THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:01

Tiếp tục quan tâm tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung nguồn lực cho các địa phương

Đối tượng buôn bán ma túy cùng tang vật ma túy bị các lực lượng chức năng bắt giữ. (Ảnh minh họa)

Đối tượng buôn bán ma túy cùng tang vật ma túy bị các lực lượng chức năng bắt giữ. (Ảnh minh họa)

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, tại thảo luận hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật diễn ra ngày 8/11/2022, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19. 

Siết chặt quản lý biên giới, cửa khẩu

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn Trà Vinh) cho biết, số người nghiện ma túy vẫn ở mức cao. Đáng lo ngại, độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm 39,4% và có xu hướng ngày càng trẻ hóa, ngày càng tăng người sử dụng ma túy tổng hợp.

Thêm vào đó, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam qua tuyến đường bộ, đường hàng không. Việc bố trí kinh phí chưa đảm bảo cho công tác phòng chống ma túy, điều kiện, cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung các nguồn lực cho các địa phương thực hiện các hoạt động triệt xóa các tụ điểm ma túy. Song song với công tác tuyên truyền, tập trung cho các đối tượng thanh thiếu niên, đặc biệt là trong môi trường học đường.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Công Phàn (Đoàn Bình Dương) cho rằng, theo báo cáo tội phạm về ma túy là một loại tội có nhiều dấu hiệu phức tạp hơn so với tội phạm khác sau đại dịch COVID. Hiện nay số liệu vi phạm trong lĩnh vực ma túy là khoảng hơn 201.000 người nghiện, trong đó 56% ở ngoài xã hội, còn là 44% là trong cơ sở cai nghiện; bên cạnh đó có khoảng hơn 50.000 người sử dụng ma túy.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy, từ vi phạm, tội phạm do người nghiện ma túy có thể dẫn đến hậu quả rất khôn lường, kể cả thiệt hại về người và phạm trù đạo đức trong xã hội có thể bị xuống cấp. Do đó, đại biểu đề nghị việc đầu tiên phải nghĩ tới là rà soát số người nghiện, số người sử dụng ma túy là bao nhiêu? Khi rà soát được rồi phải quản lý chặt số này.

“Chính phủ, nhất là Bộ Công an phải tiên phong trong vấn đề này, rà soát và quản lý chặt số này đã, sau đấy mới tính đến chất vấn đề cai nghiện”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục phải quản lý chặt cửa khẩu, quản lý chặt biên giới, quản lý chặt ở cơ sở để không có nguồn ma túy thì sẽ không có người sử dụng, không người nghiện.

1a

Triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và quản lý người nghiện ở địa phương

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) đánh giá công tác đấu tranh với tội phạm về ma túy đã đạt được những kết quả tích cực. Đó là phát hiện được 24.383 vụ, 38.489 đối tượng tội phạm về ma túy, khởi tố 23.624 vụ, 32.757 bị can, thu giữ 648,91kg heroin, 2.005kg và hơn 2,542 triệu viên ma túy tổng hợp, 110,6kg thuốc phiện, 543,82kg cần sa. 

Tuy nhiên, đại biểu đồng tình nhận định, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau dịch COVID-19, phát hiện nhiều đường dây ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có tuyến đường bộ chủ yếu từ hướng Lào, Campuchia, đường hàng không, chuyển phát nhanh từ một số nước châu Âu. 

Số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút hít sang tiêm chích, uống, ngậm ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần... Đặc biệt, theo thông báo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thời gian qua trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy núp bóng, pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử thảo mộc.

Cụ thể, theo đại biểu, loại thứ nhất là thực phẩm bánh kẹo có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới. Trong thời gian qua, các đối tượng lén lút mang vào Việt Nam phát tán, sử dụng dẫn đến ngộ độc như ở Hạ Long, Quảng Ninh.

Thứ hai là ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đại biểu lấy ví dụ như: vụ bán bánh cần sa trên mạng Internet xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, triệt xóa tháng 12/2019; vụ nhóm học sinh tại Hoành Bồ, Quảng Ninh sử dụng kẹo có chứa chất ma túy bị ngộ độc phải cấp cứu tháng 10/2021; vụ bán nước xoài có chứa chất ma túy tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 10/2020; vụ sử dụng socola nhãn hiệu Chi Mart tại Đông Anh, Hà Nội tháng 6/2022.

Bên cạnh đó, đại biểu chỉ ra, nhiều loại ma túy núp bóng khác như nước vui, nước biển, nước xoài, nước nho, trà chanh, bánh cần, bánh lười, lê rice cake chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc một số dạng khác là ma túy núp bóng thảo mộc dạng cỏ Mỹ. 

Đặc biệt, các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội Zalo, Telegram liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua, bán trái phép chất ma túy ở các địa bàn khác nhau. Hình thức giao dịch chủ yếu thông qua hệ thống vận chuyển hàng hóa bằng ship code, phần mềm.... với mặt hàng chất ma túy mới hiện đang được giới trẻ ưa chuộng, sử dụng hình thức là thuốc lá điện tử và thảo mộc. 

Về nội dung này, đại biểu cho rằng cần có đánh giá cụ thể, phân tích kỹ nguyên nhân để từ đó có giải pháp quyết liệt, triệt để, đảm bảo phù hợp với tình hình tội phạm ma túy hiện nay, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Xuất phát từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Đình Thanh kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan tư pháp và chính quyền các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ hơn về công tác cai nghiện ma túy và biện pháp quản lý người nghiện ma túy ở địa phương, nhất là đối với số người nghiện ma túy đang ở ngoài cộng đồng, thực hiện chặt chẽ, hiệu quả công tác theo dõi, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tội phạm do người nghiện ma túy gây ra.

Đồng tình với các đại biểu, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) có chung nhận định tình hình tội phạm và tệ nạn về ma túy có dấu hiệu phức tạp trở lại sau đại dịch COVID-19. Trong khi đó, việc bố trí kinh phí chưa đảm bảo cho công tác phòng chống ma túy, điều kiện, cơ sở vật chất của các cơ sở cai nghiện ma túy chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay....

Vì thế, bà Phạm Thị Hồng Diễm đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm tăng cường các giải pháp phòng, chống ma túy, tập trung các nguồn lực cho các địa phương thực hiện các hoạt động triệt xóa các tụ điểm ma túy, và làm tốt công tác cai nghiện…

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh