Sẽ đánh thuế nhà dưới 1 tỷ đồng và ô tô trên 1,5 tỷ đồng
- Tây Y
- 13:52 - 14/04/2018
Tại cuộc Họp báo chuyên đề chiều 13/4, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính cho biết Bộ này đang cân nhắc phương án đánh thuế tài sản đối với đất đai và đối tượng nhà ở, tài sản trên đất.
Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên. Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Bộ Tài chính giải thích cụ thể, với ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng thì một căn nhà có giá trị 800 triệu đồng sẽ bị đánh thuế với phần giá trị 100 triệu đồng, tức 0,3-0,4% của 100 triệu đồng.
Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).
Nhà ở từ 700 triệu - 1 tỷ đồng sẽ chịu thuế (ảnh minh họa)
Đối với phương án 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).
Như vậy, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.
Đối với nhà và công trình xây dựng trên đất, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tính thuế. Phương án một sẽ đánh thuế cả nhà ở và các công trình thương mại dịch vụ. Phương án thứ hai là chỉ đánh thuế nhà ở.
Theo ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cho rằng đánh thuế vào giá trị ngôi nhà thay vì số lượng là đảm bảo tính công bằng xã hội. Để dẫn chứng cho vấn đề trên, vị Vụ trưởng đưa một người có thể chỉ có 1 ngôi nhà trị giá vài triệu USD nhưng ở vùng nông thôn đất đai nhà cửa giá trị thấp, một người dân có thể có tới 2 - 3 căn nhà nhưng trị giá chỉ vài trăm triệu đồng. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng theo giá trị 700 triệu - 1 tỷ đồng để đánh thuế. Người có nhiều nhà sẽ cộng giá trị tất cả các nhà lại, đối chiếu theo ngưỡng chịu thuế.
"Giá theo suất đầu tư được Bộ Xây dựng quy định, dựa vào diện tích nhà tính được giá trị tài sản. Khi đó việc quản lý sẽ đơn giản thuận tiện", ông Thi khẳng định. Theo đó, sẽ không có việc giá kê khai tính thuế thấp hơn giá trị giao dịch.
Ô tô trên 1,5 tỷ đồng cũng phải chịu thuế
Bên cạnh đó, dự thảo của Bộ Tài chính cũng đưa ra phương án đánh thuế tài sản đổi với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Khi có giá trị dưới 1,5 tỷ đồng và sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách, các đối tượng trên sẽ không phải chịu thuế.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện có 3 nước đánh thuế tài sản đối với động sản gồm máy móc thiết bị, phương tiện, trong đó có ô tô, tàu bay, du thuyền là Hàn Quốc, Kazakhstan, Bolivia.
Ô tô có giá trị trên 1,5 tỷ đồng phải đóng thuế
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, hiện 100% tàu bay, du thuyền đăng ký ở Việt Nam thuộc sở hữu của tổ chức. Không có chiếc nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.
Theo ông Thi, tình trạng thất thu thuế không thể xảy ra bởi mức giá để tính thuế được UBND các tỉnh cập nhật liên tục, hải quan sẽ cung cấp giá nhập khẩu tham chiếu. Cơ sở dữ liệu này luôn có sẵn, theo giá trước bạ ô tô được cập nhật, đầy đủ thông tin với từng loại xe. "Đảm báo chính xác 100% thì khó nhưng không lo ngại thất thu vì đã có quy định giá tham chiếu đầy đủ rồi", Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế khẳng định.
Các phương án trên đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến và kiến nghị để đưa dự án Luật Thuế tài sản dự kiến sẽ đưa dự thảo ra trình Quốc hội thảo luận.