THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:59

Tiền Giang: Quyết tâm không để người nghèo lại phía sau

 

Phóng viên: Ông có thể điểm qua một số  kết quả đạt được của công tác giảm nghèo năm 2017?

GĐ Phạm Minh Trí: Thời gian qua, Tiền Giang tập trung các giải pháp giảm nghèo và huy động nguồn lực trong dân, tập trung đầu tư cho những vùng khó khăn nhất để giảm nghèo nhanh, bền vững. Sở LĐ-TB&XH chủ động phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo triển khai chương trình dự án giảm nghèo của tỉnh và những dự án do Ngành làm chủ. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh tổ chức thực hiện, đánh giá tổng kết, nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững.

Qua điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, có 4.260  hộ thoát nghèo. Hiện toàn tỉnh có 19.680  hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,19% so tổng số hộ toàn tỉnh (469.289 hộ).

Phóng Viên: Để có được kết quả như trên, tỉnh đã triển khai các đề án, chính sách như thế nào?

GĐ Phạm Minh Trí: Trong năm 2017, ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho 32.017 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ 8 chương trình hỗ trợ (phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, học sinh, sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động, làm nhà ở) với tổng số tiền hơn 616,573 tỷ đồng. Nhìn chung, vốn cho vay được các đối tượng sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, người nghèo tiếp cận thuận lợi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.

 

Ông Phạm Minh Trí, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang

 

Tỉnh đã triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo; Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ về giáo dục cho học sinh nghèo;  Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo; Hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Công tác khuyến nông - lâm -  ngư, chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo. Trong năm 2017, các huyện, cơ sở dạy nghề trong tỉnh đã tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 3.760 lao động nông thôn, kinh phí thực hiện: 3.605 triệu đồng; trong đó có 436 người nghèo, số người nghèo sau học nghề có việc làm khoảng 85%.

Đồng thời, tỉnh đã huy động các nguồn lực cho công tác giảm nghèo như: Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội, đoàn  thể các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động các tập thể, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”. Xây dựng 14 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách nghèo với tổng kinh phí là 535 triệu; 522 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo (tỉnh 62 căn; huyện 139 căn, xã 321 căn) với tổng kinh phí là 15.940 triệu đồng; xây dựng 85 căn nhà cho hội viên, công đòan viên khó khăn cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, Tân Phước... với số tiền 2.495 triệu đồng.

Thực hiện 15 dự án hỗ trợ cho 138 hộ nghèo với tổng số tiền 548,59 triệu đồng (cấp tỉnh 2 hộ với số tiền 36 triệu đồng, cấp huyện 6 hộ với số tiền 20 triệu đồng, cấp xã 130 hộ với số tiền 492,59 triệu đồng). Trao học bổng cho 720 em học sinh nghèo vượt khó học giỏi, với tổng số tiền 261,01 triệu đồng. Hỗ trợ chữa bệnh cho 497 lượt người nghèo với số tiền 121,67 triệu đồng. Chi hỗ trợ hỗ trợ lắp đặt đường ống nước, mua vật tư, cây, con giống để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất... với số tiền 6.170 triệu đồng.

 Mặt trận các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên như Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh đoàn, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang... vận động thực hiện các chương trình an sinh xã hội tổng trị giá 53.610 triệu đồng. Vận động tặng quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhân các dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ trong  năm 2017.

 

Mô hình nuôi dê giảm nghèo hiệu quả tỉnh Tiền Giang

 

Ngoài các chương trình trên thì hoạt động tự giúp nhau trong cộng đồng dân cư như: hỗ trợ cây, con giống, phân bón, công cụ sản xuất cũng được phát huy mạnh mẽ thông qua công tác vận động, hướng dẫn của Ban công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội...

để giúp các hộ nghèo, hộ khó khăn có điều kiện sản xuất  trị giá 1.630 triệu đồng.

Phóng viên: Trong quá trình thực hiện công tác giảm nghèo với phương pháp tiếp cận đa chiều, tỉnh đã gặp những khó khăn và vướng mắc gì cần tháo gỡ?

GĐ Phạm Minh Trí: Trong bối cảnh kinh tế của tỉnh gặp nhiều khó khăn, tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh vẫn chỉ đạo ưu tiên cho công tác giảm nghèo, luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh cũng như ở mỗi địa phương. Tỉnh đã tập trung huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong công tác giảm nghèo và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo. Với những nỗ lực này, trong năm 2017, kết quả giảm 0,95% tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 0,66%/năm

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, công tác giảm nghèo của tỉnh còn gặp một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ như:

 Các Thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của các bộ ngành chức năng chậm ban hành (đến tháng 5, tháng 6 mới có hướng dẫn) nên các hoạt động thuộc chương trình mục tiêu giảm nghèo chỉ thực hiện được từ tháng 7 trở đi, ảnh hưởng đến tiến độ kế hoạch gây khó khăn ở cấp cơ sở.

 Đầu năm 2017, thực hiện Công văn số 17332/BTC-NSNN ngày 06/12/2016 của Bộ Tài chính về việc thực hiện chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở kết quả thực tế thực hiện, có báo cáo gửi về Bộ Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định”. Điều này gây khó khăn trong cuộc sống của những người nghèo thuộc diện thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (nghèo đa chiều) đặc biệt là về chính sách bảo hiểm y tế bị gián đoạn đối với những người mắc bệnh nặng hiểm nghèo.

 Việc triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo của tỉnh theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTG ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ còn chậm. Lý do: nguồn kinh phí hỗ trợ trực tiếp “cho không” từ vốn huy động từ "Quỹ vì người nghèo" không quy định cụ thể mức hỗ trợ nên thời gian qua không có thực hiện (trung ương, tỉnh, huyện, xã); tuy rằng mức vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội được tăng cao hơn nhưng nhiều hộ nghèo dù có đăng ký nhu cầu hỗ trợ nhà ở, đến khi chính quyền cơ sở triển khai lại không vay vốn làm nhà nữa vì sợ vay vốn nhiều không có khả năng trả nợ.

 Một số cơ sở có hiện tượng tách hộ người cao tuổi để thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối với nhóm hộ này nếu có dùng các chính sách hỗ trợ tác dụng vào cũng khó giảm nghèo, giảm cận nghèo, gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Ngoài ra, một số người dân vẫn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước nên không muốn thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Phóng viên: Mục tiêu, giải pháp triển khai công tác giảm nghèo năm 2018 của tỉnh thực hiện như thế nào? Thưa ông!

GĐ Phạm Minh Trí: Thời gian qua, nhìn chung, người nghèo đã tiếp cận thuận tiện hơn các chính sách trợ giúp của nhà nước, như: Chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính sách đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông - lâm - ngư; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…; cơ sở hạ tầng nông thôn được tăng cường trên cơ sở triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới; đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo kế hoạch năm 2018, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 của tỉnh xuống còn 3,69% so với dân số toàn tỉnh (giảm 0,5%, tương đương 2.360 hộ).

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ chủ động triển khai một số giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực. Thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiêm túc thực hiện đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, chống bệnh thành tích, quan liêu; phản ánh đúng thực trạng của địa phương.

Thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng ở huyện nghèo Tân Phú Đông và 11 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể, của người dân đặc biệt là của người nghèo, cận nghèo về tầm quan trọng, mục đích ý nghĩa của công tác giảm nghèo để mọi người đồng lòng, cùng chung tay thực hiện giảm nghèo bền vững.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện tốt, đầy đủ các chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, hướng dẫn cách làm ăn; hỗ trợ sinh kế, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện, bảo trợ xã hội… dùng các chính sách làm đòn bẩy, thúc đẩy việc giảm nghèo, tạo điều kiện để các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Tăng cường sự phối kết hợp, chỉ đạo của các sở ngành, chức năng; sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo để người nghèo, người cận nghèo dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng các chính sách theo quy định.

Trân trọng cảm ơn ông!

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh