THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:38

Cá biển chết hàng loạt: Dân sợ ăn hải sản

Nhiều vụ ngộc độc bị nghi là có liên quan đến cá chết...

Ngày 22/4, trạm y tế xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Binh) tiếp tục điều trị cho 21 bệnh nhân với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, mất nước. Những người này được mời đến dự khai trương một nhà hàng ở địa phương một ngày trước đó. Tiệc phục vụ một số món hải sản như cá, mực, ghẹ, ốc...

Được biết, tại lễ khai trương, chủ nhà hàng này đã mời hơn 200 khách, tuy nhiên có khoảng 200 người đến dự. Và hầu hết những người tham dự lễ khai trương tại nhà hàng này, sau khi ăn các món ăn hải sản về đều bị đau bụng, buồn nôn và tiêu chảy.

Theo nguồn tin từ những người có liên quan, số hải sản dùng tại tiệc khai trương nhà hàng Bảo Quốc được mua từ huyện Quảng Trạch, nơi có rất nhiều cá biển chết bất thường trong khoảng gần nửa tháng nay. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ vụ việc

Trước đó, ngày 19/4, trạm y tế xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng tiếp nhận một cháu bé bị ngộ độc thực phẩm nghi do ăn cá chết trước đó. Bệnh nhân là cháu Trần Thanh Thủy, 8 tuổi, quê ở xã Quảng Phú, sau khi ăn cá vớt trên bờ biển thì bị các triệu chứng như nôn, tiêu chảy...

Hiện tượng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển bắt đầu diễn ra từ ngày 10/4 và đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Bộ Tài nguyên Môi trường đã vào cuộc và xác định cá chết là do có độc tố trong nước. Tuy nhiên, vì sao cá bị ngộ độc thì vẫn đang chờ câu trả lời của các cơ quan chức năng.

Cá chết hàng loạt ở dọc bờ biển miền Trung.

Mới đây, Bộ NN-PT&NT chỉ đạo nghiêm cấm người dân không được sử dụng các loại cá biển chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Theo Ông Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam, người dân có thể phân biệt cá biển được đánh bắt dù đã chết nhưng còn tươi, chưa bị ươn, thối sẽ có các dấu hiệu như mang hồng, miệng cá ngậm, vây hoặc da cá sáng bóng, vẩy không rơi rụng, mắt cá lồi, trong suốt. Cá ươn sẽ có mùi hôi, miệng sẽ mở to, bụng phình, mềm, mắt đục, lõm vào trong, vẩy rơi rụng, thịt mềm, ấn vào sẽ bị lõm xuống không đàn hồi. Tuy vậy, không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng và bắt đầu hạn chế món hải sản trong bữa ăn gia đình...

Hàng  hải sản ế ẩm

Mặc dù cá chết tận Quảng Bình nhưng ngay ở Hà Nội, nhiều người dân cũng tỏ ra lo lắng. Chị Hương (công tác tại Ngân hàng Công thương) cho biết: "Trước đây, vì sợ cá nước ngọt thường nuôi bằng thức ăn tăng trọng, lại tồn dư kháng sinh nên tôi thường mua hải sản cho chồng con ăn vì nghĩ đồ biển là đồ tự nhiên. Sau khi biết thông tin về cá chết hàng loạt trên biển thì  gia đình tôi tạm dừng ăn đồ hải sản, đành chuyển sang ăn thịt và cá nước ngọt xem thế nào đã, chứ mua phải cá miền Trung, các con ăn ngộ độc thì gay go".

Rất nhiều bà nội trợ cũng chọn giải pháp như chị Hương, chính vì vậy, tại các cửa hàng bán hải sản lớn và cả những sạp cá nhỏ ở các chợ đều lâm vào tình trạng ế khách. Tại một chợ cóc Giảng Võ nằm trên đường Trần Huy Liệu, một cô bán hải sản đông lạnh trước đây vốn rất đông khách do tìm được nguồn hàng tươi ngon thì những ngày này cũng đành ngồi ngáp vặt. Ai đi qua, cô cũng mời chào rồi giải thích: “Hàng của cháu là hàng ở Nam Định, có phải trong miền Trung đầu mà các bác cứ sợ. Cứ ăn đi, có chuyện gì cháu chịu hết". Mặc dù cô chào mời đon đả và cam kết hàng đảm bảo chất lượng nhưng cũng chẳng có mấy người dừng lại. Cuối cùng, cô ngán ngẩm lắc đầu nói với cô bán hoa quả ngồi cạnh “Cứ đà này chắc em phải tạm ngừng bán một thời gian"...

Cũng tình trạng trên, chị Lan, một người bán cá lâu năm tại chợ Thành Công cũng cho biết: "Trước đây, cửa hàng của tôi vốn rất đông khách, hiện các loại thủy sản tôi vẫn bán bình thường. Riêng hàng hải sản đông lạnh gồm: Mực, tôm, cá... thì rất khó bán, mời khách mua hàng mà ai cũng lắc đầu từ chối. Tôi cũng chỉ mong người ta sớm tìm ra nguyên nhân rồi có giải pháp thế nào để cá không chết nữa chứ cứ thế này thì dân buôn bán chúng tôi hết hơi".

Biểu hiện của ngộ độc hải sản

Biểu hiện phổ biến của dị ứng hải sản là nổi mề đay trên da, nóng da, chân tay sưng phù, mí mắt sụp. Một số người có thể gặp tình trạng sổ mũi, hắt xì liên tục, ngứa ngáy toàn cơ thể. Nặng hơn, hệ hô hấp có thể bị ảnh hưởng lâu dài, gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dạng hen, phù nề thanh quản gây khó thở. Trong một số trường hợp, ngộ độc hải sản có thể gây triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng đi ngoài, tiêu ra máu. Đây cũng là dạng biểu hiện phổ biến của ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc hải sản còn có thể chuyển biến rất nặng với một số đối tượng, gây sốc phản vệ, ngừng tim, ngừng thở và tử vong nhanh chóng.

Khi người thân có biểu hiện bị dị ứng hải sản, cách tốt nhất là kích thích gây nôn để loại phần thức ăn gây dị ứng ra khỏi cơ thể. Những trường hợp nặng, cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện thực hiện cấp cứu.

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh