Sau cổ phần hóa hãng phim: Khuyến khích đạo diễn, biên kịch đi bán phở, làm xe ôm?
- Văn hóa - Giải trí
- 23:20 - 19/09/2017
Thương hiệu 60 năm = 0
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, việc cổ phần hóa các đơn vị thuộc Bộ VH-TT&DL đã được triển khai, trong đó có Hãng phim Truyện Việt Nam. Theo phương án cổ phần hoá Hãng phim đã được Bộ VH-TT&DL phê duyệt thì Công ty cổ phần phải tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh. Ngoài ra, nhà đầu tư chiến lược đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh (sử dụng một phần vốn tối thiểu (bằng 20%) vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty cổ phần và cam kết khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do Công ty hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh).
Việc cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) ngay khi bắt đầu đã có những lùm xùm như: Thương hiệu gần 60 năm của Hãng được xác định bằng 0; hàng nghìn m2 đất tại các vị trí đắc địa không được tính vào giá trị doanh nghiệp; Tổng Cty Vận tải thủy thâu tóm đến 65% cổ phần. Thực tế này gây bức xúc giới nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng viết đơn kiến nghị lên các cơ quan Đảng, Chính phủ. Cuối tháng 12/2016, Thường trực Chính phủ tiến hành họp, Thủ tướng chỉ đạo rà soát toàn bộ quá trình cổ phần hoá Hãng phim này. Ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái có công văn giao VFS thực hiện việc rà soát, báo cáo. Theo đạo diễn, nghệ sĩ Nguyễn Thanh Vân, việc rà soát lại do chính những người cũ trong ban cổ phần hóa VFS và đơn vị tư vấn xác định giá trị VFS trước khi cổ phần hóa (Cty TNHH Kiểm toán quốc gia VIA) và tư vấn CPH (Cty Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương) chủ trì. Họ tiến hành một cách chóng vánh, khẳng định không có gì sai, các ý kiến của nghệ sĩ bị phủ nhận.
Gần 3 tháng sau khi được cổ phần hóa, các nghệ sĩ thuộc Hãng phim Truyện Việt Nam đã nhanh chóng vỡ mộng
Trong thư ngỏ của ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy - công ty cổ phần gửi tới toàn bộ nghệ sĩ, đạo diễn, quay phim, biên kịch cũng như cán bộ công nhân viên của công ty khẳng định: “Sẽ phải có sự thay đổi toàn diện trong tư duy làm phim, trong cách tiếp cận thị trường để các sản phẩm điện ảnh do Hãng sản xuất trong thời gian tới mang được hơi thở của cuộc sống. Đây là lối ra duy nhất để chúng ta tiến tới gần hơn công chúng, qua đó có thể cải thiện đời sống cán bộ, công nhân viên, tái đầu tư tích lũy để có những tác phẩm điện ảnh lớn. Là những người ngoại đạo, chúng tôi trông cậy hoàn toàn vào các anh, các chị lãnh đạo, cán bộ, đạo diễn đương nhiệm - những người có năng lực, tâm huyết, có hiểu biết sâu sắc về thị trường điện ảnh trong việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có tính khả thi cao. Cùng với hỗ trợ tài chính như cam kết, chúng tôi sẽ cố gắng sớm tìm ra mô hình quản trị tối ưu theo hướng không can thiệp sâu và chuyên môn, vào hoạt động sáng tạo”...
Tuy nhiên, theo các nghệ sĩ, sau gần 3 tháng đi vào hoạt động (từ 23/6/2017), phía công ty chưa có gì thay đổi, ngay cả cam kết thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh cũng không được thực hiện, bởi lẽ theo cam kết, năm đầu tiên (2017) sẽ sản xuất 1 phim điện ảnh, 1 phim truyền hình. Song tính đến nay, mới có 1 phim điện ảnh “Người yêu ơi” chuẩn bị đưa vào sản xuất, đây lại là dự án phim của Hãng từ năm 2016. Thực tế từ khi chuyển đổi mô hình công ty chưa đưa được dự án phim nào về. Vậy năm sau và các năm sau nữa sẽ như thế nào để có các sản phẩm điện ảnh do Hãng sản xuất mang được hơi thở của cuộc sống, là lối ra duy nhất để tiến tới gần hơn công chúng như ông Nguyễn Thủy Nguyên đã khẳng định?
Lương đạo diễn 540 ngàn đồng/tháng
Đó là thực tế tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam. Khi cho chúng tôi xem bảng lương được cho là tạm ứng đã được các nghệ sĩ chụp lại cũng như cam kết tại Đại hội cổ đông của công ty ngày 6/5/2017 mới thấy thật xót xa. Nhiều nghệ sĩ hưởng lương 540 ngàn đồng/tháng, người 1 triệu đồng, người 2 triệu đồng, hiếm lắm mới có người được hưởng nguyên lương, thậm chí nhiều đạo diễn, quay phim trong diện không lương triền miên, trong khi cam kết mức thu nhập bình quân một người trên tháng của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam tối thiểu là 4.857.000 đồng/ tháng.
Đạo diễn Trần Chí Thành bức xúc: “Khi chúng tôi thắc mắc, phía lãnh đạo công ty chỉ thẳng mặt “các anh có làm việc đâu mà đòi lương”. Chúng tôi chỉ là người lao động, bao nhiêu năm gắn bó, cống hiến, yêu hãng phim thì ở lại thôi, chứ không phải là người ăn bám. Chúng tôi đã đặt niềm tin rất lớn ở phía lãnh đạo công ty nhưng ngay từ đầu đã mất niềm tin”. Còn đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, khi trực tiếp tham gia vào bộ phim “Người yêu ơi” - dự án phim đang được thực hiện tại công ty thì được hưởng lương tạm ứng 1 triệu đồng/tháng. “Tôi không hiểu tiền lương như vậy được tính theo cách như thế nào? Chúng tôi sẽ sống bằng gì”?, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đặt câu hỏi.
Phó phòng Quay phim Vũ Quốc Tuấn chỉ cho PV dãy phòng làm việc của Đạo diễn, Quay phim, Biên kịch đang tiến hành sửa chữa cho thuê
Hưởng mức lương 540 ngàn đồng/ tháng, đạo diễn Quốc Tuấn chua xót: “Chính anh Thủy Nguyên, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty vận tải thủy cũng đã nói tiền đó không đủ tiền nước mà lại trả cho anh chị em nghệ sĩ. Tôi lo lắng với đồng lương như thế này, nhiều anh em nghệ sĩ gạo cội, nhất là những người đã gắn bó và hết lòng vì điện ảnh sẽ bỏ đi hết”.
Trước tình hình trên, nhiều nghệ sĩ đã viết đơn kiến nghị gửi lên lãnh đạo công ty, mới đây nhất là đơn đề nghị ngày 8/9 về việc yêu cầu làm rõ tại sao bảng lương của cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ lại được ghi là mức lương tạm ứng? Căn cứ theo tiêu chí, định mức nào để xét duyệt? Tại sao có những người có lương, người không, hoặc có người được hưởng nhưng lại quá thấp như vậy? Các nghệ sĩ đều có chung đề nghị công ty thực hiện theo đúng quy định về mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và thực hiện đầy đủ cam kết của công ty khi tham gia cổ phần hóa đối với cán bộ công nhân viên của Hãng.Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng muốn làm rõ việc quy định làm việc theo giờ, cần có quy chế làm việc theo năng lực và xác định rõ ràng trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ của đôi bên. Lộ trình thực hiện cam kết giữa ban lãnh đạo và người lao động là bao nhiêu lâu. Nếu lãnh đạo không mang được công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Còn về phía người lao động, các nghệ sĩ cam kết sẽ thực hiện các công việc đúng chuyên môn nghề nghiệp mà ban lãnh đạo giao.
Nguy cơ “xóa sổ” hãng phim
Đó là lo lắng của nhiều anh chị em nghệ sĩ khi Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam tiến hành chuyển kho đạo cụ, các huân huy chương sang kho lưu giữ tận Gia Lâm, tủ kịch bản có bút tích của những biên kịch, đạo diễn nổi tiếng thời kì đầu của Hãng. khi phòng biên kịch có ý kiến thì lãnh đạo công ty nói gửi sang Viện Phim Việt Nam do điều kiện bên đó tốt hơn.
Đạo diễn Quốc Tuấn cho biết, cách làm từ việc di chuyển kho đạo cụ, kịch bản, dồn 3 phòng làm một để lấy diện tích cho thuê cửa hàng của lãnh đạo công ty nhanh, chóng vánh, bất ngờ khiến anh em nghệ sĩ có cảm giác như nguy cơ “xóa sổ” những dấu tích một thời của Hãng phim Truyện Việt Nam. Ngoài ra, việc đóng một cổng của Công ty và mở cửa sau tạo nên sự nhếch nhác không đáng có, khiến cho ngay cả chúng tôi - những người vẫn đang làm việc ở đây mà có cảm giác như Hãng không còn tồn tại nữa...
Tại thời điểm chúng tôi đến, hơn 20 người thuộc các phòng Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim được lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam xếp ngồi chung một phòng chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, xuống cấp nghiêm trọng, ngay cả điều kiện làm việc tối thiểu trong thời đại kỹ thuật công nghệ số cũng không có. Khi chúng tôi mang tâm tư này đến đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, đây là thời điểm công ty tổ chức cải tạo cơ sở hạ tầng. Trước đây, các kho lưu giữ kịch bản, đạo cụ, huân huy chương… đều dột nát, cửa sập xệ không khóa. Ông Thắng cho biết, việc di chuyển tất cả những đạo cụ còn có thể sử dụng sang gửi kho của Tổng công ty vận tải thủy vì bên đó có hệ thống kho an toàn, khô ráo trong thời gian cải tạo lại hệ thống kho của Hãng phim, chỉ bỏ đi những gì đã mục nát, không thể sử dụng được. Trong quá trình chuyển kho đạo cụ đã quay lại những hình ảnh để làm tư liệu và có thống kê chi tiết các đạo cụ còn sử dụng, đạo cụ xuất hủy chứ không có chuyện “xóa sổ” như nhiều người hiểu lầm.
Hơn 20 người thuộc các phòng Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim dồn vào một phòng làm việc chật chội, xuống cấp
Riêng về kho kịch bản, ông Thắng cũng lý giải điều kiện bảo quản ở công ty kém, không có người chịu trách nhiệm quản lý nên đã liên hệ với Viện Phim Việt Nam gửi và lưu trữ hộ toàn bộ kịch bản còn lại của phòng Biên kịch để tạo điều kiện bảo quản tốt nhất, chống thất thoát. Ông Thắng cũng khẳng định, tất cả việc chuyển đều có biên bản giao nhận trong đó kê chi tiết từng loại kịch bản, số lượng cụ thể.
Hy vọng để… vỡ mộng
Hơn 20 người thuộc khối nghệ thuật gồm các phòng: Đạo diễn, quay phim, biên kịch cũng như đông đảo nghệ sĩ, cán bộ công nhân viên của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam đều ủng hộ cổ phần hóa, vì đây là xu thế tất yếu để phát triển. Họ đều có chung hy vọng, sau cổ phần hóa sẽ có một luồng gió mới, làm thay đổi tất cả những gì trì trệ trong suốt thời gian dài vừa qua. Phó phòng Quay phim Vũ Quốc Tuấn cho biết: “Nói thật là anh em nghệ sĩ chúng tôi không muốn lên tiếng đâu, nhưng trong hoàn cảnh như thế này chúng tôi đành phải nói lên tiếng nói của mình. Tại sao những nghệ sĩ gắn bó với Hãng, với nghề bao nhiêu năm như chúng tôi lại bị đối xử như vậy? Tiền lương chỉ là một phần, cái quan trọng là giữ lại được cái nôi của điện ảnh nước nhà. Nhưng không hiểu sao lại có ý kiến cho rằng chúng tôi đang chống đối, nhất là chống đối lại quá trình cổ phần hóa. Phải khẳng định anh em nghệ sĩ chúng tôi đều 100% ủng hộ cổ phần hóa, bởi trong tình trạng trì trệ kéo dài hàng chục năm, chỉ có cổ phần hóa mới đưa ra con đường mới, làn gió mới cho Hãng”.
Ông Nguyễn Danh Thắng thừa nhận, những dư luận trong câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, có nguyên nhân từ công tác điều hành của HĐQT và Ban Giám đốc. Tư duy doanh nghiệp có thể là nguyên nhân khiến góc độ tiếp cận và cách ứng xử chưa được tròn trịa, khiến cho một số văn nghệ sĩ hiểu nhầm và bức xúc, trong đó có việc đóng một trong hai cổng ra vào Hãng phim hay thông báo giờ làm việc đối với khách hàng đến giao dịch. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và kịp thời có điều chỉnh phù hợp. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Danh Thắng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VH-TT&DL về công khai, minh bạch thông tin, Công ty cam kết mở mọi cánh cửa kêu gọi các văn nghệ sĩ hãy cùng đoàn kết, kết nối và đưa về những dự án làm phim, tạo công ăn việc làm cho mọi người.
Ông Nguyễn Danh Thắng, Chủ tịch HĐQT: “Chỉ trả lương cho những người làm việc” Các nghệ sĩ nói chúng tôi tạo điều kiện cho nghệ sĩ đi bán phở, xe ôm là không đúng sự thật. Hiện tại công việc rất khó khăn, không thể nói tôi là đạo diễn tôi phải làm đạo diễn, tôi làm biên kịch tôi chỉ làm biên kịch, công ty không thể đầu tư phim cho 10 đạo diễn làm việc. Và đương nhiên là những người có năng lực thì họ sẽ phát huy hết khả năng, còn phải làm các công việc khác. Tôi lấy ví dụ như Nhà hát Tuổi trẻ, anh Chí Trung cũng trả lời do nghề rất khó khăn, tối các nghệ sĩ trên sân khấu có thể mặc áo vua, nhưng ban ngày họ có thể vẫn mặc áo grap chạy xe ôm là rất bình thường. Ý tôi nói là bây giờ cơ chế rất khó khăn, nghệ sĩ có thể không làm công việc của mình thì có thể làm bất cứ nghề gì để sống, vì xã hội bây giờ là như thế, thị trường như thế, tôi lấy ví dụ như thế chứ không phải tôi nói tạo điều kiện cho mọi người đi chạy xe ôm. Hai việc đó là khác nhau. Hiện các phòng làm việc mặt đường Thụy Khuê chúng tôi đang cho cải tạo, kể cả gợi ý mọi người là nếu nghề khó khăn, không phát huy hết được, công ty có cơ sở hạ tầng, mọi người có thể sử dụng để kinh doanh tạo thu nhập, chứ không thể tạo gánh nặng lên cho công ty. Ví dụ như lực lượng biên kịch bao nhiêu năm nay không viết được một kịch bản nào cho hãng… Nếu nghệ sĩ nào muốn thuê để kinh doanh tôi sẽ tạo điều kiện để có thu nhập. Còn chủ trương sửa lại là vì sập xệ quá! Trong tháng 9, tháng 10 chúng tôi sẽ trả lương cho những người nào bố trí được công việc, đương nhiên là phải trả thù lao xứng đáng để họ làm tốt nhất. Bên cạnh đó công ty sẽ thành thành lập trung tâm khai thác các tài sản hiện có của cơ quan giao cho mọi người xuống quản lý, ví dụ như khai thác mấy trăm bộ phim của công ty – đây là tài sản lớn nhất của công ty giao cho mọi người làm sao phải khai thác, làm sao tìm đối tác bán bản quyền phát hành, có thể đưa lên mạng youtube để kinh doanh trên mạng, hoặc đi trình chiếu ở đâu đấy… Hướng của chúng tôi sẽ giải quyết một số người như thế, hoặc là thành lập các chi nhánh để mọi người trực tiếp vào sản xuất, các đơn vị sản xuất. Những người đang làm việc ngoài, tôi cũng vận động đang làm ngoài thì không hưởng lương của công ty, những người làm ngoài là làm ngoài, không thì chuyển hẳn sang chỗ khác. Cổ phần không thể có nguồn trả cho những người đi làm ngoài. |