Thường vụ Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm 16 Đại sứ
- Tây Y
- 22:38 - 14/07/2018
Tại phiên họp, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trình bày Tờ trình số 47/TTr-TTg ngày 31/5/2018 và Tờ trình số 59/TTr-TTg ngày 4/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021 và bổ sung địa bàn kiêm nhiệm.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo số 2453/BC-UBĐN14 ngày 10/7/2018 của Ủy ban Đối ngoại thẩm tra Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021 và bổ sung địa bàn kiêm nhiệm.
Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí phê chuẩn việc bổ nhiệm đối với 16 Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2021 và bổ sung địa bàn kiêm nhiệm đối với 1 Đại sứ theo Tờ trình của Thủ tướng Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại.
UBTVQH cho ý kiến về việc bổ nhiệm đại sứ
Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 25, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 dự án luật, nhiều nội dung quan trọng và thông qua 7 nghị quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp Chính phủ và thường trực các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo, các dự án và tiến hành các bước tiếp theo, đồng thời hoàn thiện các dự thảo nghị quyết đã thông qua để ký ban hành.
Những vấn đề còn có nội dung ý kiến khác nhau thì sẽ được khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh. Riêng Luật Phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ chủ trì làm việc với các cơ quan có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng để bàn những nội dung còn có ý kiến khác nhau để tiếp thu, chỉnh lý trước khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Dự kiến các chương trình họp vào tháng 8 và tháng 9, tháng 10 đã gửi đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã gửi đến cơ quan hữu quan để chủ động chuẩn bị. Những vấn đề thuộc ngân sách sẽ được tập trung giải quyết trong tháng 10 này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngay từ giữa tháng 7 này cần chuẩn bị các nội dung cho việc chuẩn bị việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ.