CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:21

Tiền lương chưa đáp ứng đủ mức sống tối thiểu của người lao động

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Xu hướng phân phối thu nhập và tiền lương trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp tổ chức Hanns Seidel Foundation vừa tổ chức tại Hà Nội.

TS Đào Quang  Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học LĐ&XH cho biết: Từ năm 2009 – 2016, đa số các ngành đều có tốc độ tăng tiền lương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động, đặc biệt là các ngành vật tư kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế tao, đây là những ngành có tiền lương trung bình thấp. Theo đánh giá của ông Vinh, những nhóm ngành có mức tiền lương thấp thì có tốc độ tăng tiền lương cao hơn do chịu tác động của tiền lương tối thiểu. Ngành có tốc độ tăng tiền lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động như: Kinh doanh bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm xã hội, dịch vụ tài chính, giáo dục và đào tạo và các hoạt động của các tổ chức quốc tế vì những ngành này về cơ bản đã trả tiền lương cao, tiền lương gắn với năng suất lao động nên không ảnh hưởng nhiều của việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng.

Đời sống người lao động còn nhiều khó khăn

Thời gian qua, nông nghiệp là ngành có mức tiền lương thấp nhất và tốc độ tăng tiền lương cũng thấp nhất. Dịch vụ là ngành dẫn đầu về mức tiền lương và tốc độ tăng tiền lương. Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có vị trí đặc biệt quan trong trong nền kinh tế, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm có tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa 10,64%. Trong đó, 2 ngành sử dụng nhiều lao động là dệt may và da giầy có tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa cao hơn, đạt mức 4,274 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, mức lương này thấp hơn tiền lương bình quân chung cả nước (4,429 triệu đồng/người/tháng). Mặc dù doanh nghiệp tư nhân, hộ các thể, tốc độ tăng lương tối thiểu đã có những đột phá nhưng đến nay, lao động trong doanh nghiệp nhà nước có tốc độ tăng tiền lương bình quân tháng khá nhanh và cũng có mức tiền lương cao nhất so với các loại hình sở hữu khác. Tính đến năm 2016, mức lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp Nhà nước đạt 6,027 triệu đồng/người/tháng so với mức 4,562 triệu đồng/người/tháng của người lao động ở doanh nghiệp FDI và thu nhập người lao động hộ gia đình thấp nhất, chỉ ở mức 3,687 triệu đồng/người/tháng..

Ông Vinh cho rằng, mức lương sơ sở và tiền lương tối thiểu ngày càng giãn cách, hiện nay gấp 3 lần  gây bất lợi cho khu vực hưởng lương ngân sách nhà nước nên phát sinh tiêu cực trong hệ thống hành chính nhà nước; không thu hút và giữ được nhân tài trong hệ thống cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, hiện chính sách tiền lương tối thiểu chỉ quy định cho bộ phận lao động làm công hưởng lương, chiếm chưa đến 50% lực lượng lao động, còn một bộ phận đáng kể thuộc nhóm lao động cá thể, tự làm không thuộc phạm vi bao phủ của chính sách tiền lương tối thiểu. Do đó, chưa đảm bảo sự bảo vệ và công bằng trong xã hội. Theo ông Vinh, tiền lương tối thiếu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, việc tăng tiền lương tối thiểu sẽ làm tăng chi phí lao động (do tăng thêm BHXH và các khoản phí lấy lây lương cơ sở để tính) do đó sẽ giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, cơ chế thỏa thuận tiền lương trong doanh nghiệp chưa hiệu quả. Các doanh nghiệp đều có thỏa ước lao động tập thể, thương lượng tập thể nhưng chủ yếu mang tính hình thức. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng cường về mặt pháp luật tạo điều kiện và đảm bảo các yếu tố thúc đẩy phát triển quan hệ lao động, tăng cường các thỏa thuận, thương lượng về tiền lương, đặc biệt ở cấp doanh nghiệp.

Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam năm 2017 cho thấy, mức chi tiêu tối thiểu của 1 cá nhân người lao động trung bình là 3.860.000 đồng/ người/tháng. Trong đó, tiền ăn là 1.587.000 đồng/tháng; tiền sinh hoạt 1.286.000 đồng/tháng; chi cho học tập, giải trí ở mức 987.000 đồng/tháng. Theo đó, mức chi tiêu trung bình của 1 hộ gia đình (2 người lao động nuôi 2 con) là hơn 9 triệu đồng/tháng. Tính trung bình thu – chi của người lao động, kết quả cho thấy chỉ 16,1% người lao động có tiết kiệm; 51,3% đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tiết kiệm; có tới 12% người lao động không đủ sống và người lao động phải làm thêm những công việc khác ngoài doanh nghiệp.

Theo ông Quảng, nhìn chung, đời sống của công nhân lao động còn nhiều khó khăn, với mức thu nhập chỉ vừa đủ cho các khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày, người lao động hầu như không còn dư tiền để mua sắm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, đối với lao động nhập cư, họ phải thuê nhà để ở, sử dụng điện nước với giá cao không ưu đãi. Kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn năm 2016 cho thấy, 54,4% người lao động bức xúc về tiền lương, thu nhập không đủ sống. 

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh