THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:50

Cần minh bạch phạm vi, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước

Nếu quy định cảnh sát biển là lực lượng dân sự sẽ khó đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Trình bày Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến đề nghị quy định cảnh sát biển Việt nam  (CSBVN)  thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; có ý kiến đề nghị không quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ...

Cho ý kiến về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, hiện việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biển khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ CSBVN thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh. Nếu quy định CSBVN là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội,  Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị UBTVQH cho thay từ “là” bằng từ “thuộc” và viết lại thành “Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” .

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt báo cáo về Dự thảo Luật Cảnh sát biển


Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết thêm, trên thế giới có lực lượng bảo vệ bờ biển và cụm từ “Coast Guard” được sử dụng nhiều với ý nghĩa là lực lượng vũ trang, bảo vệ biển đảo và thực thi pháp luật trên biển. Lực lượng này thuộc Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông, trực thuộc Chính phủ hay Bộ Quốc phòng là tuỳ tình hình mỗi nước. Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008 đã thể hiện “là lực lượng vũ trang” thì việc tiếp thu đưa vào luật cũng không có ảnh hưởng gì vì thực tế nhiều năm đã thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh lực lượng có nhiệm vụ chấp pháp trên biển, là lực lượng phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ vùng biển đất nước khi bị tấn công; cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam từ pháp lệnh là lực lượng vũ trang thì có sửa từ cũng không thay đổi bản chất. Đề nghị giữ đúng tính chất Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang”

Cần minh bạch phạm vi, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước

Cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, Dự luật quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật Nhà nước,  tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi còn quá rộng và có những điểm chưa thật sự phù hợp trên thực tế.

Trong phạm vi, dự thảo luật quy định lĩnh vực chính trị gồm: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác xây dựng Đảng; công tác dân tộc, tôn giáo; Thông tin liên quan đến thân thế, sự nghiệp lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị “khoanh” lại bởi trong phạm vi này có những điểm cần giữ bí mật nhưng cũng có những nội dung cần phải tuyên truyền công khai. Hay như “Thông tin về hoạt động của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, theo bà Tòng Thị Phóng lâu nay nhiều thông tin vẫn được báo chí đăng tải rộng rãi. Nên chăng luật chỉ quy định theo cấu trúc những vấn đề cơ mật cần bảo vệ, vì “thực tế khác xa rồi”.

Cũng trong phạm vi bí mật Nhà nước, dự luật quy định lĩnh vực lập pháp, tư pháp có: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động lập pháp, tư pháp; Thông tin về việc khởi tố, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, rất nhiều vấn đề trên thực tế đều được công khai để người dân theo dõi, nhất là quá trình tố tụng.

 

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng so với pháp lệnh hiện hành thì luật này phải tốt hơn, minh bạch hơn, công khai hơn chứ không phải quy định sơ sơ rồi chuyển cho bộ ngành quy định. “Cần minh bạch phạm vi, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước. Có danh mục kèm theo, như vậy mới tiến bộ, từ pháp lệnh chuyển qua luật hoá chứ không phải chuyển qua nghị định hoá hay thông tư” – bà Lê Thị Nga nêu quan điểm và lưu ý rằng nếu nhìn vào dự thảo luật thì chưa thấy cụ thể cái gì mật và cái gì không mật vì phụ thuộc văn bản dưới luật.

Bà Nga cũng nêu thực tế là các báo cáo về tư pháp hàng năm gửi tới cơ quan của Quốc hội đều đóng dấu mật, từ công tác phòng chống tội phạm, công tác xét xử đến thi hành án... dẫn đến báo cáo thẩm tra cũng phải đóng mật, điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn nội dung mời báo chí dự và đưa tin trong các phiên làm việc. Trong khi đó, định nghĩa về bí mật nhà nước chỉ là thông tin có nội dung quan trọng mà nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần ban hành danh mục bí mật nhà nước kèm theo luật thì mới rõ cái nào mật và không mật để người dân biết và làm những gì pháp luật không cấm. Theo bà Nguyễn Thanh Hải, từ quy định ban hành danh mục, quá trình sử dụng, sao chép thông tin bảo mật cho đến giải mật hoàn toàn là việc của cơ quan nhà nước mà gần như không có sự tham gia ý kiến của người dân. Do đó, dự thảo luật cần bổ sung vào nguyên tắc để đảm bảo quyền giám sát của công dân.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh