CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:17

Những đại gia thủy sản miền Tây "ngã ngựa"

 1. Phan Bá Tòng - Thủy sản Thiên Mã
Xuất thân từ gia đình khá giả ở Cà Mau, Phan Bá Tòng (42 tuổi) được học hành chu đáo, đặc biệt rất giỏi tiếng Anh. Khoảng năm 2000, ông phục vụ cho thương nhân người Mỹ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thủy sản. Là người tài giỏi, nhanh nhẹn nên Tòng được đề nghị hợp tác mở đại lý cung cấp hàng thủy sản sang Mỹ, chủ yếu là cá tra, basa phi lê. Nhờ tài sắp xếp đầu vào ổn định, chi phí cạnh tranh, các sản phẩm của ông được xuất qua Mỹ ngày một nhiều. Tiếp đó, một số chủ nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu hợp tác tốt và đứng ra đỡ đầu cho ông làm ăn. Từ đó cánh cửa mới được mở ra cho đại gia thủy sản Cần Thơ này.

Đến năm 2005, ông Tòng thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã. Làm ăn thuận lợi, lại có uy tín nên ông được sự hậu thuẫn của nhiều ngân hàng. Từ đó, ông lần lượt xây 3 nhà máy chế biến thủy sản; 12 trang trại nuôi trồng khép kín quy mô 100 ha, đảm bảo nguồn nguyên liệu 40.000 tấn mỗi năm. Báo cáo của ngành chức năng cho thấy, những lúc cao điểm công ty của ông xuất khẩu 50-70 triệu USD một năm, giải quyết việc làm cho 3.000-4.000 công nhân...
Cũng chính từ việc “ăn nên làm ra” này mà ông bắt đầu thói tiêu xài hoang phí, như tậu siêu xe Hummer H2 từ Mỹ, biển số 3333 và chiếc ôtô Camry biển 9999. Đặc biệt, ông còn “xài tiền như nước” nên mỗi lần đi tiếp khách đều có rất nhiều "chân dài" phục vụ đàn hát. Một lần, doanh nghiệp đàn anh ở Tây Đô mời về nhà nhậu, ông điều ôtô 16 chỗ chở hơn chục ca sĩ (nửa đoàn cải lương ở miền Tây) đến hát hò và phục vụ rượu bia với tiền "boa" hậu hĩnh.
Đến 2010, ngành cá tra Việt Nam bước vào giai đoạn khủng hoảng, công ty của Phan Bá Tòng cũng nằm trong vòng xoáy khắc nghiệt này. Vì nợ ngân hàng số  tiền lớn lại chịu lãi suất cao nên tình hình tài chính của Thiên Mã mất cân đối. Đã thế, ông còn vay vốn mới thêm để trả nợ cũ nên ngày càng chìm trong nợ nần. Cuối 2012, Thiên Mã tiếp tục thua lỗ, mất khả năng thanh toán khoản nợ gần 600 tỷ đồng của các ngân hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang và các doanh nghiệp, người dân nuôi cá… Cùng lúc ông còn kêu gọi các nhà đầu tư, công ty mua bán nợ tham gia tái cấu trúc; đề nghị các ngân hàng cho khoanh nợ nhưng tới nay tình hình tài chính không hề cải thiện.
Vì nợ tới 700 tỷ đồng và mất khả năng thanh toán, chiều 31/3, ông Tòng cùng Kế toán trưởng Công ty Thiên Mã đã bị Cục cảnh sát Kinh tế (C46, Bộ Công an) bắt giữ.

2. Lâm Ngọc Khuân – Thủy sản Phương Nam
Là một doanh nhân có tiếng, lại được nhiều tổ chức tín dụng tin tưởng nên ông Lâm Ngọc Khuân, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) đã chỉ đạo nhân viên của mình dùng nhiều chiêu trò để “rút ruột” ngân hàng.
Cụ thể, từ năm 2008 đến cuối năm 2012, ông Khuân đã chỉ đạo lập khống, nâng số liệu hàng tồn kho tôm đông lạnh để thế chấp rút tiền 5 ngân hàng. Khi làm thủ tục vay, Công ty Phương Nam đều phải cam kết "chỉ để mua tôm nguyên liệu, trả lương công nhân, mua thiết bị, nâng cấp sửa chữa và thực hiện hợp đồng xuất tôm". Tuy nhiên, phần lớn các khoản vay từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng ở các ngân hàng đều bị sử dụng sai mục đích.

Tổng số tiền Phương Nam vay nhiều ngân hàng lên tới trên 16.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 9.789 tỷ đồng được cho là sử dụng sai mục đích gồm tiền trả nợ vay trên 9.594 tỷ; kinh doanh bất động sản, liên doanh - liên kết đầu tư với công ty KM Phương Nam 142,7 tỷ; còn lại ông Khuân chiếm đoạt trên 52 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, do kinh doanh thua lỗ liên tục 5 năm dẫn đến mất khả năng thanh toán, ông Khuân đã chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền. Trong 19 báo cáo tài chính khống thể hiện kết quả kinh doanh có lãi để gửi ngân hàng và ngành thuế do nguyên kế toán của Thủy sản Phương Nam là Lâm Minh Mẫn trình, ông Khuân ký duyệt 13 bản, con gái Lâm Ngọc Hân 4 bản, và phó giám đốc Trịnh Thị Hồng Phượng 2 bản. Ngoài ra, nhóm này còn lập báo cáo xuất, nhập, tồn kho tôm đông lạnh khống để nâng giá trị từ 123 tỷ đồng lên 747 tỷ đồng và sử dụng một bộ chứng từ mua tôm nguyên liệu để sao y ra nhiều bản đưa vào hồ sơ thế chấp.
Đối với căn biệt thự lớn nhất Sóc Trăng nằm cạnh Thủy sản Phương Nam, ông Khuân lấy tiền vay của ngân hàng để xây dựng với mục đích làm văn phòng công ty nhưng sau đó sang tên cho Vợ và bà Mỹ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất. Trong thời gian này, nguyên Chủ tịch Công ty Phương Nam đã yêu cầu kế toán với con gái chi tạm ứng trên 71 tỷ đồng nhưng chỉ hoàn hơn 65 tỷ thể hiện nội dung chủ yếu là tiếp khách và đi công tác nước ngoài, còn lại gần 6 tỷ không quyết toán, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Kết quả trưng cầu giám định tài chính cho thấy từ năm 2008 đến 2012 Thủy sản Phương Nam thua lỗ trên 996 tỷ đồng và tổng tài sản thế chấp chỉ giá trị gần 640 tỷ đồng. Kết luận điều tra cũng xác định, nguyên Chủ tịch Công ty Phương Nam với con gái và thuộc cấp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên 471 tỷ đồng; Mẫn và Phượng cùng các đồng phạm giúp sức cho ông Khuân lừa đảo, chiếm đoạt trên 720 tỷ đồng.
Bế tắc, cha con ông Khuân đã bỏ trốn ra nước ngoài mặc cho các tổ chức tín dụng tự xử lý khoản nợ gần 1.700 tỷ đồng. Hiện ông bị Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế, còn 25 cán bộ của các ngân hàng bị tòa cấp sơ thẩm tuyên từ 2 đến 14 năm tù.
3. Phạm Thị Diệu Hiền - Thủy sản Bình An
Khởi nghiệp cách đây gần 20 năm tại Sóc Trăng với nghề kinh doanh gỗ, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Bianfishco nhanh chóng trở thành một trong những đại gia lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và cũng trở thành con nợ lớn nhất vùng này khi cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện Công ty cổ phần thủy sản Bình An và bản thân bà Diệu Hiền đã nợ nần chồng chất và mất khả năng thanh toán với số tiền lên đến cả nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, cuối năm 2012, cơ quan chức năng phát hiện Bianfishco là con nợ của 10 ngân hàng thương mại với tổng dư nợ lên đến 1.300 tỷ đồng. Trong tổng nợ nói trên, có trên 1.200 tỷ là khoản nợ của Bianfishco, số còn lại là nợ của Công ty TNHH Xây dựng & Thương Mại Diệu Hiền và cá nhân bà Phạm Thị Diệu Hiền.
Không chỉ gánh số nợ ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng, Bianfishco còn nợ tiền cá nông dân 264 tỷ đồng và khoản nợ thuế khoảng 11,5 tỷ đồng.
Khi khả năng thanh toán không còn, bị đòi nợ ráo riết, bà Diệu Hiền đã lẳng lặng sang Mỹ với lý do chữa bệnh. Ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền và là người được bổ nhiệm và ủy quyền bà làm Tổng giám đốc Bianfishco. Cũng từ lúc này, công ty của bà đã được Ngân hàng cổ phần Sài Gòn - Hà Nội đồng ý rót vốn và ký cam kết bảo lãnh để giải chấp tài sản bảo đảm.
Một trong những tài sản được giải chấp có 25 triệu cổ phần do bà Phạm Thị Diệu Hiền (Vợ ông Trí) đứng tên sở hữu. Số cố phần này sau đó được chuyển cho SHB để ngân hàng này nắm giữ 50% vốn điều lệ của Bianfishco (thay thế bà Hiền) và trở thành cổ đông sáng lập của Công ty Bình An.
Về phía VDB cũng cam kết tạo điều kiện để Bianfishco thay đổi giấy đăng ký kinh doanh với tên người đại diện theo pháp luật là ông Trần Văn Trí đồng thời đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ ghi nhận SHB là cổ đông nắm giữ 50% của Bianfishco.
Cho tới nay mặc dù công ty đã được điều hành bởi chủ sở hữu mới nhưng tình hình kinh doanh vẫn chưa mấy sáng sủa. Những chủ nợ của bà Hiền vẫn chưa thấy hy vọng tìm lại số tiền của mình. 
Bên cạnh những đại gia đình đám “ngã ngựa”, ngành thủy sản cũng còn chứng kiến hàng chục doanh nhân vào vòng lao lý với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạn tài sản… 
Điển hình như ông Nguyễn Hữu Thành (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Đại Dương) bị bắt khi doanh nghiệp nợ cả gốc lẫn lãi của VDB khoảng 55,5 tỷ đồng. Hay ông Huỳnh Minh Trung (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Đức, Cà Mau), Trần Tấn Hải (nguyên Giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải), Phan Minh Nhật (Phó giám đốc Công ty TNHH chế biến thủy sản Minh Châu) cũng rơi vào vòng lao lý vì tội danh lừa đảo chiếm đoạn tài sản.

Theo vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh