Tích cực tham gia ý kiến trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng
- Dược liệu
- 13:13 - 09/12/2020
Tại buổi tiếp, thay mặt đoàn, bà Đào Thị Hà, Ủy viên thường trực Hội cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai cho biết, đoàn gồm 22 người, tuổi cao nhất là 90 và thấp nhất 68 tuổi; đa số sức khỏe các cụ yếu vì tuổi cao và do hậu quả của di chứng chiến tranh để lại, nhưng cả đoàn đều có chung ao ước được một lần ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Bác.
"Đoàn chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi đối với các đối tượng là người có công (NCC). Tuy nhiên, ở Gia Lai đa số tù chính trị yêu nước là người dân tộc Ja Rai, Ba Nar, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nên cuộc sống rất khó khăn, vì ngoài chế độ của Nhà nước, họ không có nguồn thu nào. Riêng đối tượng người bị địch bắt tù đày hiện chỉ hưởng phụ cấp bằng 0,6 lần mức lương cơ bản là rất thấp. Do vậy, đoàn đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu với Chính phủ nếu được nâng lên mức chuẩn NCC bằng mức lương cơ sở/1 tháng nhằm giảm bớt khó khăn về đời sống, vì số đối tượng này hiện còn rất ít nhưng lại thường xuyên bệnh tật, ốm đau…", bà Hà nói.
Thay mặt Bộ LĐ-TB&XH, Phó Cục trưởng Cục NCC Nguyễn Xuân Long bày tỏ vui mừng khi được tiếp đón đoàn cựu tù chính trị yêu nước của tỉnh Gia Lai nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Bác. Đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đối với công tác chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần cho NCC thời gian qua.
Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Long chia sẻ, từ đầu năm đến nay, đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong các nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đã được phê duyệt, nhóm đối tượng NCC với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo đã được các tỉnh chi trả xong, góp phần chăm lo đời sống cho NCC với cách mạng.
"Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi). Theo đó, sau khi Pháp lệnh được ban hành, việc xác nhận NCC, nhất là NCC trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc sẽ được thực hiện chặt chẽ, tương xứng với sự hy sinh, đóng góp của NCC; đồng thời, chính sách ưu đãi sẽ được rà soát, điều chỉnh theo hướng tốt hơn đối với đối tượng thụ hưởng chính sách. Cũng trong năm nay, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; đảm bảo NCC được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần", Phó Cục trưởng Cục NCC cho biết.
Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Long nhấn mạnh, Bộ LĐ-TB&XH đánh giá cao những kiến nghị và chia sẻ của Đoàn cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai. Đây cũng là dịp để Bộ biết thêm tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong đoàn nói riêng, các đối tượng NCC của tỉnh nói chung. Qua đó, Bộ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng trong thời gian tới".
Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Long mong muốn các cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, là tấm gương sáng để giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng phong trào ở địa phương; tích cực tham gia ý kiến với các cấp, các ngành trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của địa phương nói chung, chính sách ưu đãi NCC với cách mạng nói riêng.