Thương hiệu Việt: Cuộc chiến trên sân nhà
- Huyệt vị
- 04:01 - 09/11/2017
Tâm lý "sính" ngoại
Tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội, hàng hóa nhập ngoại đến từ các nước như Nhật Bản, Thái Lan đang khá dồi dào. Không riêng gì các mặt hàng gia dụng, thời trang, dược phẩm mà ngay cả thực phẩm, trái cây và gạo cũng được bày bán la liệt trên các kệ hàng trong những siêu thị. Chính vì vậy, người tiêu dùng trong nước có thể dễ dàng mua được những sản phẩm từ thịt bò đến quần áo, trái cây… từ các quốc gia khác.
Là một tín đồ của hàng Nhật, Chị Nguyễn Quỳnh Trang ( Lê Đức Thọ, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: Nếu như trước đây mình muốn mua đồ của Nhật thì phải nhờ người sang đó mới mua được, nhưng nay hàng hóa Nhật đã tràn ngập khắp Việt Nam nên rất dễ dàng mua được. Không riêng gì các loại hàng gia dụng, các mặt hàng thực phẩm như đường, sữa, nước chấm, bánh, kẹo… có xuất xứ từ Nhật Bản đều được bày bán khắp nơi. Nhà mình hay dùng thực phẩm của Nhật vì mùi vị thơm ngon và đặc biệt là có tiêu chuẩn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm ngặt.
Hàng hóa sản xuất tại Thái Lan tràn ngập tại các siêu thị Metro
Cùng quan điểm với chị Trang, chị Nguyễn Thu Thủy (Hàng Gai, Hà Nội) cũng cho rằng, cảm thấy yên tâm hơn về vấn đề an toàn thực phẩm khi sử dụng hàng ngoại. “Tôi có 2 con phải nuôi "bộ" và đều được nuôi bằng sữa công thức của Nhật Bản. Về mặt dinh dưỡng, tôi cho rằng sữa công thức nhiều nước đều giống nhau, nhưng tôi tin sữa Nhật an toàn hơn"- chị Thủy chia sẻ.
Kết quả khảo sát bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) của Hội Doanh nghiệp (DN) HVNCLC được thực hiện trên quy mô toàn quốc, thu thập hơn 16.000 ý kiến phản hồi của người tiêu dùng cho thấy người tiêu dùng sử dụng hàng sản xuất trong nước là chủ yếu với 92% nhưng tỉ lệ ưa thích thấp chỉ 78%. Tỉ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại nhập có xu hướng tăng, tỉ lệ mua sắm sẽ có sự dịch chuyển sang các sản phẩm ngoại nhập.
Người tiêu dùng có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc nhưng chuyển xu hướng tiêu dùng sang hàng Thái Lan và Nhật Bản. Cụ thể, thống kê cho thấy tỉ lệ yêu thích nhất là hàng Thái Lan sau đó đến Nhật Bản và Hàn Quốc… Ngoài ra, việc sử dụng hàng hóa xuất xứ nước ngoài tạo cho người tiêu dùng tâm lý yên tâm về chất lượng và an toàn thực phẩm. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ người tiêu dùng lo ngại thực phẩm của doanh nghiệp trong nước sản xuất có sử dụng chất cấm và nguyên liệu không đảm bảo chất lượng tăng lên 25%.
Cần sự gắn kết từ sản suất đến phân phối
Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Thái Lan, Trung Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực ASEAN, Caosumina đang đứng trước ngưỡng suy giảm lợi nhuận nghiêm trọng. 6 tháng đầu năm 2017 lợi nhuận của Caosumina sụt giảm gần 2/3 so với cùng kỳ năm trước, từ 124 tỉ đồng chỉ còn 47 tỉ đồng.
Thê thảm hơn cả là Bóng đèn Điện Quang - doanh nghiệp không nằm ngoài vòng xoáy cạnh tranh bởi các sản phẩm đèn nhập ngoại giá rẻ đến từ Trung Quốc. Thị trường xuất khẩu của Điện Quang cũng bị cạnh tranh khốc liệt dẫn tới sản lượng sụt giảm. 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của Bóng đèn Điện Quang giảm 6,8%, lãi sau thuế giảm tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
La liệt các cửa hàng bán đồ Thái Lan trên các tuyến phố Hà Nội.
Theo khảo sát của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, nếu như cách đây khoảng 10 năm chỉ có từ 2-3% người dân Hà Nội biết đến thương hiệu gạo Thái Lan thì giờ đây, đã có 18-19% người dân cho biết đã tiêu dùng gạo Thái Lan.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hàng Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng, thì điều trước tiên là chất lượng phải được nâng cao, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, các DN cũng như nhà bán lẻ trong nước cần có sự kết hợp chặt chẽ để tạo chuỗi liên kết nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khi nhà đầu tư ngoại nắm được các hệ thống phân phối, bán lẻ thì họ sẽ ưu tiên cho hàng hóa nước họ. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nước ngoài có tiềm lực lớn, nhiều kinh nghiệm trên thị trường nên khi đầu tư phát triển ở Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế. Bởi vậy, để có thể cạnh tranh được thì DN Việt Nam không còn cách nào khác là phải tích cực cải tiến mẫu mã, sản xuất ra những hàng hóa có chất lượng, giảm giá thành. “Sản xuất phải gắn kết với hệ thống phân phối. Hệ thống phân phối phải tốt, phải mạnh, phải thành chuỗi để DN quản lý được chất lượng hàng hóa, thương hiệu của mình” – ông Phú nhấn mạnh.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho rằng, thị trường trong nước đang phải đối diện với làn sóng hàng hóa ngoại nhập ngày một mạnh mẽ, đây chính là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng chương trình “Nhận diện hàng Việt” sẽ giúp người tiêu dùng nhận diện rõ ràng hơn các sản phẩm hàng Việt, từ đó đưa ra quyết định tiêu dùng một cách đúng đắn.
Theo bà Ánh, điểm quan trọng nhất của chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” ngoài việc tạo ra tâm lý mua sắm, lựa chọn tiêu dùng hàng Việt của người tiêu dùng còn tạo ra động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tích cực đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.