Tiếp lửa truyền thống cho ngành y
- Dược liệu
- 18:05 - 07/05/2015
Tặng quà cho người nghèo tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Ký ức về thời hoa lửa
Xuất phát từ TP. Hồ chí Minh lúc 12 giờ 30 phút, đoàn chúng tôi lên đến Khu tưởng niệm Trung ương cục Miền Nam vào khoảng 16 giờ. Trưởng đoàn là bác sỹ Trần Thị Giang, nguyên Bí thư Đảng ủy Khối cơ sở Bộ Y tế (tại TP. Hồ Chí Minh) - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban dân y miền Nam.
Đoạn đường dường như gần hơn khi trên xe chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những gian khó nhưng đầy hào hùng của “chiến sĩ áo trắng” trong thời chinh chiến.
Trong rất nhiều kỷ niệm thời hoa lửa, câu chuyện về hành trình đi từ địa phương (Bà Rịa-Vũng Tàu) lên đến Trung ương Cục miền Nam (huyện Tân Biên-Tây Ninh) của kỹ sư Trần Thị Giang mất hơn 2 tháng trời với bao nguy hiểm rình rập, khiến chúng tôi càng hiểu rõ hơn về sự khắc nghiệt của chiến tranh.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến tặng hoa CLB truyền thống Ban dân y miền Nam, đại diện là chủ nhiệm- cựu Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến.
Bên ánh lửa trại bập bùng, tiếng đàn ghi ta vang lên cùng những lời ca trong bài hát “Về miền áo trắng” của nhạc sĩ Lê Minh làm vang vọng một góc rừng Chàng Riệc của chiến khu xưa: Mình về đây cùng nhau hát ca.
Cầm tay nhau ta vui múa ca…Vầng trăng, vầng trăng sáng. Đường mòn xưa căn hầm dã chiến, còn in dấu những người nằm xuống, cho các em nắm tay hát ca với trăng mừng xuân…”.
Những cụ ông, cụ bà cùng say xưa ca hát. Hơn 40 năm trước họ là những chàng trai, cô gái ở độ tuổi mười chín, đôi mươi, vừa tốt nghiệp hoặc đang theo học tại các trường y, đã xếp bút nghiên, từ biệt gia đình lên đường hành quân vào Trung ương Cục miền Nam.
Biết bao đồng đội của họ đã ngã xuống bởi bom đạn của kẻ thù khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa cho thương binh, bệnh binh. Hồi ức về một thời gian khó, bác sĩ Trương Thị Xuân Liễu, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, kể rằng, năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn rất ác liệt, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Hà Nội, hưởng ứng phong trào “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, tôi thuyết phục bố mẹ cho tham gia vào chiến trường.
Sau khoảng 100 ngày “xẻ dọc Trường Sơn”, tôi vượt qua mọi núi cao, suối sâu, từng 2 lần bị bệnh sốt rét quật ngã, nhưng rồi tôi lại gượng dậy cùng đồng đội hành quân”.
Cùng hát ca và ôn lại truyền thống hào hùng.
Nhớ lại buổi đầu đặt chân lên căn cứ Trung ương Cục miền Nam, tập thể C30 – Tổ Sốt rét (thành lập tháng 3/1969, thuộc Phòng Vi trùng, Ban dân y miền Nam), bác sỹ Lê Văn Hạnh chia sẻ: “Hầu hết chúng tôi đều ở lứa tuổi đôi mươi, có vài đồng chí trên 30 đến 40 tuổi. Đến nay lớp người “tuổi đôi mươi” ấy cũng đã ngoài lục tuần, trở thành ông bà nội, ông bà ngoại nhưng vẫn nặng lòng thương nhớ những đồng đội đã hy sinh khi còn phơi phới tuổi xuân”.
Sau hơn 10 năm ở rừng, sát cánh cùng quân và dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, các y, bác sĩ tại Ban Dân y miền Nam đã lập nhiều chiến công, góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Trở về với thời bình, họ đã và đang tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, phát triển nền y học nước nhà.
Tặng Kỷ yếu Ban dân y cho các cán bộ cùng tham gia chuyến về nguồn.
“Hãy nói ít và làm nhiều”
Tại buổi sinh hoạt về nguồn, gần 500 cựu dân y miền Nam và đại diện lãnh đạo Bộ Y tế đã nhận được nhiều câu hỏi từ các bác sĩ trẻ về những kinh nghiệm, bí quyết vượt qua mọi gian khó để gắn bó với công tác chăm sóc cho các thương, bệnh binh ở giữa nơi bom rơi, đạn nổ.
“Chúng cháu phải làm thế nào để tiếp bước cha ông?”, nhiều bạn trẻ có cùng câu hỏi như vậy. Và, rất nhiều thành viên CLB truyền thống Ban dân y miền Nam đã chia sẻ suy nghĩ và trải nghiệm riêng của mình, góp phần truyền lửa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Giao lưu văn nghệ với các y, bác sĩ trẻ và thanh niên Campuchia.
PGS-TS Trần Thị Trung Chiến - Chủ nhiệm CLB Ban dân y miền Nam, nguyên Bộ trưởng Y tế, cũng là bác sĩ thuộc Ban dân y năm xưa, đã nói những lời tận đáy lòng, rằng: “Các bạn trẻ ngày nay đừng cố nói nhiều, đừng cố nói hay mà hãy cố làm nhiều, cố cống hiến hết sức mình cho Tổ quốc và nhân dân. Nếu làm được nhiều thì sẽ không ai phụ công mình…”.
Theo PGS-TS Trần Thị Trung Chiến, trong những năm tháng chiến tranh gian khổ và ác liệt nhất, tập thể lãnh đạo Ban Dân y miền Nam cùng với đội ngũ cán bộ y tế đã tập hợp và đoàn kết một lòng, chung sức vượt qua mọi thử thách, lập nhiều chiến công vẻ vang, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.
Vì thế, bà nhấn mạnh: “Chúng ta không được phép quên ơn những đồng chí, đồng đội đã hy sinh, vĩnh viễn nằm lại đâu đó để các thế hệ sau được hưởng trọn cuộc sống hòa bình”.
Chuyến về nguồn năm nay, như nhiều năm đã qua, được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tham dự chuyến về nguồn tại Khu lưu niệm truyền thống Ban dân y miền Nam - nơi lưu trữ và trưng bày nhiều hình ảnh hoạt động y tế thời chiến, nhiều y, bác sĩ trẻ đã được truyền lửa để có thêm nghị lực và cống hiến cho sự nghiệp y học nước nhà.
Buổi sinh hoạt về nguồn càng sinh động, hào hứng và ấm áp hơn bên ánh lửa trại rực sáng giữa rừng Chàng Riệc - vùng đất đầy dấu tích bi thương của Trung ương Cục miền Nam, đã gợi mở cho thế hệ trẻ của ngành y tế ngày nay phải nỗ lực nhiềub hơn, đóng góp nhiều hơn vì đất nước, vì các bệnh nhân, để xứng đáng với những cống hiến và hy sinh của thế hệ cha, anh…
Theo bác sỹ Trần Thị Giang, tham gia chuyến về nguồn năm nay ngoài đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các cấp lãnh đạo tỉnh Tây Ninh và gần 500 cựu dân y miền Nam, còn có hàng trăm bác sĩ trẻ đến từ các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận… |