THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:15

Tiếng vọng từ buôn sâu

 

Hồn cốt mất dần

Cũng tại bến nước này, xưa kia bao bọc dày đặc rừng xanh, không gian trong lành mà giờ đây ngay cả khi gió thổi mạnh cũng không làm những cành cây thưa thớt, gầy rộc có thể va vào nhau. Già làng Khun Pha thổ lộ: "Năm nào cũng có rừng bị phá, có mấy trăm ngàn ha rừng nguyên sinh bị mất trắng bởi lòng tham vô hạn của con người. Rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng giao khoán cũng bị phá luôn. Xót xa nhiều, nhưng lực bất tòng tâm, lâu lâu ông Pha và những già làng khác ở Buôn Đôn lại họp bàn viết những dòng da diết vào cuốn hương ước của buôn mình với hy vọng mong manh rừng xanh không còn tan nát nữa. Trong cuốn hương ước của xã Krông Na có đoạn: Rừng mất đi là tai họa ập đến/ Voi mất dần thì mất niềm kiêu hãnh của buôn làng/ Bến nước đục ngầu thì bệnh tật ùa về/ Sông suối cạn khô thì gian nan, kham khổ… Những lời ấy vọng lên như cho mọi người chứ không riêng gì những người sinh sống ở Buôn Đôn".

 

                   Bến Bay Rong không còn nhộn nhịp như xưa

 

Có những tháng ngày, không gian tự nhiên như bị phá vỡ khi những dòng sông lớn nhỏ cạn khô nước ngay sau mùa mưa, nhiều nơi phơi lộ đáy cát nóng bỏng dưới nắng gắt, buôn nọ nối buôn kia nháo nhác đi vớt vát từng can nước về nhà mình. Nhiều lần đến, đi, trăn trở và khắc khoải bên Bến nước Tha Luống (buôn Trí A, xã KRông Na), ông Y Toan vẫn nặng trĩu tâm tư. Bến nước Tha Luống là nơi vua Bảo Đại xưa kia mỗi lần đi săn bắn ở Tây Nguyên chọn làm nơi nghỉ mệt, cho voi tắm. Bốn bề quanh năm ngằn ngặt màu xanh, buổi sáng sương mù còn phủ trên cả những tán cây đẫm ướt. Cái mát lành ấy giờ không còn nữa, bến nước lặng buồn, cây rừng xác xơ. Ông Y Toan thổ lộ: "Tôi là nài voi chuyên nghiệp, đi chữa trị và chăm sóc cho biết bao nhiêu voi rừng thuần dưỡng lẫn voi nhà. Sinh ra bên bến nước này, trước ra khỏi nhà là thấy cây cổ thụ giờ đi cả ngày đường cũng không còn cây gỗ quý nữa. Thấy không gian, hồn cốt của buôn làng biến đổi đến chóng mặt. Giờ voi cũng chả còn được mấy con, Bến Tha Luống không nhộn nhịp như trước nên phải rong ruổi mưu sinh khắp nơi".

 

         Bến Tha Luống cũng lặng buồn

 

Vậy nhưng, không nguôi được trăn trở nên nhiều đêm thâu, ông Y Toan vẫn quay về quây quần thâu đêm cùng buôn làng trút bầu tâm sự và cảnh báo những hiểm nguy khi rừng tàn, sông cạn, khi để kẻ xấu tấn công voi, tàn sát rừng. Không gian tự nhiên biến đổi, buôn nọ, buôn kia cũng không tìm thấy mật ong, dược thảo, cả con cá sông cá suối như trước kia nữa.

 Trỗi dậy những âu lo

 

     Voi thì đang sụt giảm dần

 

Không nhớ, đã bao nhiêu đêm ngồi trước những cánh rừng bị đốn hạ ở Buôn Đôn, tôi đọc được từ sâu thẳm ánh mắt những người dân tộc bản địa tràn ngập sự lo âu. Trong tĩnh lặng ấy lắng nghe được cả tiếng trở mình của những già làng tóc trắng luôn ước vọng đàn chim cũ quay về để cất tiếng reo ca trên những nhú chồi mới. Có những ngày nắng hạn, bao người phụ nữ hõm mắt ngồi xoa vai, trỗi dậy nỗi ám ảnh vắt vét từng giọt nước rỉ ra từ đất, cái nhìn thắc thỏm trong mênh mông khô hạn.

Không chỉ lo rừng, lo sông suối mà bao người còn rỉ nước mắt trên làn da nhăn nheo vì voi sụt giảm liên tục. Nghe đọc xong số liệu báo cáo của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, năm 1980 đàn voi ở Đắk Lắk có 502 con, nhưng đến nay chỉ còn lại 43 con, mắt già làng Y Hơ (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cụp xuống tràn đầy nỗi niềm. Nhìn Bến nước Tha Luống ông tiếc nuối: "Xưa bến nước này voi đua nhau tắm, tung tăng hồn nhiên và gần gũi với con người lắm. Giờ thì còn được mấy con, con nào cũng bị bắt lao động đến mỏi mệt nên sức khỏe giảm sút, tâm tính voi cũng trở nên nóng nẩy. Cảnh những đàn voi ràn hàng nối đuôi nhau tung tẩy bên bến nước Bay Rong cũng chỉ còn trong quá khứ. Thời hưng thịnh, sau mỗi chuyến đi săn và thuần dưỡng voi rừng về, vua săn voi Khun Ju Nốp đến đây tâm tình với voi, làm lễ cúng cầu sức khỏe cho voi, cầu an cho dân làng khắp các buôn gần, buôn xa. Vua săn voi Khun Ju Nốp cũng là người nặng tình với rừng cây, bến nước. Ông từng đặt ra lệ làng là ai phá rừng, đốt rừng sẽ bị đuổi khỏi làng".

Mấy năm trước, những ngày sắp về với tổ tiên, ông Ama Kông (là cháu của Khun Ju Nốp) cũng đã bao đêm ngồi bên bến Tha Luống, bến Bay Rong như da diết mong mỏi có ngày đàn voi sẽ sung túc lại như xưa. Rồi ông lặng lẽ suốt đêm thâu lần tìm đến từng ngôi nhà, ngõ hẻm truyền nhiệt huyết và lòng yêu thương với loài voi - biểu tượng của Tây Nguyên cho mọi người. Ông Kông còn viết ra những dòng đầy trách nhiệm dành cho hậu thế như: Voi là máu thịt của buôn làng, voi đang mất dần nghĩa là linh hồn buôn làng đang phôi phai/ Phải chăm voi như chăm người thân của mình/ Phải nhìn vào mắt voi mà đọc lấy những buồn vui/…

Là người suốt đời gắn bó với việc chăm sóc, tìm hiểu tâm tính của voi và hiện tại sở hữu 7 chú voi, ông Đàn Năng Long, ở buôn Jun (xã Liên Sơn, huyện Lắk, Đắk Lắk) cũng không nguôi lo lắng trước tình trạng không gian tự nhiên giành cho voi ngày càng bị thu hẹp. Voi không còn cảm hứng để “yêu”, để sinh sản nữa. Cứ thế sẽ tuyệt chủng mất!

HÀ ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh