Tiếng Việt bớt trong sáng: Do người làm báo thiếu hiểu biết
- Văn hóa - Giải trí
- 14:31 - 06/11/2016
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu một thực tế là có nhiều và ngày càng nhiều những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, những biểu hiện quá dễ dãi trong phát triển, làm mới tiếng Việt.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt có trách nhiệm của nhà giáo, nhà báo, nhà văn.
“Bác Hồ đã có lời dặn rất sâu sắc về cách nói, cách viết sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng, trong sáng là trong trẻo, không có tạp chất, trung thành, sáng tỏ được ý muốn viết, muốn nói. Và tôi nghĩ rằng các nhà báo thì càng phải thấm thía, và phải rèn kỹ năng để thực hiện những yêu cầu này. Vì mỗi một phát ngôn, mỗi một câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rất sâu rộng trong xã hội, và lan tỏa rất nhanh trên môi trường mạng”.
Giáo sư ngôn ngữ học: Liệu có “tình tặc”?
Với bản tham luận “Những vấn đề về Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện nay”, GS.TS Nguyễn Văn Khang (Viện Ngôn ngữ học) đã có những nhìn nhận “tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông hiện đang có một “sự “xung đột” giữa những biến thể ổn định”.
“Ví dụ, về từ ngữ, chẳng hạn đã có Ý lại có Italia; đã có Mạc-tư-khoa lại có Mát-xcơ-va, Moscow; ông bố là Kim Nhật Thành, nhưng con trai lại là Kim Châng In/ Kim Jong Il/ Kim Jong-il mà không gọi Kim Chính Nhật. Đối với từ ngữ mượn, đã có Thế vận hội lại có ôlimpic, đã có dưỡng khí lại có ôxy. Về câu, chẳng hạn đã có cách nói “từ đâu đến” nay lại ưa dùng “đến từ đâu”; đã có “do ai/ nơi nào làm/ hành động” nay lại có “làm/ hành động bởi (ai/ nơi nào)… - một cách nói ở thể bị động đang xuất hiện mạnh mẽ trên báo chí gần đây” – ông phát biểu.
GS.TS Nguyễn Văn Khang đưa ra một nghi hoặc: “Phải chăng, với cách nhìn “truyền thông chính là ngôn ngữ” nên những người làm truyền thông luôn tìm tòi, sử dụng ngôn từ, sáng tạo ngôn từ bởi họ không thích sự lặp lại cách dùng ngôn từ “mòn như những đồng xu”?”.
Bên cạnh đó, ông cũng nêu một thực tế: “Những người làm truyền thông luôn phải đứng trước một sự lựa chọn không hề đơn giản: Chọn ngôn từ cũ, cách viết cũ, mô hình giao tiếp quen thuộc tuy an toàn nhưng có thể gây cảm giác sáo mòn, bảo thủ hay sáng tạo ngôn từ mới thì dễ bị coi là dùng sai, thậm chí bị quy chụp, “ném đá” là “làm hỏng tiếng Việt””.
Ông đưa ví dụ về cách dùng cụm từ “làm sạch biển” trong chương trình Chuyển động 24h của VTV1 đã dẫn đến những tranh luận, thậm chí cả những nhạy cảm về thời điểm xuất hiện cách nói này: Chọn cách nào trong hai cách nói “làm sạch biển” và “làm cho biển sạch” khi mà “làm sạch biển” ngoài đồng nghĩa với “làm cho biển sạch” còn có một nghĩa khác là “làm cho biển không còn gì cả”.
Nói đến sự sáng tạo của ngôn từ trên truyền thông, GS.TS Nguyễn Văn Khang cho rằng, cần nhắc đến một mô hình tạo từ điển hình là “X tặc”. ““Tặc” là yếu tố Hán Việt có nghĩa là “kẻ cắp, kẻ trộm” vốn chỉ xuất hiện trong từ mượn “hải tặc”, nay dùng để tạo ra hàng loạt từ mới: cát tặc, game tặc, cẩu tặc, sưa tặc, gỗ tặc, đinh tặc… Theo dự đoán của tôi, rất có thể sắp tới sẽ có “tình tặc”” – ông hài hước bình luận.
Đại sứ Palestine: ‘Nhà báo phải có kiến thức nền’
Bên cạnh những bản báo cáo giàu tính khoa học của các chuyên gia là phần chia sẻ thú vị và nhận được nhiều đồng cảm cũng như cổ vũ của các đại biểu của đại sứ Palestine tại Việt Nam – ông Saadi Salama.
Ông Salama là một người “con rể” của Việt Nam và đặc biệt nói tiếng Việt rất tốt (ông từng học khoa Tiếng Việt của ĐH Tổng hợp Hà Nội từ năm 1980).
Đại sứ Palestine
Vị đại sứ 14 lần ăn Tết ở Việt Nam cho rằng: “Người học giỏi không phải biết nhiều mà phải biết rõ cái gì mình cần diễn đạt, phải hiểu rõ cái mình muốn nói, muốn viết. Học tiếng Việt phải hiểu cả nghĩa từ vựng, là nghĩa ghi trong từ điển, và cả nghĩa biểu cảm, sắc thái”.
Có cơ hội được chia sẻ tại hội thảo, ông mạnh dạn nêu vấn đề mà báo chí Việt Nam nên lưu ý.
“Tôi thấy nhiều tin bài quốc tế của một số nhà báo Việt Nam không phản ánh đúng sự kiện xảy ra trên thế giới, là vì người ta đọc rồi dịch, làm tin rất nhanh. Có thể là do tòa soạn gây rất nhiều áp lực. Nhưng các nhà báo nên hiểu vấn đề, phải xây dựng kiến thức nền cho vấn đề đó”.
“Việt Nam dựa vào luật pháp quốc tế để có một lập trường rõ ràng về cuộc đấu tranh chính nghĩa của đất nước Palestine chúng tôi, nhưng nhiều tờ báo Việt Nam khi đưa tin không chú ý tới điều đó. Vì các bài viết của báo chí phương Tây đều nói sự thật nhưng nói sự thật theo cách của người ta. Tôi nghĩ đây là một vấn đề rất quan trọng cần phải chú ý khi chúng ta làm báo”.
Đề xuất ban hành Luật ngôn ngữ
Với bản tham luận “Thử tìm nguyên nhân và giải pháp”, nhà báo Phan Quang cho rằng, bên cạnh mặt tích cực, báo chí, truyền thông nước ta lại “có công đi đầu” trong việc tiếp nhận hỗn tạp, xô bồ tiếng nước ngoài, làm giảm sút sự trong sáng của tiếng Việt, dẫn tới nguy cơ biến dạng ngôn ngữ quốc gia.
Nhà báo Phan Quang
Ông cũng khẳng định vấn nạn này không phải chỉ có riêng ở ta.
“Về nguyên nhân, trước hết tại không ít những người làm báo chúng tôi thiếu hiểu biết và chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Lối dùng tiếng Việt xô bồ, lai tạp phổ cập trong một bộ phận xã hội, trước hết trong lớp trẻ, hầu như đều xuất phát từ báo chí truyền thông, nhất là truyền thông xã hội, mà ra, từ thế giới ảo sang cuộc sống thực…”
Đồng tình với đề xuất của GS.TS Nguyễn Văn Khang, ông cho rằng, cần ban hành Luật ngôn ngữ. “Chúng ta có không ít văn bản pháp quy liên quan đến báo chí, truyền thông, ngôn ngữ, nhưng Luật chuyên ngành ngôn ngữ thì chưa có. Trong khi thế giới đã có hơn 1.000 bộ luật ngôn ngữ” – ông đưa dữ liệu.
“Tôi nghe nói việc ban hành Luật ngôn ngữ nước ta được đặt ra từ lâu nhưng chưa thực hiện, chủ yếu do chúng ta quá bận trước nhiều công việc khẩn thiết”. Nguyên nhân này khiến nhà báo Phan Quang nhớ lại câu chuyện cách đây 50 năm vào mùa hè năm 1966, khi chiến tranh leo thang ác liệt. Hà Nội gấp rút sơ tán người già, trẻ em, các cơ quan không thật cần thiết có mặt ở nội thành, nơi nơi hối hả đào hầm trú ẩn. Đất nước đối mặt với bao khẩn thiết tột cùng.
Anh em báo Nhân Dân bám trụ Thủ đô, làm việc ngay trong căn hầm nằm dưới gốc đa, và hội nghị “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” theo ý kiến chỉ đạo của Bác Hồ diễn ra bên gốc đa cổ thụ ấy. “Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tới dự và phát biểu. Bài nói của Thủ tướng ngắn gọn, được viết ra sau khi đã đọc toàn văn các báo cáo và tham luận, cũng như đã xem tất cả 120 bản tóm tắt gửi đến hội nghị.
Sáng hôm sau, các hãng thông tấn Pháp, Anh, Mỹ đồng loạt đưa tin: “Trong khi tại Nhà Trắng, Bộ Tham mưu của Tổng thống Mỹ cấp tập hoàn chỉnh kế hoạch tập kích thủ đô Bắc Việt, thì tại Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam luận bàn về ngôn ngữ”.