THỨ HAI, NGÀY 20 THÁNG 01 NĂM 2025 12:38

Sẽ nảy sinh nhiều hậu quả pháp lý phức tạp

 

Nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia vừa ký văn bản đề xuất với Chính phủ cho phép từ ngày 15/3 áp dụng hình thức tịch thu phương tiện đối với xe gắn máy, xe thô sơ đi vào đường cao tốc (đường dành riêng cho xe ôtô); người điều khiển xe máy, xe ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở.

Liên quan đến đề xuất trên, luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn LS TP. Hà Nội), đánh giá cao các biện pháp nhằm giảm tình trạng TNGT trong thời gian qua của Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia.

Tuy nhiên, theo luật sư Triển đề xuất tịch thu phương tiện giao thông (môtô, ôtô và các phương tiện khác) khi xe môtô đi vào đường cao tốc (đường dành riêng cho xe ôtô); người điều khiển xe môtô, ôtô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1lit khí thở, cần phải căn cứ trên quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan.

“Tôi cho rằng đề xuất trên của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT quốc gia là không đúng, khó khả thi và sẽ không được Chính phủ chấp nhận”-luật sư Triển khẳng định.

Lý giải cho quan điểm của mình, luật sư Triển phân tích: Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc tịch thu phương tiện chỉ áp dụng trong trường hợp thật cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia hoặc trong trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm nghiêm trọng, nhiều lần.

Kiểm tra nồng độ cồn và cảnh đi mô tô vào đường cao tốc.

Kiểm tra nồng độ cồn và cảnh đi mô tô vào đường cao tốc. 

“Nhân dân ta còn nghèo, nhiều gia đình chiếc xe máy là một tài sản lớn, là “chiếc cần câu cơm” cho cả gia đình, nếu áp dụng hình thức tịch thu phương tiện ngay lần vi phạm đầu tiên (đi môtô vào đường cao tốc, điều khiển phương tiện khi vượt quá nồng độ cồn cho phép...), e rằng quá mạnh, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của họ”-Luật sư Triển nói.

Cũng theo luật sư Triển, nếu đề xuất trên của Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia được Chính phủ chấp thuận, khi triển khai sẽ nảy sinh nhiều hậu quả pháp lý liên quan. Nếu phương tiện bị tịch thu là xe cho mượn, cho thuê thì cơ quan ra quyết định tịch thu đã tước đoạt quyền sở hữu của chủ xe. Không thể buộc một người liên đới chịu trách nhiệm về tài sản đã cho mượn, cho thuê trong khi người này không làm gì sai luật.

Cũng cho rằng đề xuất trên của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia là không phù hợp với pháp luật hiện hành, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp (Văn phòng Quốc hội), nói: “Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn TNGT thì việc xử nặng người uống quá chén khi điều khiển phương tiện giao thông, hay cố tình điều khiển phương tiện đi vào đường cấm (xe máy đi vào đường cao tốc – PV) là cần thiết.

Tuy nhiên, liên quan đến việc tịch thu phương tiện như đề xuất trên thì phải nghiên cứu cho kỹ. Thực tế, tịch thu tài sản hợp pháp của người dân không đơn giản như vậy”.

Theo TS Thảo, nếu đề xuất trên được thông qua, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho xã hội trong qúa trình thực hiện. Không phải trường hợp nào đi xe cũng chính chủ. Pháp luật cũng không cấm người này cho người kia mượn xe. Đây cũng là quyền dân sự bình thường của người dân, do vậy tịch thu tài sản không phải của người điều khiển phương tiện là không được.

Cho rằng đề xuất trên là không vi hiến, phù hợp với pháp luật hiện hành, tuy nhiên, luật sư Tô Năng Như, Giám đốc Cty Luật hợp danh Trí Đức (Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh) nói: “Nếu đề xuất trên của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia được Chính phủ chấp thuận, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề hậu quả pháp lý khi thực hiện”.          

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh