Đài phát thanh, truyền hình cần đọc tên chữ cái tiếng Việt cho đúng
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 18:37 - 23/05/2016
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Một số trường hợp phát thanh viên lẫn lộn tên chữ cái với âm mà chữ cái ấy biểu thị. Ví dụ, lẽ ra phải đọc tên tắt của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu G7 (Group of Seven) là “GIÊ BẢY” thì phát thanh viên đọc là “GỜ BẢY”. Hoặc lẽ ra phải đọc số hiệu chiếc máy bay bị nạn ngày 8/3/2014 của Hãng Hàng không Malaysia MH370 là “EM-MỜ HÁT BA BẢY MƯƠI” thì phát thanh viên đọc là “MỜ HÁT BA BẢY MƯƠI”. Thực ra, “GỜ”, “MỜ” chỉ là cách ghi các âm trong sách Vỡ lòng trước đây hay sách Tiếng Việt lớp 1 hiện nay để dễ hướng dẫn trẻ em đánh vần. Khi đọc kí hiệu hoặc chữ tắt, chúng ta cần đọc đúng tên chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt là “GIÊ” , “EM-MỜ” (hoặc phát âm lướt bộ phận thứ hai của tên ấy là: “EM”). Việc không đọc đúng tên chữ cái không chỉ nghe rất chướng mà còn dẫn đến mâu thuẫn trong cách đọc:
- Đọc “G7” là “GỜ BẢY” nhưng lại đọc “GDP” (Gross Domestic Product – Tổng Sản phẩm Quốc nội) là “GIÊ ĐÊ PÊ”.
- Đọc “M” theo âm là “MỜ” nhưng lại đọc “H” theo tên chữ cái là “HÁT” (chứ không phải đọc theo âm là “HỜ”).
Một số trường hợp khác, phát thanh viên nhầm lẫn hoặc lúng túng không biết nên đọc theo tên chữ cái tiếng Pháp, tiếng Anh hay tiếng Việt. Ví dụ, đọc APF (Assemb lée Parlementair de la Francophonie – Hội đồng Nghị viện Tổ chức Pháp ngữ) là “ÂY PI ÉP”, trong khi đây là cụm từ viết tắt tiếng Pháp, chứ không phải tiếng Anh. Đối với cụm từ viết tắt TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) thì mỗi người đọc một kiểu: Người thì “TI PI PI” (theo tên chữ cái tiếng Anh), người thì “TÊ PÊ PÊ” (theo tên chữ cái tiếng Việt).
Thực ra, đọc TPP là “TI PI PI” không sai vì TPP là những chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Trans-Pacific Partnership Agreement. Nhưng đặt trong văn bản tiếng Việt, nó cần được đọc theo tên chữ cái tiếng Việt là “TÊ PÊ PÊ”. Quy tắc này giúp chúng ta có cách đọc thống nhất đối với tất cả các cụm từ viết tắt có nguồn gốc tiếng nước ngoài, bất kể đó là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Italia, tiếng Bồ Đào Nha hay tiếng nào khác được phiên âm, chuyển tự thành chữ cái Latin. Còn nếu quy định phải phát âm đúng với nguyên ngữ thì không có tính khả thi vì không ai có thể biết và phát âm đúng hàng chục, hàng trăm thứ tiếng.
Báo chí có ảnh hưởng rất lớn. Cách phát âm trong chương trình phát thanh, truyền hình thường được coi là mẫu mực. Vì vậy, tôi rất mong các đài phát thanh, truyền hình trong nước nghiên cứu, điều chỉnh cách đọc tên chữ cái tiếng Việt cho đúng để sửa thói quen đọc sai đã khá lan rộng trong công chúng hiện nay.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc