CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:25

Thủy sản xuất khẩu nhiễm kháng sinh bị trả về cho tiêu thụ trong nước

 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm Thủy sản (Nafiquad) – Bộ NN&PTNT cho biết: Trong 9 tháng qua, Việt Nam có 542 lô hàng thủy sản của 110 công ty xuất khẩu bị 38 nước nhập khẩu trả về. Trung bình mỗi doanh nghiệp có 5 lô hàng không đảm bảo chất lượng bị trả về, cá biệt, có một doanh nghiệp xuất khẩu bị trả về đến 70 lô hàng.

Báo động tình trạng thủy sản xuất khẩu bị trả về vì tồn dư kháng sinh (Ảnh minh họa)
Báo động tình trạng thủy sản xuất khẩu bị trả về vì tồn dư kháng sinh (Ảnh minh họa)

 

Các lô hàng bị cảnh báo chủ yếu là do không đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATT). Nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản chưa tuân thủ đúng thời gian ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch đối với một số hóa chất, kháng sinh được phép sử dụng dẫn đến tình trạng tồn dư chất kháng sinh trong thủy sản vượt mức cho phép ở nhiều nước nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, tình trạng này đã diễn ra trong nhiều năm qua, phía cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để khắc phục nhưng trên thực tế, kết quả vẫn còn rất hạn chế. Công tác kiểm soát ATTP thủy sản xuất khẩu mặc dù đã có chuyển biến nhưng chưa được rõ nét.

“Các thị trường cảnh báo rằng, nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh có thể dẫn đến hậu quả các thị trường nhập khẩu áp dụng chế độ kiểm soát tăng cường,” ông Tiệp nói.

Giải thích việc 32.000 tấn thủy sản xuất khẩu bị trả về trong thời gian qua, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Số hàng bị trả về không chỉ do nhiễm kháng sinh vượt chỉ tiêu cho phép mà còn nhiều nguyên nhân khác như tàu đưa nhầm cảng, bao bì, nhãn mác không đúng tiêu chuẩn, bị rách, ghi sai quy cách, điều kiện bảo quản khi vận chuyển không tốt...

Theo ông Đông, lô hàng thủy sản bị trả về dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng nước này nhưng nước khác vẫn chấp nhận vì tiêu chuẩn mỗi nước một khác. Do vậy, số hàng trên được cho về tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu sang các nước khác.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định: Tình hình trên là rất nguy cấp và yêu cầu các cơ quan chức năng có kế hoạch khẩn cấp về kiểm soát tồn dư kháng sinh trong thủy sản, nhất là với các sản phẩm xuất khẩu, để giảm tình trạng cảnh báo từ các thị trường nhập khẩu và tránh tình trạng bị ngừng xuất khẩu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh