CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:03

Thuế sở hữu nhà ở: Thuế chồng thuế - người dân oằn mình cõng thuế

 

Chính sách thuế có tận thu với nhà, đất?

Theo dự thảo, Bộ tài chính đưa ra sẽ có 2 phương án về ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng, cũng như 2 phương án về thuế suất là 0,3% hoặc 0,4%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính thiên về hướng đề xuất ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng. Cùng với đó, những người sở hữu nhà cũng sẽ phải nộp thuế 0,3 - 0,4% cho đất mình sở hữu. Giá trị tính thuế đất là giá UBND tỉnh, TP công bố tại thời điểm tính thuế.

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều người dân bày tỏ lo lắng nếu hai phương án đánh thuế của Bộ Tài chính được thực hiện. Chị Nguyễn Phượng Hoàng ở căn hộ 2625 nhà HH4C Khu đô thị Linh Đàm cho biết, để mua được căn nhà rộng 70m2 trị giá gần 1 tỷ đồng chị đã phải làm việc cật lực trong gần 20 năm trời mới tích lũy được 700 triệu đồng mua nhà số còn lại phải vay ngân hàng mới đủ. Với số tiền thu nhập hàng tháng hơn 10 triệu đồng cũng chỉ đủ cho chị trang trải sinh hoạt gia đình nuôi con ăn học, trả nợ ngân hàng. “Nếu phải đóng thêm thuế nhà ở nữa thì quả thật rất khó khăn cho những người thu nhập thấp như chúng tôi. Tiền nợ trả chưa hết còn lo đóng thêm thuế, bao giờ mới hết được nợ” – Chị Hoàng bày tỏ.

Đề xuất thu thuế nhà ở “đánh” vào túi người dân nghèo, thu nhập thấp.

 

Còn anh Cao Ngọc Hạnh quê ở Bắc Giang cho rằng, với các đô thị lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, mức giá 700 triệu đồng rất khó để mua nhà. Ngay cả với các dự án nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cũng có giá gần 1 tỷ đồng trở lên. Như vậy, điều này đồng nghĩa với hầu như tất cả mọi người có nhà ở đều phải đóng thuế, không phân biệt giàu nghèo. “Có điều gì đó rất bất hợp lý ở đây. Với cách đánh thuế này gần như mọi căn nhà ở thành phố lớn đều phải đóng và đóng mức thuế 0,4%” – anh Hạnh khẳng định.

Nói về đề xuất thu thuế sở hữu nhà, anh Nguyễn Văn Đức nhân viên Hệ thống Siêu thị dự án Bất động sản STDA cho rằng, với cách tính như trên sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Bởi theo quy định hiện nay, mỗi hộ gia đình sẽ thực hiện nộp thuế đất hằng năm với mức thuế suất từ 0,03 - 0,15% tùy diện tích trong hạn mức, hay vượt hạn mức, đất ở nhà nhiều tầng, nhiều hộ ở, nhà chung cư... Có nghĩa là nếu luật Thuế tài sản có hiệu lực, người dân sẽ phải chịu 2 lần thuế. Trong trường hợp bỏ thuế đất, áp dụng luật Thuế tài sản thì tiền thuế mà người dân phải đóng sẽ tăng lên từ 2 - 10 lần so với trước kia.

“Để có được tài sản nhà đất, người dân thường phải tích lũy thu nhập trong một thời gian dài. Những thu nhập này là thu nhập sau thuế khi cá nhân đã thực hiện đóng thuế thu nhập cá nhân. Xây nhà, họ phải đóng thuế giá trị gia tăng khi mua các vật liệu xây dựng, tiền hoàn công nhà, phí bản vẽ... Đến khi thực hiện bán nhà đất, người dân sẽ phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước như tiền chuyển quyền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá bán... Nếu tính thêm thuế tài sản thì người dân lại thêm gánh nặng trong khi nhà ở không sinh ra lợi nhuận”  – anh Đức nhấn mạnh.

Cộng đồng mạng cho rằng lập luận “đảm bảo công bằng” của Bộ Tài chính hoàn toàn không thuyết phục. Trên FB cá nhân, nhà báo Hoàng Tư Giang, bày tỏ: “Việc đánh thuế ngay căn nhà đầu tiên, nói không ngoa: họ (Bộ Tài chính – PV) thiết kế chính sách phục vụ người giàu có chứ đâu phải vì người nghèo. Về mức thuế 0,4% cho phần từ 700 triệu đồng trở lên, nghĩa là nhà bạn giá 1,7 tỷ đồng, thì bạn phải đóng thuế 4 triệu; giá nhà 2,7 tỷ thì đóng 8 triệu, mức thuế không tin nổi. Và bạn phải đóng hằng năm. Chạy đằng trời”.

Bạn Trần Trọng An đồng quan điểm: “Nếu thu thuế tài sản, hãy thu vào những người giàu có, sở hữu nhiều nhà ấy. Từ ngôi nhà thứ hai, các ông áp mức thuế cao hơn để hạn chế đầu cơ, điều tiết mức chênh lệch giàu nghèo trong xã hội, giúp cho thị trường bất động sản minh bạch. TS Vũ Đình Ánh từng dẫn: "Thu thuế cũng như "vặt lông vịt", đừng để kêu toáng lên". Vậy nên thu thuế với chỗ cắm dùi của người dân một lần đã quá lắm rồi. Đằng này nghĩ ra cách “vặt” thêm hàng năm thì nên gọi là gì?"

Bất hợp lý, thiếu khả thi

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, lĩnh vực xây dựng hiện đang chiếm 11 - 12% GDP, do đó những thay đổi về chính sách sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản. Khi thị trường bất động sản suy giảm, chắc chắn sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Nếu thu thuế, có thể sẽ thu được thêm tiền ngân sách, tuy nhiên những hệ quả đối với nền kinh tế sẽ rất lớn. Vì vậy, Bộ Tài Chính phải thận trọng khi đưa ra các giải pháp thu thuế với mặt hàng này đặc biệt.

 

Giấc mơ an cư của người liệu có thực hiện được?


Theo ông Hà, thị trường bất động sản có 2 loại hình đó là nhà và đất. Hiện nay thuế chính sách thuế đối với nhà và đất đã có quá nhiều ví dụ như: thuế sử dụng đất, thuế chức bạ, phí chức bạ, thuế doanh thu cá nhân, doanh nghiệp… Cùng một đối tượng thì các sắc thuế cần phải thống nhất, đơn giản, càng ít càng tốt. Hơn nữa giá trị nhà ở trên đất theo thời gian còn giảm trong khi nhà không thể sinh lời, do đó việc thu thuế hàng năm là không khả thi, thiếu thực tế.

Phó Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam cho biết thêm, theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg ngày 31/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc theo mục tiêu đến năm 2020 đạt 25m2 sàn/người. Như vậy, tính một hộ gia đình trung bình 4 người thì diện tích nhà trung bình cho một hộ gia đình khoảng 100m2, tương ứng khoảng 730 triệu đồng (tính theo giá trị xây dựng bình quân 7,3 triệu đồng/m2). Điều đó có nghĩa tất cả người dân đều phải chịu thuế sở hữu nhà.

“Trước khi áp dụng thuế tài sản đối với nhà ở, Bộ Tài chính cần hết sức thận trọng. Mỗi nước có một điều kiện phát triển và đặc thù khác nhau, không thể mang kinh nghiệm của các nước phát triển để áp thuế đối với các nước đang phát triển. Bây giờ chưa phải là lúc để thu thuế sở hữu nhà ở vì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp (vào khoảng 2.200 USD/người), chúng ta cũng mới chỉ thoát nghèo. Nhà cửa người dân đã cải thiện nhưng chưa phải mọi người đã có nhà tốt để ở, nếu chính sách thuế không hợp lý sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng nhu cầu chính đáng của người dân” – ông Hà kiến nghị.

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đề xuất đánh thuế đối với nhà ở của Bộ Tài chính là không hợp lý. Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc. Nguyên tắc thứ nhất là đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở. Hiện tại, nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không. Nguyên tắc thứ hai, việc đánh thuế phải theo lẽ công bằng. Có nghĩa những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp. Dựa trên 2 nguyên tắc này, TS Trí Hiếu cho rằng đánh thuế đối với nhà ở ngay từ căn nhà đầu tiên là không hợp lý.

Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, về lâu dài việc nghiên cứu, xây dựng sắc thuế tài sản trong đó có thuế bất động sản là nhà đất là cần thiết tuy nhiên thời gian nào, mức thuế như thế nào, đối tượng chịu thuế ra sao thì cần nghiên cứu, xem xét kỹ. Bởi thị trường bất động sản Việt Nam đã có một thời gian dài lâm vào khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp phải phá sản mãi đến gần đây khi Chính phủ đưa ra những chính sách để phù hợp để nâng đỡ thị trường thì bất động sản mới bắt đầu phục hồi và hướng tới phát triển như hiện nay.

Còn ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng: Quan điểm của thôi là không đánh thuế nhà ở mà chỉ tăng chỉ suất thuế đất lên. Đánh thuế nhà thì ai người ta còn muốn xây nhà nữa, điều này sẽ gây kìm hãm thị trường nhà ở”.

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh