THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:28

Thương binh Trần Văn Cường, nhà thơ nặng lòng với quê hương và màu áo lính

Thương binh Trần Văn Cường, nhà thơ nặng lòng với quê hương và màu áo lính   - Ảnh 1.

Thương binh Trần Văn Cường say mê sáng tác

Tháng 8 năm 1979, sau khi vừa tốt nghiệp PTTH tại Trường cấp III Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh, chàng trai Trần Văn Cường lúc đó vừa tròn 19 tuổi bắt đầu giã từ người thân, quê hương và bạn bè bước chân vào nghiệp lính và biền biệt tới 9 năm sau mới trở về khi trên mình mang đầy vết thương chiến tranh.

Chừng ấy năm trời với những điểm nóng anh từng có mặt như: Chiến dịch biên giới phía Bắc, chiến trường Tây- Nam và tham gia nghĩa vụ quốc tế tại chiến trường Căm Pu Chia...chính anh đã bao lần vào sinh ra tử, và cũng chính anh đã bao lần nghẹn ngào vuốt mắt cho những đồng đội, đồng chí của mình trước lúc hi sinh mà chưa kịp nấc lên một lời trăng trối cuối cùng!

"... Ta mãi nguyện làm bóng ma đêm tối/ Cùng đoàn quân dẫn lối vượt rừng/ Giữa đêm tối nước mắt rưng rưng/ Cõng thằng bạn máu đào đỏ thắm..." (mùa khô trên đất bạn)

Ngày tôi gặp lại anh vào dịp tháng 7, năm 2019 đúng vào dịp kỷ niệm 40 ngày ra trường của thế hệ cựu học sinh Trường cấp III Phan Đình Phùng niên khóa 1976-1979 của chúng tôi. Hiện hữu trước mắt tôi lúc này vẫn là người bạn học thời phổ thông Trần Văn Cường với dáng người thấp nhỏ, nước da tái sạm nở nụ cười hiền như cục đất.

Không phải đợi lâu, Cường đã chia sẻ cho tôi về những gì mà anh đã vụt qua 40 năm trời như giấc chiêm bao với những kỉ niệm thời áo lính, với cuộc sống mưu sinh đầy nghiệt ngã giữa bão táp của thương trường, và với niềm vui hạnh phúc gia đình mà số phận đã "lập trình" cho anh nơi quê người, đất khách!

Thương binh Trần Văn Cường, nhà thơ nặng lòng với quê hương và màu áo lính   - Ảnh 2.

2 tập thơ ấn tượng của thương binh Trần Văn Cường (Nhà xuất bản Hội nhà văn)

Thay cho những lời tâm sự thầm kín và tế nhị hơn, anh còn tặng tôi 2 cuốn thơ " Nỗi nhớ tháng năm" và "Lối về quê mẹ" đều được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành vào năm 2019.

Thoạt tiên tôi cứ ngờ ngợ, không nghĩ rằng Cường xuất thân từ một gia đình rất nghèo ở giữa khu phố nghèo Bồng Sơn, thị xã Hà Tĩnh ngày xưa. Thời ấy anh chỉ chăm chăm hết giờ học là chạy về đi bán nước chè, bắt cá, phụ hồ... qua ngày lại trở thành nhà thơ!

Tuy nhiên, trong một thoáng ký ức hiện về từ mùa hè năm 1977 với hình ảnh Cường đi dép cao su quai hậu, quần xắn lên nửa gối, cuốc bộ hơn 7 km từ thị xã Hà Tĩnh ra xã Thạch Thượng, huyện Thạch Hà tham gia dân công trong dịp hè, mà hồi đó gọi là "lao động cộng sản" tại công trình Thủy lợi Vách Nam. Dọc đường có một người bạn cùng lứa có điều kiện hơn đưa ra hai hộp sữa Ông thọ thách Cường, uống hết bạn ấy sẽ chở Cường sau xe đạp đến tận lán trại.

Vậy mà, trong lúc đang rã rời đôi bàn chân và cái bụng đói cồn cào, nhìn thấy hộp sữa nước miếng dãi ứa ra, nhưng Cường vẫn thẳng thừng từ chối, rồi tiếp tục vác xẻng trên vai nói cười vui vẻ như không. Riêng chừng ấy thôi đã đủ làm tôi phải ngưỡng mộ về cái tinh thần kẻ sĩ trong cốt cách con người bạn tôi từ đó. Mà đã là kẻ sỹ thì như một nhà văn từng nói cái chất thi sĩ đã ngấm vào máu thịt họ.

Vậy là trong đầu tôi bỗng nhanh chóng xua tan tất cả những thắc mắc ban đầu! Và rồi, tôi hồi hộp lật bài thơ đầu tiên trong cuốn "Nỗi nhớ tháng năm" với tựa đề " Nhớ mẹ" ra xem. Thật không ngờ bài thơ đã nhanh chóng "bỏ bùa mê" tôi bằng những câu từ mộc mạc, chân tình với hình ảnh người mẹ suốt đời lam lũ chỉ vì con.

Kể cả cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay bà vẫn nặng lòng luyến tục thương con. Dù rằng, lúc đó Cường đã có cuộc sống hạnh phúc vẹn toàn ở chốn phồn hoa đô hội.

Ngày trở về, mẹ không còn nữa nhưng anh vẫn cảm thấy hơi ấm của người mẹ còn quanh quẩn đâu đó trong căn nhà cũ của mình. Ngước lên di ảnh mẹ trên bàn thờ khiến anh càng không thể ghìm nổi cảm xúc, ngân ngấn giọt lệ buồn và ngộ ra rằng, dẫu ở cõi nào tình mẹ vẫn chi phối cuộc đời anh như cọng nhang trầm oằn theo kiếp phận đời:

"... Hơi ấm mẹ vẫn chập chờn sương khói/ Nén nhang trầm cong vẽ cuộc đời con".

Phải chăng, trong lời hương khói, nén nhang trầm đó như một sợi dây vô hình kéo cõi âm dương xích lại gần nhau, mà ở đó chỉ có nghĩa mẹ tình con là hiện thân của sự bất biến giữa vũ trụ luân hồi!

Thương binh Trần Văn Cường, nhà thơ nặng lòng với quê hương và màu áo lính   - Ảnh 3.

Nhà thơ, thương binh Trần Văn Cường

Trong 2 tập thơ, anh đã dành hẳn 5 bài viết về cha, chưa kể hầu hết các bài thơ khác đều có hình bóng người cha của anh trong đó. Với những hình ảnh người cha cõng anh đi học, đi chơi khắp xóm làng. Và cho đến khi trở về với tiên tổ thì cái bóng gầy của người cha vẫn tiếp tục cõng anh đi trên lộ trình nhân thế.

"...Củ khoai của sắn sáng nắng chiều mưa/ Đọi nước chè xanh, thuốc sợ vàng cuốn vội/ Mấy chục năm bao nước mắt nụ cười/ Bóng hình cha in đậm cả cuộc đời/ Để hôm nay cuối vòm trời xa ngái/ Mộ cha nằm khắc khoải tấm lòng con.(Thương cha); "...Cha lặn lội qua bao khúc đường cong/ Vẫn chưa qua mỗi ngày không phiền muộn.." (Nhớ về cha)

Có lẽ anh đã linh cảm đến một ngày nào đó mình sẽ về bên suối ngàn tình cha, nghĩa mẹ, khi đã làm trọn bổn phận trên cõi thế gian. Dẫu rằng, giờ đây anh vẫn còn nhiều vất vả, nhưng không phải gồng mình lên để đánh đổi tuổi tác của mình nữa. Bởi ở cái tuổi xế chiều, anh nhận thấy đã đến lúc cần phải bằng lòng với số phận, thậm chí anh còn tỏ ra rất mãn nguyện với cuộc sống hiện tại bên vợ, con hạnh phúc gia đình.

Ngược lại, hơn bao giờ hết, lúc này anh đang chạy đua với thời gian. Đó không những chỉ là sự hối thúc của thời gian vật lý, mà còn là sự bức ép nghiệt ngã của thời gian và không gian nghệ thuật trong thơ ca, bởi niềm đam mê . Vậy nên, càng ngày anh càng viết như "điên" với niềm khát khao cháy bỏng như thể muốn trả cho bằng được món nợ trần gian với cha mẹ, quê hương, bạn bè, đời lính và tất cả những mối quan hệ ràng buộc khác luôn ray rứt và giày vò anh.

"... Quê mình đi qua cái nắng chói chang/ Cát bỏng chân người gió Lào thổi rát/ Mùa giông bão về ngập tràn tan nát/ Mái nhà tranh xiêu vẹo mà ta ngồi/ Lu nước trước nhà, vại cà nhớ không nguôi/ Chắt chiu nuôi con lớn khôn năm tháng/ Tấm áo xưa mẹ vá chằng vá chít/ Ổ rơm nằm ủ ấm đời con/ Năm tháng đi qua cơ cực mỏi mòn/ Trong ký ước một thời để nhớ/ Ta xếp lại tuổi thơ bở ngỡ/ Quê mình giờ nỗi nhớ cứ dài thêm." (Quê nội ơi)

Chính trong đói nghèo vất vả của quê hương, gia đình cùng những giai đoạn bĩ cực mà anh đã nếm trải với bao kỷ niệm đã lằn sâu trong ký ức anh, cứ thôi thúc anh vụt biến dậy vung lên chiếc "roi lòng" quất vào cuộc rượt đuổi thời gian, làm cho con tim ứa máu, trào ra những cảm xúc mãnh liệt mà kết tinh lại những câu thơ xoáy vào cảm xúc của người đọc:

"...Một bông hoa bèo tím/ hái trước ruộng nhà mình/ Người trao tôi lặng lẽ/Tím cả thời lung linh..."( Hoa bèo tím)

Thương binh Trần Văn Cường, nhà thơ nặng lòng với quê hương và màu áo lính   - Ảnh 4.

Bến sông Cụt, quê hương của thương binh Trần Văn Cường, nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tác của anh

Xuyên suốt trong thơ của Trần Văn Cường, hầu hết là những nỗi giày vò tâm trạng nhưng không sa vào than vãn, mà cứ tựa như thể dòng sông Cụt quê anh thật lãng mạn tự bao đời nay vẫn thao thiết chảy giữa lòng đất mẹ:

"...Ta tìm từ phía xa xôi/ Dòng sông ký ức lở bồi tháng năm/ Ta tìm dưới ánh trăng rằm/ Tuổi thơ vàng óng kiếp tằm nhả tơ/ Ta tìm trong mỗi giấc mơ/ Màu thân phận bạc phất phơ mái đầu" ( Tìm)

Thời học sinh phổ thông của Cường và tôi thuộc về thập kỷ 70 của thể kỷ trước. Ấy là thời mà ở thị xã Hà Tĩnh cũ cũng như nhiều miền quê khác, hầu hết đang dùng đèn dầu hỏa và dầu ma zút để thắp sáng. Khói từ các cây đèn dầu này bay lên đen xịt tận mái nhà và phảng phất mùi hôi hôi khó chịu.

Vậy mà anh đã khéo mượn hình ảnh của cây đèn dầu phổ thông thời đó, nói lên ước mơ hết sức bình dị và trong sáng của cậu học trò nghèo muốn vươn lên trong cuộc sống tương lai:

" Những ngày cắp sách tới trường/ Đói meo đói mốc giữa đường thèm cơm/ Đêm về rúc rích ổ rơm/ Gió lùa phên cửa vẫn thơm đèn dầu"... (Ở quê đi học)

Từ đó tới nay, anh đã đi qua bao chặng tủi buồn luân kiếp, thậm chí nhiều lúc đứng bên bờ tuyệt vọng! Nhưng mọi thứ đã vượt qua, để giấc mơ về tương lai bên ngọn đèn dầu leo lét một thời đang cháy bùng lên ngọn lửa, hiện hữu với tư cách là một thương binh "tàn mà không phế".

Chẳng có gì bí ẩn cả! Tất cả mọi bí mật của cuộc đời anh đều đang được "giải mã" bằng những bài thơ được viết ra từ miền sâu thẳm tâm hồn anh!

NGUYỄN NGỌC VƯỢNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh