Chưa có cơ sở đánh thuế 45% cho tài sản không giải trình được nguồn gốc.
- Tây Y
- 03:39 - 14/07/2018
Băn khoăn căn cứ xác định mức thuế
Giải trình tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, xung quanh xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc có khoảng 6 phương án. Đó là, thông qua con đường tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, xử phạt vi phạm hành chính, hành chính - tư pháp, xử lý kinh tế - thu thuế thu nhập cá nhân và cuối cùng là thực hiện như luật hiện hành.
Theo Tổng Thanh tra, cần quan tâm đến loại tài sản, thu nhập, Nhà nước không chứng minh được do vi phạm pháp luật mà có, không chứng minh được thuộc sở hữu của Nhà nước. Còn người có nghĩa vụ kê khai dù đã giải trình nhưng so với các khoản tài sản, thu nhập hợp pháp, thu nhập thường xuyên và không thường xuyên thấy không hợp lý.
“Loại này rất khó xử lý. Xử hình sự không được, dân sự cũng khó, hành chính cũng không xong. Nếu xử theo con đường hành chính - tư pháp thì phải có pháp lệnh. Trong tình trạng như thế, cơ quan soạn thảo đề xuất phương án thu thuế và được Chính phủ đồng ý” - Tổng Thanh tra Lê Minh Khái nói và nhấn mạnh: “Kể cả thu thuế rồi, cũng không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan Nhà nước chứng minh được tài sản, thu nhập đó là do vi phạm pháp luật, do phạm tội mà có”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Một số ý kiến cơ bản thống nhất về mức thuế suất 45% trong dự thảo Luật với những lý do như giải trình của Chính phủ và nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong thực hiện các giải pháp về minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng chống. Nhiều ý kiến còn băn khoăn về căn cứ xác định mức thuế suất 45%.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái giải trình về Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn cho rằng, về vấn đề xử lý tài sản, "cơ bản chúng tôi thấy là các phương án đặt ra đều khó giải quyết".
"Nếu bây giờ theo hướng không chứng minh được nguồn gốc tài sản chuyển sang thu thuế 45% thì cũng không có cơ sở. Vì phải khẳng định, thuế là áp dụng với thu nhập hợp pháp. Nếu không chứng minh được nguồn gốc thì tài sản có thể là hợp pháp hoặc không hợp pháp. Nên nếu thu thuế xong mai chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì xử lý hình sự cũng khó. Vì như vậy đã xử lý rồi lại xử lý tiếp" - Phó Viện trưởng Trần Công Phàn nói.
Từ phân tích này, ông Trần Công Phàn đề nghị, đối với người kê khai không trung thực, việc đầu tiên phải xử lý kỷ luật với người đó. Còn xử lý tài sản thì vẫn theo quy định của luật hiện hành. Nếu chứng minh được hoặc khẳng định được đó là vi phạm về thuế thì cơ quan thuế xử lý hành chính, xử lý về thu thuế. Nếu tài sản đó có dấu hiệu phạm tội thì chuyển cơ quan điều tra xử lý về hình sự.
Cũng không đồng tình với quy định về mức thuế suất 45% áp dụng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng: "Vấn đề thuế, pháp luật về thuế là đánh thuế lũy tiến. Thấp thì đánh thấp, cao thì đánh cao. Có 1000 đồng mà đánh 45% thì mất 450 đồng. Nhưng 10 triệu thì không thể đánh thuế suất như thế được. Nếu tài sản đó không phải là tiền mà là tài sản thì là thuế tài sản. Bởi thế mức thuế 45% không có cơ sở, đề nghị không nên có quy định và không nên dùng luật này để sửa luật thuế mà thuế phải theo áp dụng về thuế. Đồng ý đánh thuế nhưng không sửa luật Thuế trong Luật phòng chống tham nhũng”.
Cần tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện Luật thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cho ý kiến rằng phương án thu thuế thu nhập cá nhân cũng có một vài bất cập: mặc dù quy định này là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế về xử lý tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng hiện nay nhưng lại dẫn đến làm thay đổi nghĩa vụ chứng minh so với quy định chung của pháp luật hiện hành, theo đó, chuyển từ trách nhiệm chứng minh của nhà nước sang trách nhiệm của người có nghĩa vụ kê khai.
Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, tài sản tham nhũng bị thu hồi 100% là không bàn cãi. Tuy nhiên, nếu cho rằng, đó là tài sản bất hợp pháp phải chứng minh và chứng minh mối quan hệ giữa hành vi tham nhũng và tài sản đó có mối quan hệ hay không? Nếu không chứng minh thì không đặt vấn đề tham nhũng. Trách nhiệm đó là của nhà nước, cả thế giới làm như thế, không riêng Việt Nam.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để Luật có sức thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu qua 2 kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, về xử lý tài sản, thu nhập mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc quy định như trong dự thảo chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn; việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng chưa đủ cơ sở thuyết phục.
“Đã là tài sản tham nhũng thì tịch thu 100% không ai nói. Nhưng tài sản không xác minh được nguồn gốc hay chứng minh được bất hợp pháp mà ta thu thuế, gọi là thu nhập vãng lai thì điều này chưa thực sự thuyết phục được. Khi chứng minh được tài sản không hợp pháp thì khỏi phải bàn cãi. Nhưng vì nhà nước không chứng minh được, mà tài sản người ta tích lũy qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Do vậy, bây giờ chúng ta đánh thuế đánh thuế 45% hay tịch thu 50% là chưa có cơ sở thuyết phục” - Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau phiên họp thứ 25, cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và mời các cơ quan trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và các cơ quan liên quan để tiếp tục xin ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng thuyết phục cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn.