Tiệm bánh mỳ khởi nghiệp của 2 chàng trai Việt trên đất Nhật
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 13:57 - 23/02/2017
Tiệm bánh mỳ Việt Nam của hai anh em Duy và Tâm trên con phố Waseda Dori, Tokyo, Nhật Bản.
Sinh ra và lớn lên ở vùng rốn lũ Đại Lộc, Quảng Nam trong gia đình có 7 anh chị em, hai anh em Bùi Thanh Duy (sinh năm 1986) và Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1991) đã trải qua những ngày tháng học tập và làm việc vất vả trên đất nước Mặt Trời mọc suốt nhiều năm.
Cậu anh trai Bùi Thanh Duy tốt nghiệp khoa Kinh tế, ĐH Yokkaichi, sống ở Nhật đã 10 năm. Sau khi ra trường, cậu từng làm việc cho một công ty Nhật chuyên quản lý, thông dịch cho tu nghiệp sinh, thực tập sinh người Việt. Còn cậu em Bùi Thanh Tâm đã đặt chân sang đất nước này 6 năm, học cùng khoa, cùng trường với anh và chuẩn bị tốt nghiệp vào giữa tháng 3 tới đây.
Ý tưởng mở tiệm bánh mỳ Việt ngay trên đất Nhật được Tâm nảy ra tình cờ trong một lần lên Thủ đô Tokyo chơi. Tại khu chợ châu Á mà Tâm và bạn ghé qua, cậu bị thu hút bởi một tiệm bánh mỳ Kebab Thổ Nhĩ Kỳ với hàng dài khách đủ màu da, tôn giáo đang xếp hàng chờ đến lượt.
“Nhân viên người Thổ vỗ vai em, nói ‘Xin chào’ và mời ăn thử. Sau khi thử và cảm nhận, em tự nhủ ‘cũng ngon, nhưng so với bánh mỳ Việt Nam vẫn còn thua xa’. Ý tưởng mở một cửa hàng bánh mỳ Việt loé lên trong đầu làm em suy nghĩ suốt buổi chiều đi chơi trong khi bên tai vẫn lảng vảng đâu đó câu "Xin Chào, Xin Chào" mời gọi từ những cửa hàng khác” – Tâm giải thích, khu chợ này rất đông người Việt Nam ghé thăm, mua sắm mỗi ngày nên dường như mỗi nhân viên ở đây đều "lận lưng" cho mình một câu chào hỏi như thế.
“Xin chào” có lẽ cũng là từ đầu tiên mà một người ngoại quốc muốn học khi tìm hiểu về Việt Nam. Đây chính là lý do Tâm đặt tên tiệm bánh mỳ của mình là "Bánh Mì Xin Chào" – Tâm nói. “Ngay trong buổi chiều hôm đó, em gọi cho anh trai (lúc này vẫn đang làm việc trong một công ty chuyên quản lý thực tập sinh Việt Nam có trụ sở tại Osaka)”.
Từ lâu đã nung nấu “làm một cái gì đó”, cậu anh Thanh Duy ngay lập tức hưởng ứng ý tưởng của em trai. Từ đó, hai anh em bắt đầu tìm hiểu thị trường, từng bước tháo gỡ những khó khăn.
Tiệm Bánh Mì Xin Chào được báo chí Nhật đưa tin.
“Với lượng du học sinh và thực tập sinh người Việt Nam tại Tokyo ngày một tăng, lại là một nơi đón lượng du khách hàng năm đông nhất Nhật Bản, đồng thời cũng hướng đến mục tiêu quảng bá mạnh mẽ vào Tokyo Olympic 2020, hai anh em đã quyết định chọn Tokyo là nơi khởi nghiệp. Trong khi món bánh mỳ Việt Nam gần đây nổi lên như một hiện tượng, được cả thế giới biết đến như một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, bọn em nghĩ quyết định chọn bánh mỳ để khởi nghiệp là hoàn toàn hợp lý” – Tâm chia sẻ.
Trong số rất nhiều hương vị bánh mỳ trên khắp mọi miền của Việt Nam, Tâm và Duy chọn bánh mỳ Hội An để giới thiệu với nước Nhật.
“Thật sự khi ở Việt Nam em cũng rất ít khi ăn bánh mì, cũng chẳng phải dạng sành ăn, lại càng không biết nấu nướng. Nhưng rất may mắn là được gia đình tạo điều kiện sang Nhật học tập, những năm tháng đi làm bán thời gian ở những quán nhậu, cuộc sống tự lập cộng với năng khiếu nấu nướng nên "tay nghề" càng nâng cao. Bây giờ, ngoài những món làm bánh mì em còn biết nấu phở, bún bò Huế, bún xương, mì Quảng...
“Thật ra việc chọn vị Hội An cũng vì chủ yếu hai nguyên nhân: thứ nhất là ở đây có bánh mì Phượng và bánh mì Madam Khánh nổi tiếng nhất nhì thế giới; lý do thứ hai là hai anh em là dân Quảng Nam”.
Tuy vậy, Tâm tiết lộ một sự thật khó tin: cả hai anh em chưa ai ăn thử bánh mì Hội An, mà chỉ nghe qua lời kể của người thân rồi tự mày mò cách làm, cho ra công thức riêng của mình. “Ai ngờ ăn cũng ngon!” – Tâm cười nói.
Slogan của quán là "Taste Bánh Mì, Taste Việt Nam"- nghĩa là thưởng thức bánh mì, thưởng thức cả tinh hoa ẩm thực Việt.
Tham vọng của Tâm và Duy là đưa bánh mỳ Việt trở thành một thương hiệu có thể cạnh tranh được với các đối thủ mạnh như Mc Donald, Kebab, King Burger...
Sau một năm rưỡi lên ý tưởng và thực hiện, Bánh Mì Xin Chào đã được khai trương vào cuối tháng 10/2016. Những khó khăn ban đầu phải kể đến là việc huy động vốn, tìm mặt bằng, các thủ tục pháp lý, tìm xưởng gia công đúng kiểu bánh mỳ Việt. “Bọn em đã mất 6 tháng để tìm mặt bằng, mất nhiều thời gian nhờ người Nhật bảo lãnh để thuê mặt bằng, rồi nhờ luật sư làm giấy tờ thành lập công ty, thậm chí liên lạc đến hơn 50 xưởng bánh mì mới có chỗ cung cấp đúng kiểu bánh mỳ mà mình muốn”.
Hiện tại, doanh số của Bánh Mì Xin Chào là trên dưới 200 ổ/ ngày, với mức giá trung bình khoảng 500 yên/ chiếc (tương đương 100 nghìn đồng). Khách hàng của Duy và Tâm không chỉ có người Nhật, mà còn tới từ nhiều quốc gia khác như Mỹ, Hà Lan, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc…
“Với mức chi phí đắt đỏ của Tokyo, chiếc bánh mỳ 100 nghìn/ ổ không phải là đắt so với một bữa cơm no bụng có giá khoảng 180-200 nghìn ở đây” – Tâm nói.
Tiệm bánh mỳ khởi nghiệp của hai anh em không chỉ được biết đến trên con phố Waseda Dori, mà mới đây còn được đưa tin và khen ngợi trên tờ Chunichi của Nhật. Tham vọng của hai anh em Tâm là phát triển thương hiệu, xây dựng chuỗi bánh mỳ Việt có sức cạnh tranh ngang tầm các đối thủ lớn trên thị trường đồ ăn nhanh như Mc Donald, Kebab, King Burger...
“Đối với em, mở được tiệm Bánh Mì Xin Chào là điều em tâm đắc, chứ không có một chút nuối tiếc nào. Làm việc bằng niềm đam mê - em cho rằng đó là quyết định đúng đắn và sáng suốt của chính mình” – chàng trai sinh năm 1991 chia sẻ.