Tiền Giang đào tạo nghề cho hơn 65 nghìn lao động
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:52 - 26/03/2021
Ngày 24/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" theo quyết định 1956/QĐ-TTg.
Theo đó, trong giai đoạn 2010-2020, tỉnh Tiền Giang đã đào tạo 65.575 lao động (mục tiêu 62.000 lao động), vượt 5% mục tiêu về số lao động được hỗ trợ, trong đó: 13.949 lao động thuộc hộ nghèo, 2.760 lao động thuộc diện người có công và 605 lao động là người khuyết tật.
Ngành nghề đào tạo gồm: Sửa chữa xe máy, hàn, may công nghiệp, sửa chữa lắp đặt điện dân dụng, cắt uốn tóc, sửa chữa máy may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Số lao động học nghề thuộc nhóm phi nông nghiệp chiếm 35,64%. Mức chi hỗ trợ đào tạo bình quân 708.480 đồng/lao động trong giai đoạn 2010-2015; 1.087.872 đồng/lao động trong giai đoạn 2016-2020.
Tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 85%. Trong đó, hơn 76% có việc làm theo nghề đã học. Thu nhập tăng thêm khoảng 750 nghìn đến 1,5 triệu đồng/hộ/tháng.
Các mô hình đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn gắn với quy hoạch và phát triển sản xuất ở địa phương, quy hoach xây dựng nông thôn mới. 7 mô hình đào tạo gồm: May công nghiệp, đan lát, trồng thanh long, trồng màu, trồng rau an toàn, chăn nuôi bò, chăn nuôi gà.
Trên cơ sở nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, Tiền Giang đã tiến hành đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề cho các trường, trung tâm.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 đầu tư cho 4 trường với kinh phí 13 tỷ đồng. Sử dụng 474 triệu đồng để xây dựng 15 chương trình, cập nhật 11 chương trình, giáo trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 326 giáo viên và 255 cán bộ kỹ thuật tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động nghề phi nông nghiệp còn thấp (đạt 60%). Nguyên nhân là do đa số lao động học nghề là người trên 30 tuổi, số lao động trẻ tham gia học nghề chỉ chiếm hơn 25% số lao động học nghề phi nông nghiệp.
Để đạt mục tiêu đề ra, Tiền Giang đã thực hiện các giải pháp tuyên truyền tư vấn học nghề, phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo.
Theo ông Nguyễn Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển khoa học công nghệ và hội nhập, đào tạo nghề cần có thay đổi mạnh mẽ để đổi mới loại hình đào tạo, tiếp cận và hội nhập kinh tế đất nước, thế giới.
Cần tập trung tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về cơ hội học nghề, việc làm; gắn kết nghề nghiệp với thị trường lao động, đào tạo theo nhu cầu, địa chỉ để đảm bảo đầu ra cho người lao động.
Nâng cao hiệu quả trong đào tạo, khảo sát nhu cầu, cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo; tăng cường dự báo, quy hoạch, đào tạo nghề mới theo hướng mới.
UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở NN&PTNT chú trọng đào tạo nghề, hướng tới đối tượng người yếu thế, bảo đảm bình đẳng và công bằng xã hội; xây dựng định mức theo chi phí ngành nghề đào tạo, bảo đảm điều kiện người lao động được thực hành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Tiền Giang hiện có 23 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm: 1 trường Đại học, 03 trường Cao đẳng, 03 trường Trung cấp, 06 Trung tâm (TT) Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)- Giáo dục thường xuyên (GDTX), 01 TT dạy nghề - Hỗ trợ nông dân, 03 TT Dịch vụ việc làm, 01 TT khuyến nông, Dịch vụ nông nghiệp và 05 doanh nghiệp có đăng ký hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN tổ chức đào tạo 42 ngành, nghề thuộc các lĩnh vực: Y tế, Kinh tế, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Điện công nghiệp, Điện tử, Dịch vụ, Văn hóa – Nghệ thuật, Nông nghiệp với quy mô tuyển sinh hàng năm từ 3.500-4000 học sinh, sinh viên trình độ Trung cấp, Cao đẳng; 9000 học viên trình độ Sơ cấp, dưới 03 tháng theo nhu cầu doanh nghiệp và người lao động.