là hơn 927 tỷ đồng, thấp hơn 11,2 tỷ đồng so với con số báo cáo.
Trong khi đó, kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên - Trà Vinh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai sót và đã giảm tới 5,5 năm thời gian thu phí của dự án này. Có nghĩa, thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14,5 năm.
Một dự án trên quốc lộ 19 được kiến nghị giảm 7 năm 7 tháng và một dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên được kiến nghị giảm thời gian thu phí đến 10 năm.
Thậm chí, có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, thu phí 13 năm.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, những sai phạm kể trên tại các dự án BOT giao thông đã được Kiểm toán Nhà nước báo cáo rõ ràng.
Kiểm toán Nhà nước khẳng định, những sai phạm, bất cập trên “cần phải được chấn chỉnh, khắc phục”.
Trả lời báo chí, ông Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết: Sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra hàng loạt dự án BOT khác trong năm 2017, đồng thời sẽ kiến nghị cho phép người dân được “quyền lựa chọn” đi đường thu phí hoặc đường không thu phí.
Ở góc nhìn từ phía người dân, doanh nghiệp giao thông vận tải... đề nghị rút ngắn thời gian thu phí 4 dự án BOT sau khi kiểm toán đã cho thấy khâu tính toán đầu vào của các dự án BOT có vấn đề nghiêm trọng. 
Dễ thấy nhất là đã có sự khai khống tổng mức đầu tư lên để kéo dài thời gian thu phí; Khâu thẩm định, duyệt dự án của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, thậm chí có ý kiến cho rằng, nhiều khả năng đã có sự thông đồng giữa cơ quan phê duyệt với nhà đầu tư các dự án trên để chia lợi ích.
Đề nghị kiểm toán toàn diện dự án BOT cả nước
Thời gian qua, vấn đề thu phí BOT gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, những số liệu sau 10 ngày thanh tra, giám sát thu phí tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với mức chênh lệch đến 700 triệu đồng/ngày được công bố khiến những nghi vấn lợi ích nhóm tại dự án này càng có cơ sở. 
Do đó, sau thông tin 4 trạm BOT bị rút ngắn thời gian thu phí, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Nếu kiểm toán toàn bộ các trạm BOT trên cả nước, liệu còn bao nhiêu trạm BOT bị đề nghị rút ngắn thời gian thu phí?
Bởi chỉ cần suy luận đơn giản, hiện cả nước có khoảng 88 trạm thu phí trên tuyến quốc lộ theo hình thức BOT, BT... Kiểm toán nhà nước mới chỉ kiểm toán ở 4 trạm BOT mà đã rút ngắn được từ 5-11 năm, nếu tất cả các trạm BOT đều được kiểm toán, chắc chắn sẽ còn rút ngắn được thời gian thu phí ở nhiều trạm hơn nữa.
Có ý kiến của một doanh nghiệp vận tải cho rằng: "Thêm một trạm rút ngắn thời gian thu phí là góp phần giảm gánh nặng về phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh phí chồng phí như hiện nay". 
Được biết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ. Đồng thời, cần làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong triển khai, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.
Đánh giá động thái của Kiểm toán nhà nước hay Tổng cục Đường bộ Việt Nam thời gian qua, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, người từng có nhiều ý kiến đóng góp, xây dựng cũng như chỉ ra những bất cập trong hình thức đầu tư BOT giao thông bình luận: Sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý cho thấy, đã có sự sự lắng nghe trước những bất cập mà dư luận người dân cũng như các chuyên gia nhìn thấy, chỉ ra tại các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức BOT.
Ông Liên cũng đồng tình với đề xuất Kiểm toán nhà nước vào cuộc, kiểm tra các dự án BOT giao thông trên toàn quốc.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc nhà xuất bản giao thông (một người dành nhiều năm nghiên cứu giao thông đô thị) cũng tin tưởng sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước sẽ làm rõ suất đầu tư, phương án thu và lưu lượng xe trên đường tăng theo các năm.
"Tính toán này khi làm rõ sẽ giảm được mức thu phí BOT và thời gian thu phí", TS. Nguyễn Xuân Thủy khẳng định. 

Nêu vấn đề phí BOT giao thông tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 diễn ra ngày 27/5/2016, Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng với phí BOT, phải tính hết, tính đủ các phí hiện đang thu.

"Nghị quyết 35 đã giao Bộ Tài chính làm việc này, nhưng để chính xác thì rất khó. Chúng ta đã có một giải pháp là chủ trương phát triển thu phí không dừng, vừa nhanh, giảm ùn tắc và quan trọng là đếm chính xác.
Đây là công nghệ tốt nhất, rẻ nhất, máy đếm thì không ăn gian được, trừ khi can thiệp vào máy", ông Hà nói.
Khi có số liệu đó, ta có thể đánh giá đúng lưu lượng, giảm chi phí cho việc thu bằng người, và đảm bảo thu ngân ngân sách, ông Lê Mạnh Hà cho biết đang thúc giục bộ Giao thông vận tải triển khai việc này sớm nhất.
“Tới đây, chúng tôi sẽ ngồi với Bộ Giao thông vận tải để rà soát sao cho có được số liệu này sớm nhất. Có tuyến đường BOT hiện nay báo cáo thu chỉ 1 tỷ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận đã phản ánh con số thực thu tới 3 - 4 tỷ đồng. Mức chênh rất khủng khiếp. Chúng tôi ủng hộ các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, ủng hộ việc công khai, làm rõ, dù chỉ kiểm chứng được 1 vài trạm cũng sẽ thay đổi lớn lắm” – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thẳng thắn.
Theo Vietnamnet

 


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh