Thương hiệu cá nhân: Góc nhìn từ các ứng viên cấp cao
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:30 - 12/10/2019
Thương hiệu cá nhân ngày càng quan trọng hơn
Mặc dù chỉ có gần 1/2 số người tham gia khảo sát định nghĩa thương hiệu cá nhân là chỉ những người đại diện cho chuyên môn hoặc tổ chức, nhưng 98% đánh giá quản lý thương hiệu cá nhân đóng vai trò quan trọng ở nhiều mức độ khác nhau đến sự thành công của sự nghiệp cá nhân và tổ chức.
86% ứng viên là các nhà quản lý cấp trung, cấp cao tham gia khảo sát cho biết, theo quan sát của họ, thương hiệu cá nhân và quản lý uy tín cá nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng so với cách đây 5 năm.
Đánh giá về tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân đối với sự thành công của sự nghiệp cá nhân và tổ chức, có 58% ý kiến cho rằng rất quan trọng; 22% cho rằng cực kỳ quan trọng; 18% cho rằng bình thường. Tỷ lệ đánh giá không quan trọng và cực kỳ không quan trọng là rất thấp, đều chỉ ở mức 1%.
Đáng chú ý, có 73% ứng viên tham gia khảo sát cho biết công ty họ ghi nhận các giá trị mà một thương hiệu cá nhân mạnh sẽ đem lại cho tổ chức. Bằng việc ghi nhận này, 93% cho biết họ được doanh nghiệp đề xuất tham gia vào các hoạt động khác nhau để đẩy mạnh vai trò của "thương hiệu cá nhân" và mang đến nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.
Trong đó, 36% ý kiến cho biết công ty họ sẽ phát triển những cá nhân đó trở thành người phát ngôn trong lĩnh vực chuyên môn mà họ đang phụ trách; 32% ý kiến nói rằng công ty họ sẽ khuyến khích những cá nhân này sử dụng mạng xã hội để xây dựng thương hiệu cá nhân, đồng thời đóng góp vào việc xây dựng thương hiệu cho tổ chức; 25% cho thấy tổ chức sẽ mời những cá nhân này tham gia vào làm giảng viên cho các chương trình đào tạo nội bộ về chủ đề thương hiệu cá nhân.
Các ứng viên cho rằng thương hiệu cá nhân giúp xây dựng sự tín nhiệm nhất định và khẳng định giá trị của mình trên thị trường, từ đó sẽ mang đến niềm tin cho các đối tác và đem lại các cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Theo khảo sát, 77% ứng viên cấp cao cho biết thương hiệu cá nhân của họ đem lại nhiều lợi ích cho tổ chức trong việc được công chúng biết tới một cách tích cực.
Các tác động tích cực nhất mà một thương hiệu cá nhân đem lại cho các hoạt động trong tổ chức bao gồm: công chúng/khách hàng biết đến công ty và các sản phẩm/dịch vụ của công ty (27%); tăng sự gắn kết với nhân viên trong tổ chức (26%); giới thiệu thương hiệu nhà tuyển dụng thông qua thương hiệu cá nhân (21%).
Thách thức và giải pháp
Dù thấu hiểu tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân nhưng chỉ có 31% người tham gia khảo sát cho biết đã từng tham gia khóa đào tạo về xây dựng thương hiệu cá nhân, còn lại 69% cho biết chưa từng tham gia vào một khóa đào tạo mang tính chuyên biệt như vậy.
Khi được hỏi về các trở ngại khi xây dựng thương hiệu cá nhân, các nguyên nhân đều thể hiện và liên quan đến sự thiếu định hướng. Như, có 22% phản hồi không biết phương pháp xây dựng thương hiệu cá nhân, và một tỷ tương tự cho biết chưa đủ can đảm để theo đuổi việc xây dựng thương hiệu cá nhân lâu dài; 18% thể hiện nỗi sợ về tác động không mong muốn của thương hiệu cá nhân đến cuộc sống; 18% cho biết không nhận đủ sự hỗ trợ từ tổ chức để xây dựng thương hiệu cá nhân...
Về quan điểm về những tiêu cực trong xây dựng thương hiệu cá nhân, top 3 các yếu tố được bình chọn nhiều nhất đều liên quan đến các hành vi lạm dụng quá mức dẫn đến tiêu cực. Các quan điểm lần lượt là: sự giả tạo hoặc thiếu tính xác thực (chiếm 19%); cá nhân dành quá nhiều thời gian để xây dựng hình ảnh thay vì tập trung vào những điều có ý nghĩa hơn cho tổ chức hoặc cộng đồng (chiếm 19%); xuất hiện các hành vi thiếu đạo đức, phóng đại để quảng bá bản thân (18%).
Báo cáo nhận định, yếu tố thương hiệu cá nhân sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn nữa vì sự phát triển của kỷ nguyên số hóa và thế giới phẳng.
Thứ nhất, công nghệ tiên tiến kết nối không giới hạn (khiến cho người dùng có thể xây dựng thương hiệu cá nhân về chiều sâu lẫn chiều rộng một cách dễ dàng hơn).
Thứ hai, toàn cầu hóa gia tăng (không còn rào cản giữa ngôn ngữ, quan điểm văn hóa, giá trị xã hội… mang đến cơ hội tự do tăng nhân diện thương hiệu cá nhân).
Thứ ba, thế hệ lao động trẻ đang tạo ra một văn hóa cởi mở và có tính kết nối trên cộng đồng số, kèm theo đó là sự trỗi dậy của một thế hệ làm việc tự do (freelancer) vốn sẽ được hỗ trợ nhiều bởi thương hiệu cá nhân.
Theo ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc của Navigos Group Việt Nam, công nghệ hóa và thế giới phẳng đã đem lại nhiều thuận lợi cho thương hiệu cá nhân trỗi dậy và được ghi nhận là công cụ để góp phần đẩy mạnh thương hiệu của chính doanh nghiệp. Đặc biệt, thương hiệu của những chuyên gia đầu ngành hoặc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có tác động rõ rệt trong chiến lược thu hút nhân tài trên thị trường tuyển dụng.
"Tôi tin rằng dưới những tác động tích cực này, doanh nghiệp cần đầu tư hỗ trợ xây dựng thương hiệu cá nhân, đặc biệt cho các vị trí cấp cao như CEO (tổng giám đốc), các vị trí phó tổng giám đốc (C-level) và các vị trí cấp quản lý khác. Họ cần được trang bị những kiến thức và phương pháp để xây dựng thương hiệu cá nhân, qua đó giúp đem đến giá trị cho tổ chức", ông Gaku Echizenya đề xuất.