Ngành y tế tập trung giảm tải, giảm giá thu
- Tây Y
- 18:38 - 24/01/2015
Không để bệnh nhân nằm ghép
Tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2015, bàn phương hướng giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Năm 2014, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong công tác khám chữa bệnh, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật đều tăng từ 15 - 20% so với năm trước.
Đáng chú ý, sau 2 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giảm quá tải bệnh viện, số giường bệnh tại các tuyến đã tăng 17,5% so với năm 2012 và số bàn khám tại khu vực khám bệnh tại bệnh viện tuyến trên đã tăng gấp đôi. Tại các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh nhân hiện không còn phải nằm ghép tới 3 đến 5 người/giường. Tình trạng nằm ghép đôi cũng giảm hẳn, chỉ còn diễn ra tại một số bệnh viện như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương. Nhiều bệnh viện thiết lập được đơn vị sàng lọc bệnh nhân ngoại trú, điều trị ban ngày và giám sát chặt chẽ tiêu chuẩn nhập viện; đồng thời điều phối linh hoạt giữa các khoa lâm sàng, rút ngắn thời gian điều trị nội trú thông qua áp dụng quy trình, phác đồ điều trị chuẩn và giám sát điều trị.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao trong khi hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, tỷ lệ giường bệnh trên số người còn thấp, phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng miền, số giường bệnh các chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi... còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Trong hàng chục năm qua tình trạng quá tải xảy ra tại nhiều bệnh viện, nhất là việc người bệnh phải nằm ghép ở những bệnh viện tuyến cuối khiến cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc giảm tải bệnh viện để không còn tình trạng nằm ghép là nhiệm vụ cấp bách đầu tiên trong 7 nhiệm vụ của ngành y tế.
Năm 2015, ngành y tế đề xuất Chính phủ, Quốc hội tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế, đặc biệt là một số dự án cấp bách như một số bệnh viện tuyến tỉnh, huyện mới chia tách, huyện miền núi chưa có bệnh viện, hoặc rất xuống cấp nhưng chưa có nguồn đầu tư. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các trạm y tế xã để đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; trước mắt là các xã đảo (65 xã), xã miền núi, biên giới, ven biển; đầu tư cho một số dự án y tế biển đảo...
Năm 2015, ngành y tế sẽ luân chuyển nhiều bác sỹ có chuyên môn giỏi từ tuyến trung ương
xuống cơ sở, nâng cao chất lượng KCB. Ảnh: Bác sỹ Quân y Viện 108 khám, chữa bệnh cho bà con dân tộc Yên Bái.
Để nâng cao công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện địa phương, Bộ Y tế cũng sẽ quyết liệt thực hiện đề án luân phiên bác sỹ giỏi, trưởng khoa, phó khoa các bệnh viện tuyến Trung ương luân phiên một năm phải xuống tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh phải xuống tuyến huyện; thí điểm đưa bác sĩ giỏi tình nguyện tăng cường cho các tỉnh vùng sâu, xa...
Quyết liệt hơn nữa trong quản lý giá thuốc
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, năm 2014 mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng ngành y tế đã rất nỗ lực và có kết quả khá rõ nét trên nhiều lĩnh vực góp phần làm nhân dân có lòng tin hơn, kể cả nhìn vào những bất cập của ngành y tế với thái độ chia sẻ, cảm thông hơn.
Về công tác khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng đánh giá, trong năm qua việc giảm tải bệnh viện có những dấu hiệu chuyển biến rất tốt. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành y tế cần tiếp tục rà soát những nguyên nhân không phải liên quan đến chuyện đầu tư mà dẫn đến quá tải. Chẳng hạn như những khó khăn trong thanh toán bảo hiểm, chủ trương đầu tư máy móc xã hội hóa, tình trạng các bệnh viện không trao đổi kết quả với nhau dẫn đến người bệnh phải khám nhiều lần... Đó là những việc không phải do thiếu tiền mà là những viêc ngành y có thể làm được để giảm tải.
Ghi nhận năm 2014, ngành y tế đã chấn chỉnh quyết liệt trong quản lý giá thuốc, Phó Thủ tướng ghi nhận: “Năm qua, chúng ta làm tương đối tốt, rất quyết liệt trong quản lý giá thuốc, nhiều loại thuốc tiến hành chấn chỉnh công tác đấu thầu, mua sắm, kê đơn dẫn tới có những loại thuốc đã giảm tới 25-30% và trên tổng số tiền thuốc giảm gần 10%. Việc giảm giá thuốc không chỉ tiết kiệm cho bảo hiểm y tế mà còn giúp rất nhiều người bệnh, trong đó có những bệnh nhân nghèo tiết kiệm được nhiều tiền. Năm 2015 cần tiếp tục có các biện pháp để điều chỉnh giảm hơn nữa”.