THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:21

Tiền bảo hiểm xã hội nhàn rỗi ngày một tăng cao

Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2013 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước thực hiện trong năm 2014 vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Kết quả kiểm toán cho thấy, nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý hiện tại rất lớn, tăng cao sau mỗi năm: thời điểm 31/12/2010 là 141.220 tỷ đồng; 31/12/2011 là 180.832 tỷ đồng; 31/12/2012 là 239.559 tỷ đồng và đến 31/12/2013 là 303.734,3 tỷ đồng (chưa tính các quỹ dự phòng; thu trước bảo hiểm y tế cho năm sau trên 5.600 tỷ đồng; các nguồn quỹ khác: 487 tỷ đồng;...).

Các quỹ bảo hiểm đều có kết dư và hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng khá cao.

Vẫn theo cơ quan kiểm toán, các quỹ bảo hiểm đều có kết dư và hàng năm đều có tốc độ tăng trưởng khá cao. Cụ thể, nguồn quỹ nhàn rỗi năm 2013 tăng 26,7% so với năm 2012, lãi thu được từ đầu tư quỹ năm năm 2013 tăng 16% so với năm 2012 và tăng quỹ từ lãi đầu tư năm 2013 tăng 17,5% so với năm 2012.
Tổng số lãi đầu tư quỹ thu được là 22.140.448 triệu đồng, đạt 114,3% so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm, tăng 16,2% so với năm 2012. Tỷ lệ lãi đầu tư quỹ bình quân là 9,36%/năm. Ngoài ra, thu lãi tiền gửi không kỳ hạn và thu lãi khác là 202,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả kiểm toán nêu rõ, tính đến 31/12/2013, một số khoản cho vay bị quá hạn gốc và lãi. Số tiền quá hạn gốc 865,3 tỷ đồng đều liên quan đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong đó Công ty Cho thuê tài chính I quá hạn 41 tỷ đồng, Công ty Cho thuê tài chính II quá hạn gốc 774,3 tỷ đồng, Chi nhánh Phước Kiểm quá hạn gốc 50 tỷ đồng.
Về khả năng cân đối quỹ bảo hiểm, nhiều giả thiết đã được cơ quan kiểm toán đưa ra. Như, dự kiến mức lương tối thiểu tăng 16%/năm đến năm 2015; từ năm 2016 đến năm 2025 tăng 10%/năm; từ năm 2026 trở đi tăng 7%/năm.
Tỷ lệ đóng bảo hiểm dự kiến cứ 2 năm tăng 1 lần với mức tăng 2% thì đến năm 2014 trở đi sẽ là 22%. Số năm đóng bảo hiểm xã hội bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm, tuổi thọ bình quân là 73 tuổi và tăng trưởng của lãi đầu tư quỹ dao động trong khoảng 9,08%/năm...

Tỷ lệ lạm phát giá sinh hoạt được giả định theo quy luật: năm 2009 tăng 20,37%; năm 2010 dự kiến tăng 12,31%; từ năm 2011 đến năm 2015 tăng khoảng 14,4%; năm 2016 đến năm 2025 tăng 8,8%; từ năm 2026 trở đi tăng 6,16%/năm.
Theo các giả thiết như trên, tình hình cân đối quỹ bảo hiểm xã hội được cơ quan kiểm toán dự báo khá cụ thể.
Theo đó, với quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện đến năm 2041 thì cân bằng thu chi, đến năm 2053 thì bội chi.
Quỹ hưu trí tử tuất nếu tham gia bảo hiểm xã hội ở mức trung bình thì đến năm 2023 sẽ thu bằng chi, đến năm 2037 là bắt đầu bội chi quỹ.
Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau thai sản do mức chi hàng năm thấp nên đến năm 2050 quỹ này vẫn có kết dư.
Với quỹ bảo hiểm thất nghiệp dự báo đến năm 2020 số thu bằng số chi, từ năm 2021 mất cân đối thu - chi trong năm, nhưng quỹ vẫn tồn tại đến năm 2050. Như vậy, dự báo đến năm 2050 quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn tự cân đối được.
Vẫn liên quan đến quỹ này, phần kiến nghị, cơ quan kiểm toán đề nghị các cơ quan liên quan giải quyết chi trả chế độ bảo hiểm thất nghiệp đúng chế độ quy định. tránh tình trạng giải quyết cho hưởng, dừng hưởng... không đúng chế độ xảy ra phổ biến tại hầu hết các tỉnh, thành phố như hiện nay.
Kiểm toán Nhá nước cũng kiến nghị Bộ Lao động - thương binh và Xã hội có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường hợp giả mạo hợp đồng có việc làm mới để chuyển hưởng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng sang bảo hiểm thất nghiệp một lần.
Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về điều kiện hưởng, chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp như khi người lao động có việc làm mới thì thôi không cho hưởng bảo hiểm thất nghiệp một lần.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh