Tiếng gọi của biển cả
- Dược liệu
- 15:13 - 22/06/2016
Vẫn dong thuyền ra khơi
Hiện tượng thủy sản chết bất thường tại ven biển các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, từ ngày 8 đến 16/4/2016 được coi như một thảm họa. Trước cảnh tượng đó, nhiều ngư dân cho rằng, sự cố nếu được khắc phục ít nhất vào mùa khai thác tới. Thế nhưng trước sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các ngành liên quan, khi những cơn sóng từ ngoài khơi không còn mang theo mùi tanh tưởi của các loại thủy sản bị chết; biển đã trả lại với màu xanh trong muôn thuở. Bằng kinh nghiệm của nghề biển, ngư dân miền Trung lại dong buồm ra khơi, khai thác cá, mực... Họ ra khơi là vì cuộc sống mưu sinh, nhưng bên cạnh đó còn là niềm đam mê đã thấm trong máu thịt. Họ là con của biển, phải sống với biển.
Tàu thuyền của Thanh Hóa hoạt động tại ngư trường Hà Tĩnh vào cảng cá Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) tiếp nhiên liệu và đá lạnh chuẩn bị ra khơi.
Với ngư dân ven biển miền Trung, thời điểm này được coi là lý tưởng nhất của vụ mùa đánh bắt chính, còn gọi là vụ mùa Tây Nam (từ tháng 4 đến tháng 9 hàng năm). Mùa này biển trong như mắt ngọc; nồm nam mát rượi, cho phép tàu thuyền căng buồm mà lao đến những ngư trường lớn khai thác nguồn lợi thủy sản vô tận của đại dương. Ông Lại Văn Thành, 59 tuổi, một ngư phủ lão luyện, ở xóm Tân Dinh (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) nơi có đội tàu thuyền đánh bắt lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh không giấu nổi chút buồn cho biết, sự cố cá chết hàng loạt đã làm cho gia đình ông cũng như nhiều hộ khác ở Cẩm Nhượng vô cùng lao đao. Biết rằng, nếu đi biển trong giai đoạn này dẫu thu hoạch được bao nhiêu thì cũng rất khó tiêu thụ, hoặc tiêu thụ với giá thành quá thấp, và không cẩn thận còn bị thua lỗ. Tuy vậy, với con thuyền có công suất 24 CV chỉ có thể đánh bắt trong vòng 40 hải lý, ông vẫn tham gia vào đội khai thác trên ngư trường ngoài khơi, bằng những chuyến đi ngắn ngày (mỗi tháng đi 6 đến 7 chuyến), có những chuyến khai thác được từ 300 - 500kg mực ống. Hiện tại giá 1kg mực ống giao động từ 150.000 - 160.000 đồng, năm ngoái mỗi kg có giá 220.000 - 250.000 đồng. So với năm ngoái, sự chênh lệch về giá là quá lớn, nhưng ông tin trong thời gian tới thị trường sẽ có chuyển biến theo chiều tích cực nên ông vẫn quyết tâm bám biển hàng ngày.
Cũng như ngư dân Cẩm Nhượng, hầu hết các làng nghề đánh bắt ở miền Trung, trong đó có làng nghề đánh bắt Đông Yên (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) là những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất, bà con ngư dân đã bắt đầu đi biển, bởi theo quan niệm của bà con “năng nhặt chặt bị”. Hơn nữa, họ cũng rất kỳ vọng thị trường thủy sản sẽ khôi phục trở lại.
Dẫu khó vẫn kinh doanh
Nghề đánh bắt khó khăn đã đành. Các hoạt động kinh doanh liên quan như thu mua, chế biến thủy hải sản; khách sạn, nhà hàng, du lịch... cũng đều gặp khó. Chị Nguyễn Thị Lam (46 tuổi) ở xóm Nam Hải, xã Cẩm Nhượng, chủ đại lý thủy hải sản tươi sống Nam Lan than phiền: Vào mùa này những năm trước, trung bình mỗi ngày đại lý của chị thu mua từ 20 đến 30 tấn sản phẩm, lượng tiền giao dịch hàng tỷ đồng, nhưng dịp này mỗi ngày chỉ thu mua được từ 100 kg đến 300kg là cùng. Ông Hoàng Xuân Hướng, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch nghỉ dưỡng Thiên Cầm, khu du lịch biển lớn nhất tại Hà Tĩnh cũng cho biết, vài tuần trở lại đây Khu du lịch Thiên Cầm đã có nhiều tốp khách, chủ yếu khách từ ngoài Bắc vào nghỉ dưỡng. Tuy nhiên họ chỉ nghỉ lại một vài hôm, thay cho liên tục nhiều ngày như trước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, lượng khách năm nay không đạt được như kỳ vọng. Nhưng các cơ sở vẫn hoạt động kinh doanh. Ông Hướng nói: “Mọi người vẫn đang hy vọng hoạt động du lịch ở Thiên Cầm nhộn nhịp trở lại”.
Nhà hàng biển Thiên Cầm vắng khách.
Mặc dù hạn chế trong việc tiêu thụ hàng thủy sản, nhưng không phải loài thủy sản nào cũng ế ẩm. Ngược lại mùa này tại ngư trường miền Trung rộ lên các thương phẩm được thương lái rất quan tâm đặt mua với giá cao hơn so với bình thường như: Cá hố trên 120.000 đồng/1kg, sò lụa trên 140.000 đồng/1 kg; mực lá, mực nang trên 220.000 đồng/1kg…Nhận thấy đây là cơ hội làm ăn có hiệu quả, vì thế nên nhiều hộ ngư dân từng quen với nghề lưới vây đánh bắt cá trong lộng đã nhanh chóng chuyển đổi sang nghề khai thác mới. Dĩ nhiên để chuyển đổi được phương thức khai thác phù hợp, bà con phải đầu tư mua sắm thiết bị, ngư cụ mới đem hiệu quả cao.
Liên quan đến hình thức khai thác sản phẩm thủy sản mới, nhu cầu sử dụng lao động nghề biển cũng tăng đột biến. Chỉ tính riêng khoảng 20% số tàu thuyển của ngư dân vùng Cửa Sót (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) sau khi chuyển sang khai thác các loại thủy sản trên, phải huy động hàng trăm thợ lặn chuyên nghiệp đến từ các làng nghề lặn: Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên); Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), thậm chí huy động các thợ lặn chuyên nghiệp đến từ Tuy Phong (Bình Thuận)... Theo các hộ ngư dân ở Cửa Sót thì trung bình mỗi ngày mỗi thuyền có thể đánh bắt được từ 10 tấn đến 20 tấn sản phẩm, trừ các khoản chi phí, một ngày mỗi lao động có thể thu nhập từ 2 đến 5 triệu đồng.
Bãi tắm Thiên Cầm vắng khách.
Biển cả và yêu biển
Ngay sau khi sự cố cá chết hàng loạt xảy ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương kịp thời vào cuộc, hỗ trợ động viên bà con, doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh vượt qua khó khăn. Đồng thời quyết liệt trong việc tìm nguyên nhân các giải pháp khắc phục. Riêng phạm vi khu vực đánh bắt dưới 20 hải lý được kiểm soát chặt chẽ. Các địa phương cũng đã lập các đoàn công tác trực 24/24 giờ tại các âu thuyền, cảng cá kiểm tra sản phẩm đánh bắt cấp giấy chứng nhận an toàn, dán nhãn thủy sản khai thác; mở các gian hàng thu mua và bán hải sản an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng và khuyến khích ngư dân ra khơi...
Biết rằng, thảm họa về môi trường biển miền Trung vừa qua là một sự mất mát quá lớn. Để ổn định mọi thứ như trước không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Nhưng trước biển chiều nay, những con tàu đang rẽ sóng ra khơi, bỏ lại phía sau bao ưu phiền mệt mỏi. Có lẽ chưa bao giờ người miền Trung quê tôi lại thể hiện tình yêu với biển một cách mãnh liệt đến thế!