THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 02:17

Hàng Việt chiếm 70% trong siêu thị?

 

Cũng theo thông tin từ bà Nga, tại một số hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, BigC tỷ lệ hàng Việt còn trên 90%. Tuy nhiên, cả người tiêu dùng và doanh nghiệp đều không đồng thuận về số liệu này

Ngay sau khi Bộ Công thương đưa ra số liệu thống kê về tỷ lệ hàng Việt được bày bán tại các siêu thị, rất nhiều người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp không đồng thuận. Theo bà Lê Việt Nga, sở dĩ nhiều ý kiến chưa đồng thuận với số liệu này vì có sự nhầm lẫn về khái niệm thế nào là hàng Việt.

Hàng điện tử, điện máy dù sản xuất tại Việt Nam nhưng tỷ lệ nội địa rất thấp.


Bà Nga giải thích: “Hàng Việt là những sản phẩm, hàng hóa sản xuất, lắp ráp trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật Việt Nam, các dịch vụ cung ứng trên lãnh thổ Việt Nam. Một số doanh nghiệp bị nhầm lẫn vì thế mà cách đánh giá của họ thấp hơn so với con số thực tế đo đếm được''. Hiểu theo các giải thích của bà Nga, không chỉ là hàng hóa thương hiệu Việt (do doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân Việt Nam sở hữu trí tuệ, đăng ký xuất xứ tại Việt Nam) mà do nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam cũng là hàng Việt Nam.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định, không đồng tình với khái niệm hàng Việt mà đại diện Bộ Công Thương đưa ra. Phải căn cứ vào từng mặt hàng, sản phẩm thực tế có trong siêu thị để đưa ra thống kê hợp lý, rõ ràng chứ không nên đưa ra con số chung chung. Ông Phú lấy dẫn chứng: “Các hàng nông sản Việt như rau, gạo, cam bưởi, xoài...  bày bán tại các siêu thị chiếm khoảng 80%. Tuy nhiên, hàng điện máy, điện tử thì không đúng. Hàng điện máy của Thái Lan hiện chiếm đến 75% trên thị trường Việt Nam. Ngoài ra còn chưa kể đến hàng Singapore, Nhật Bản. Thậm chí có siêu thị điện máy hàng Việt chỉ chiếm khoảng 5%. Nhóm thứ ba là nhóm hàng công nghiệp chế biến, hàng Việt Nam chỉ được khoảng 30 -4 0% còn lại là hàng nhập khẩu của nước ngoài. Nếu chia tất cả các lĩnh vực và tính bình quân, hàng Việt chỉ chiếm khoảng 50 - 60%”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan- Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, hàng hóa tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống siêu thị, đại siêu thị chưa bao giờ dễ dàng vì kênh bán lẻ hiện đại Việt Nam còn khá ít, cho đến nay chưa đạt 30%. Những mặt hàng muốn vào bán tại các siêu thị tiêu chuẩn cao hơn chợ truyền thống, cửa hàng nhỏ lẻ. Chính những tiêu chuẩn cao hơn này được coi là “rào cản” về kỹ thuật, chất lượng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sản xuất cung ứng chưa hiểu biết, cập nhật yêu cầu đưa hàng hóa vào siêu thị. Theo bà Loan, một khó khăn nữa đối với hàng Việt để chen chân vào siêu thị chính là sự cạnh tranh hết sức gay gắt. Dù hàng Việt có nhiều cải tiến về chất lượng, bao bì, hoạt động khuyến mại, quảng bá nhưng doanh nghiệp Việt chưa có bứt phá mạnh mẽ nên chưa gây sự chú ý đặc biệt đối với người tiêu dùng.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế khẳng định, khái niệm về hàng Việt Nam và hàm lượng như thế nào được gọi là hàng Việt Nam chúng ta chưa có một quy định chặt chẽ, rõ ràng. Ở Mỹ, nhà quản lý chỉ công nhận một sản phẩm “Made in USA” khi các doanh nghiệp trong nước tự sản xuất. Trường hợp có đầu tư nước ngoài, mặt hàng phải chiếm tới 70% hàm lượng mới được công nhận. Nếu dưới 30%, quốc gia này trên bao bì chỉ ghi là hàng hóa đóng gói tại Mỹ. Còn tại Việt Nam hiện chưa có một quy định, khái niệm thế nào là hàng Việt Nam.

Đặc biệt, đối với những hàng hóa của những tập đoàn lớn như Samsung được lắp ráp tại  Việt Nam được tính là hàng Việt Nam có đúng hay không? Bởi theo giải thích của các chuyên gia, dù Samsung được sản xuất tại Việt Nam nhưng giá trị Việt Nam tham gia được vào chuỗi sản xuất của Samsung là quá thấp. Việt Nam chủ yếu là nhập nguyên liệu, gia công. Vì vậy, không thể gọi Samsung là hàng Việt. 

VÂN KHÁNH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh